Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Trần Vũ Quang - Bệnh viện Phụ sản Trung ương - về các nguy cơ sản phụ mắc bệnh béo phì phải đối mặt khi mang thai:
1. Khó thụ thai
Béo phì gây rối loạn nội tiết với các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, liên quan mật thiết đến hội chứng buồng trứng đa nang, tăng đề kháng insuline, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển trứng và rụng trứng bình thường.
Ngoài ra khi trứng đã rụng, tình trạng thừa cân cũng làm cho trứng khó thụ tinh và làm tổ bình thường nên khả năng vô sinh sẽ cao hơn.
|
Phụ nữ béo phì mang thai phải đối mặt với nhiều biến chứng. Ảnh: Pinterest. |
2. Tăng khả năng thai chết lưu
Béo phì làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, giảm khả năng sống của trứng và phôi thai. Cơ thể người béo phì quá nhiều mỡ khiến môi trường nuôi dưỡng trứng và môi trường noãn bào có hàm lượng các chất chuyển hoá và hormone nam tăng cao. Điều đó gây ra những chuyển hoá nhạy cảm của trứng và nguy hại cho quá trình thụ thai.
Ngoài ra hiện tượng viêm nhiễm có thể làm hại đến tế bào và trứng tác động xấu đến sự sống của bào thai.
3. Phôi thai kém chất lượng
Ở phụ nữ béo phì chất lượng phôi kém hơn bình thường, quá trình thụ tinh và làm tổ trong tử cũng mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chuyển hoá, dẫn đến nhiều triệu chứng của bệnh vô sinh.
Béo phì còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị vô sinh. Căn bệnh khiến cơ thể bạn có những biến đổi không tốt như biến đổi về nội tiết liên quan đến khả năng sinh sản. Cụ thể việc đáp ứng các kỹ thuật trị liệu chứng hiếm muộn trở nên kém linh hoạt. Nếu không có giải pháp khả thi, hiếm muộn có thể chuyển hoá thành vô sinh.
4. Dễ gây sảy thai, sinh non
Sự phát triển của chứng béo phì tỷ lệ thuận với khả năng sảy thai, sinh non.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về lĩnh vực sức khoẻ sinh sản, nguyên nhân là bản thân chất lượng phôi thai kém và thay đổi bất lợi của nội mạc tử cung.
|
Phụ nữ béo phì mang thai cần kiểm soát cân nặng. Ảnh: Pinterest. |
5. Tăng nguy cơ thai chết lưu
Biến chứng của béo phì như tăng huyết áp, tim mạch, đái đường… gây nên các bệnh lý nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Đó còn là nguyên nhân làm gia tăng các biến cố sản khoa như dị tật bẩm sinh ở thai nhi, tiền sản giật, mất tim thai trong bụng mẹ...
Vì vậy, chị em cần kiểm soát cân nặng nhất là trong giai đoạn mang thai để em bé được phát triển khoẻ mạnh, hạn chế nguy cơ béo phì cho cả mẹ và con.