Được biết, trong các loại nọc ong, nọc độc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.
Độc tố có trong nọc độc của ong gồm Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin…gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp…
Theo đó, khi vào cơ thể, các chất này sẽ gây ra phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay. Thậm chí nó còn gây ra sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng sau 15 phút.
Sốc phản vệ do ong đốt thường có triệu chứng đỏ mặt, ngứa, nổi mề đay, nghẹt mũi, ngứa mũi, ho, khò khè, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Sau đó các triệu chứng trở nặng với các biểu hiện phù mặt hay toàn thân, khó thở, thở nhanh, tím tái, ói máu, tiêu máu, tim nhanh, hạ huyết áp, loạn nhịp tim và ngưng tim.
Bị ong đốt, có sốc phản vệ không hay gây ra những biểu hiện khác còn tùy thuộc vào số lượng vết đốt và loại ong đốt.
Độc tố của ong còn gây những biến chứng nguy hiểm khác như tán huyết, tiêu cơ (có triệu chứng nước tiểu màu đỏ), suy thận cấp (tiểu ít hoặc không có nước tiểu), tổn thương gan (có triệu chứng vàng da), rối loạn tri giác, yếu liệt cơ…
Xử trí thế nào khi bị ong đốt
Khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn.
Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, sau khi bị ong chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra.
Có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau, giảm sưng.
Nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác. Phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Cần nhận dạng loại ong đã tấn công
Trường hợp bị ong đốt, khi đưa nạn nhân tới bệnh viện, bác sĩ thường hỏi bị ong gì đốt, vì vậy người nhà cần nhận dạng các loài ong, cách sơ cứu nếu bị ong đốt cũng như cách phòng ngừa.
Ong là loài động vật không xương sống, thuộc ngành chân đốt, bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật).
Vespidae (lông trơn) gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.
- Ong vò vẽ có thân và bụng thon, có khoang đen xen kẽ màu vàng. Đầu rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.
Ong vò vẽ có thân và bụng thon, có khoang đen xen kẽ màu vàng. Ảnh: Internet.
Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.
Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.
- Ong đất còn gọi là ong bắp cày, to hơn, thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đóng cây mục.
- Ong vàng: mình thon nhỏ, thân dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.
Apidae (lông xù) gồm ong mật, ong nghệ và ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.
- Ong mật: đầu lưng có lơng xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen.
- Ong nghệ: đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ.
- Ong bầu: to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn ầm ĩ.