Chiều 25/6, bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM cho biết, bước đầu, qua kiểm tra lại hồ sơ, sổ sách thì trong kho dược chưa phát hiện thuốc Antithymocyte Globulin-Equine quá hạn sử dụng như 2 vỏ loại thuốc mà gia đình bệnh nhân cung cấp.
|
Chai hóa chất hết hạn được truyền cho con anh Vũ. Ảnh: Lao động. |
Vì vậy, chưa biết được nguồn gốc 2 chai hóa chất quá hạn truyền cho bệnh nhi trên ở đâu ra, liệu có ai đó tuồn vào bệnh viện không. “Là người đứng đầu, tôi sẽ nhận trách nhiệm của mình nếu có. Tuy nhiên, đó là chuyện sau khi làm sáng tỏ vụ việc, còn lúc này, bệnh viện đang tập trung lo cho bệnh nhân cũng như tìm hiểu xác minh nguyên nhân từ đâu mà xảy ra sự việc đáng tiếc này” - bác sĩ Dũng nói.
Cũng theo bác sĩ Dũng, trước mắt, bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác 3 cá nhân liên quan gồm 1 dược sĩ và 2 điều dưỡng để làm rõ vụ việc.
Chia sẻ trên Ngày Nay, một bác sĩ chuyên Khoa Ung bướu Nhi (công tác tại TPHCM) cho biết, thuốc Antithymocyte Globulin-Equine Thymogam là loại ức chế tế bào chứ không có chứa phóng xạ. Bệnh nhân bị bệnh suy tủy chứ không phải ung thư. Về việc sử dụng thuốc quá hạn sử dụng có ảnh hưởng sức khỏe hay không, thì chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể.
“Việc cháu bé được thay thuốc mới nhưng vẫn cùng hoạt chất. Tôi nghĩ đó là giải pháp tình thế. Nhưng cũng nên thận trọng đánh giá và cũng khó đưa ra nhận định sau này kết quả thế nào, vì nếu kết quả điều trị không như mong đợi thì có thể do nhiều nguyên nhân chứ không đơn thuần do sự cố. Tôi mong cháu bé có kết quả điều trị tốt đẹp”, vị bác sĩ này nói.
Sử dụng thuốc hết hạn sử dụng nguy hại ra sao
Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà trước thời hạn đó, thuốc còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nếu được bảo quản đúng quy định. Hạn dùng chính là tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định một thuốc có còn chất lượng hay không. Tuy nhiên, nhiều gia đình trữ thuốc nhưng không chú ý đến hạn dùng của thuốc nên khi sử dụng thuốc quá hạn sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Và tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng thuốc quá hạn.
Khi hết hạn sử dụng, một số loại thuốc rất dễ nhận biết như: Với thuốc ở dạng lỏng sẽ có hiện tượng tách lớp, thuốc dạng rắn sẽ mềm nhũn, có thể dễ dàng bóp vụn. Tuy nhiên, với một số loại thuốc khác, khi hết hạn thành phần hóa học đã biến đổi nhưng lại không hề thay đổi hình dáng so với lúc ban đầu như thuốc bao phim, mắt thường không nhận biết được. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng thuốc hết hạn vẫn có thể sử dụng được mà không gây tác hại gì lớn.
Theo Dược sĩ Nguyễn Đình Diệm, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế Đắk Lắk: Trong quá trình bảo quản thuốc, do đặc điểm hóa học, vật lý vốn có của dược chất hoặc dạng bào chế, hàm lượng ban đầu có thể bị giảm sút ở một mức độ nào đó sẽ kéo theo hiệu quả điều trị của thuốc không còn nguyên vẹn như ban đầu. Do đó, khi sử dụng thuốc quá hạn có mức độ nguy hại khác nhau tùy từng loại thuốc.
Trước hết, người bệnh sẽ không khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn, làm mất thời gian vàng để điều trị khi bệnh đang còn nhẹ, thậm chí còn làm bệnh nhân tử vong nếu là các thuốc đặc trị. Nguy hiểm hơn là thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, chuyển sang dạng khác hay sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể. Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản thuốc, độc do hư hỏng dạng bào chế, do nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn... gây dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin - tetracyclin quá hạn dùng sẽ trở nên rất độc, gây hại cho thận.
Mời độc giả theo dõi video "Bắt quả tang đường dây sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng bẩn". Nguồn: VTV24.
Đối với các thuốc đã hết hạn thì tuyệt đối không nên sử dụng, đặc biệt là các thuốc điều trị tim mạch, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc trị đái tháo đường, hen suyễn, thuốc nhỏ mắt… Với những người mắc bệnh tăng huyết áp, việc dùng thuốc là rất quan trọng để kiểm soát huyết áp hằng ngày. Nếu uống thuốc hết hạn, nghĩa là thuốc không còn khả năng hoặc mất tác dụng điều trị, không kiểm soát được huyết áp sẽ gây ra các tai biến nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Người bị bệnh đái tháo đường cũng thế, nếu uống thuốc hết hạn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm do tăng đường huyết như mù lòa, tàn phế… Ngoài ra, đối với các bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh hết hạn sẽ làm cho bệnh nặng hơn hoặc gây ra tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng làm cho việc điều trị ngày một khó khăn.