Con số báo động
Tại Việt Nam, con số thống kê thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã gia tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% lên 11,5%; ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ 11,6% lên 21,9%.
Trẻ thừa cân béo phì đang trở thành mối lo không chỉ riêng của Việt Nam mà trên toàn cầu. Hậu quả trực tiếp của béo phì ở trẻ em liên quan đến các hội chứng hen suyễn, hội chứng ngưng đường thở khi ngủ, gây tâm lý trẻ béo phì bị kỳ thị, trẻ thừa cân béo phì lớn lên tiếp tục béo phì và đó là nguy cơ gây bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Một số nghiên cứu cho thấy, tại 8 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
|
Điều trị béo phì ở trẻ em rất khó khăn vì cha mẹ trẻ thường không nghĩ béo phì là bệnh |
Lỗi ở cha mẹ?
TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho hay, tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến "trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu".
Cũng theo TS Từ Ngữ, điều đáng nói là có tới gần 50% các bà mẹ không chịu nhìn nhận đúng về cân nặng của con mình. Qua khảo sát thực tế, nhiều cha mẹ luôn than phiền con còi cọc, lười ăn khi trẻ đã đạt chuẩn về cân nặng và chiều cao; nhiều trẻ thừa cân trong khi cha mẹ vẫn đánh giá con bình thường.
Theo kết quả của một điều tra được tiến hành trên những trẻ thừa cân béo phì tại Hà Nội, có đến 53% ông bố bà mẹ có con rơi vào tình trạng này, nhưng không hề biết và vẫn tiếp tục bồi bổ cho con.
Đặc biệt, trong số các bà mẹ được nghiên cứu thì chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của các bà mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ người có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên mác còn rất thấp, dưới 3%. Có đến 90% người được hỏi cho biết quyết định mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo. Sự tiện lợi của thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều bà mẹ cho con ăn quá mức.
Họ không lường được nhiều mối nguy hại đang rình rập trẻ từ sự “bụ bẫm” này . Điều này cho thấy, hiện nay vẫn còn nhiều bậc cha mẹ vô tư cho con ăn theo sở thích với nhiều tinh bột và chất béo mà không biết trẻ đã mắc bệnh béo phì.
Để can thiệp hiệu quả việc phòng chống béo phì ở trẻ em, Ts Từ Ngữ khuyến cáo cần đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, cùng với đó tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.
Ngoài ra, cần phải điều chỉnh cấu trúc bữa ăn học đường cho học sinh; không khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên. Trẻ cần hoạt động trung bình 60 phút mỗi ngày. Bé dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ mỗi ngày hoặc dưới 14 giờ mỗi tuần.
Bên cạnh đó, trẻ cần ngủ đủ, giai đoạn 0-5 tuổi bé ngủ đủ 11 giờ mỗi ngày; 5-10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày; trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ một ngày.