Không ít người cao tuổi quan niệm rằng già thì răng phải rụng, là quy luật tự nhiên nên thường không đi khám răng. Chính những quan niệm sai lầm này cộng với yếu tố tâm lí ngại đi khám răng đã khiến người cao tuổi gặp phải các bệnh lí về nha khoa thường trầm trọng hơn so với người trẻ.
Làm gì còn răng mà chải!
Ông Lê Văn Mạc (Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội) mới qua tuổi 70 nhưng hàm răng đã móm mém. Ông bảo: "Cái anh già nó chán thế đấy, giờ ăn cái gì cũng phải ninh nhừ, chóp chép một lúc rồi nuốt chứ chả còn biết miếng ngon là gì nữa". Cũng vì chả còn mấy cái răng nên ông Mạc bỏ luôn việc đánh răng vì "chả nhẽ lại cầm bàn chải mà cọ vào lợi cho chết đau". Hằng ngày ông Mạc chỉ súc miệng nước muối sáng, tối và theo ông "thế là sạch tinh tươm".
BS Nguyễn Văn Việt, Phòng khám nha khoa Việt Hưng cho biết, cách chăm sóc răng miệng như của ông Mạc không phải cá biệt, mà khá phổ biến ở người cao tuổi. Tuy nhiên, chỉ súc miệng nước muối là cách làm quá sơ sài, lẽ ra ở tuổi ấy ông vẫn có thể thưởng thức các món ăn hợp với sở thích và tuổi tác của mình nếu biết chăm sóc răng miệng đúng cách.
Theo BS Nguyễn Văn Việt, người cao tuổi dù bị mất răng do bất cứ lý do gì cũng nên đến nha sĩ để khám và phục hình răng. Nếu cứ nghĩ là già thì răng rụng mà để kệ như vậy thì lâu ngày răng sẽ bị xô lệch, làm mất khoảng trống của răng đã mất, đồng thời gây xáo trộn khớp cắn, và khó chải sạch răng. Ngay cả khi không còn đủ răng, hay khi đã lắp răng giả người già cũng vẫn cần đánh răng đều đặn để loại trừ các mảng bám vi khuẩn do thức ăn thừa là nguyên nhân gây bệnh nha chu.
Tốt nhất nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần vào buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. Nếu dùng răng giả loại tháo lắp được thì cần lấy răng giả ra trước khi đánh răng. Chải răng đúng cách bằng bàn chải mềm khắp các mặt nhai, mặt ngoài và trong răng. Người có răng bị gãy rụng cần sử dụng loại bàn chải có lông mềm, chải nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương nướu.
|
Nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần vào buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. |
Không bao giờ quá già để có hàm răng khoẻ mạnh
Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, chải răng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng là việc cần thiết hằng ngày để giữ gìn sức khoẻ răng miệng; bởi ở người cao tuổi các mảng bám trên răng có thể hình thành rất nhanh, đặc biệt là khi việc vệ sinh răng miệng không được chú ý, dẫn đến sâu răng và bệnh viêm nướu lợi. Các chuyên gia khuyến cáo, dù ở tuổi nào cũng cần chải răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa fluor, dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần để làm sạch các kẽ răng.
Đối với người cao tuổi, kẽ răng thưa có thể dùng tăm hoặc bàn chải kẽ. Nước súc miệng kháng khuẩn cũng giúp giảm đáng kể vi khuẩn gây mảng bám và bệnh viêm lợi. Đi khám nha khoa định kỳ mỗi 3 tháng để phát hiện và điều trị sớm các bệnh về răng sẽ giúp ích rất nhiều cho người cao tuổi. Trám lại các răng sâu và trồng răng mới thay thế cho các răng tự nhiên bị mất cũng là những cách hữu hiệu để giúp người già có hàm răng chắc khỏe.
Một người không bao giờ là quá già để có thể sở hữu một hàm răng và nướu lợi khoẻ mạnh, cũng không bao giờ là quá tuổi để đi khám nha khoa. Có khác chăng chỉ là khi tuổi cao, chúng ta nên thay đổi cách chăm sóc răng để phù hợp hơn với hiện trạng thực tế. Tuổi ngày càng cao thì vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ răng miệng lại càng cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày người cao tuổi nên lưu ý dù răng còn tốt cũng không ăn những thức ăn cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Nên ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin, chất khoáng, như rau, quả, và đặc biệt là uống nhiều nước.
(còn nữa)
- Sau mỗi bữa ăn, người cao tuổi nên súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và nướu, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men gây sâu răng và tạo mảng bám làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh viêm lợi.
- Người cao tuổi khi đã có răng giả, nên giữ vệ sinh thật kỹ, chải răng hằng ngày như răng thật. Nếu dùng răng giả kiểu tháo lắp, nên tháo ra lúc nghỉ ngơi hoặc khi đi ngủ để niêm mạc ở hàm giả được thoáng, máu lưu thông dễ dàng. Hàm giả tháo ra nên được chải và rửa sạch sẽ dưới vòi nước, sau đó ngâm vào một ly nước nguội hoặc nước sát khuẩn có nắp đậy.
BS Nguyễn Văn Việt (Phòng khám nha khoa Việt Hưng)