Chân răng đen sì vì bọc răng sứ kim loại?

Google News

(Kiến Thức) - Việc bọc răng sứ kim loại giúp bạn có nụ cười tỏa sáng, xinh đẹp, nhưng về lâu dài sẽ gây đen chân răng và nhiều phiền toái khác.

Bọc răng sứ kim loại là một trong những cách khắc phục tình trạng răng sâu, mẻ, hỏng... Thế nhưng, theo các chuyên gia, thành phần kim loại trong răng sứ đều có thể bị oxy hóa, làm cho đường viền nướu răng có màu xám, đen…
Bọc răng sứ kim loại gây đen chân răng 
Theo BSCK II Trần Ngọc Đỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Răng – Hàm - Mặt TPHCM, răng sứ trong nha khoa dùng để bọc, thay thế răng thật bị vỡ, sâu, hỏng. Răng sứ có nhiều loại, nhưng phổ biến là răng sứ kim loại thường, với phần sườn được đúc từ các hợp chất kim loại niken-Cr hoặc cobal, phủ bên ngoài một lớp sứ ceramco3. Răng sứ titanium, khung sườn của răng làm từ hợp kim titanium, được phủ một lớp men sứ ceramco3 bên ngoài và răng nguyên sứ zisconia, emax, cercon. 
Răng sứ kim loại niken-Cr hoặc cobalt có khả năng chịu được lực tốt, màu sắc cũng tương đối giống với răng thật. Nhưng theo thời gian, nướu răng bị tuột, vùng cổ răng (ranh giới nướu, chân răng) sẽ có màu đen do kim loại bên trong răng sứ (mão răng) bị oxy hóa. Đồng thời, mão răng đều có thể bị giãn nở theo thời gian, gây hở cổ mão răng, nước ngấm vào dễ làm hôi miệng, viêm nướu và làm răng bị mục nát. Nếu gốc răng bị lộ ra nhiều (trên 0.5mm), nên làm lại mão răng. Các vật liệu kim loại dùng trong sản xuất mão răng như niken-Cr, cobal... đều có thể bị oxy hóa, lâu ngày gây đen chân răng. Đặc biệt, oxy hóa từ kim loại này sẽ làm mất thẩm mỹ và không thích hợp bọc cho nhóm răng cửa, răng nanh. 
Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, răng sứ thường làm bằng vật liệu gốm hữu cơ có độ bền và trắng như răng thật, hoặc bằng những kim loại quý như vàng, bạc, hay platin, phải không bị oxy hóa. Trong nha khoa hiện đại, vật liệu thay thế phục hình răng có thành phần hóa học phức tạp, hiếm khi được tiết lộ và rất khó để xác định, nên khó có thể khẳng định tác hại tới sức khoẻ bằng bằng chứng khoa học.
Tuy nhiên, BS Trần Ngọc Đỉnh thì lưu ý, người bệnh không thể nhận biết bằng cảm quan chính xác chất lượng loại răng sứ kim loại mà phụ thuộc vào lương tâm nhà sản xuất, trách nhiệm và kinh nghiệm của bác sĩ nha khoa. Trường hợp khi đã bọc răng sứ mà vẫn bị đau buốt chân răng tức là kỹ thuật chữa răng không đảm bảo chất lượng, làm ẩu trước khi chụp mão răng. Khám nha không phải như đi mua sắm, thử không được thì thay cái khác, khi đã chụp mão mà răng còn viêm, đau thì rất khó xử lý.
BSCK II Trần Ngọc Đỉnh giải thích nguyên nhân đen viền nướu chân răng do oxy hóa trong răng bọc sứ kim loại. 
Thay răng giả chứa kim loại: Đừng chủ quan!
Bàn về sự ảnh hưởng của một số thành phần kim loại đối với sức khoẻ người phải dùng răng sứ, BSCK II Trần Ngọc Đỉnh còn cho biết, khắc phục răng mất, hỏng phải dùng tới thành phần kim loại còn có kỹ thuật implant. Kỹ thuật này có hai phần: Phần cấy sâu vào xương hàm răng (implant) thường dùng kim loại titanium và phần mũ chụp ngoài bằng sứ. Cách này đòi hỏi bệnh nhân có xương hàm chắc khoẻ, không bị nha chu, tiểu đường... Cấy ghép implant chỉ cho phép làm trong bệnh viện chuyên về răng hàm mặt, đủ điều kiện về vô trùng, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật có kinh nghiệm, chọn lọc bệnh nhân. 
PGS.TS Đỗ Quang Minh, Chủ nhiệm Bộ môn silicat, trường Đại học Bách khoa TPHCM, đơn vị có nhiều nghiên cứu về vật liệu sản xuất răng sứ bền, an toàn cho người lắp răng giả cũng cho rằng, khi có vật lạ tiếp xúc với mô răng, cơ thể sinh phản ứng để thải loại vật lạ. Việc thay thế răng bằng phương pháp implant không phải lúc nào cũng thích hợp, bác sĩ nha khoa phải chọn vật liệu từ các hãng có uy tín, vẫn phải có thời gian theo dõi sự tương thích. Những tác dụng phụ có do vật liệu gây ra hay không, cần theo dõi từng trường hợp cụ thể, tốt nhất không nên chủ quan khi thay răng giả chứa kim loại.
BSCK II Trần Ngọc Đỉnh khuyến cáo: “Để đảm bảo độ bền của răng sứ, giúp không hôi miệng, viêm sưng nướu thì nên dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng thay vì dùng tăm. Đánh răng đúng cách, đủ số lần và thời gian trong một lần chải, tránh ăn những thực phẩm quá cứng, tạo màu, nhiều tính axit, khám định kỳ răng miệng 6 tháng/lần để kiểm tra độ khít sát giữa các mão răng và nướu răng...”. 
Qua tìm hiểu, khảo sát của phóng viên, thị trường răng sứ do nhiều nơi sản xuất như Đức, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam. Răng sứ kim loại niken thì loạn mức giá, có khi chỉ 700.000 - 800.000đ/răng. Tại TPHCM, nha khoa N.T. (quận 10) ra giá 1,5 triệu đồng/răng sứ niken, sứ titan 2,5 triệu đồng/cái, nếu răng đã chụp mão mà bị đau buốt, sửa chữa lại giá khoảng 3 - 5 triệu đồng/cái. Ở nha khoa M.T. (quận Gò Vấp) là 900.000đ/răng, sứ titan 1.800.000đ/răng…
Quỳnh Hương

>> xem thêm

Bình luận(0)