Nhiều người nhập viện, tử vong vì ngộ độc cá nóc
Gần đây nhất, một người tử vong và 2 người phải nhập viện khẩn sau khi ăn cá nóc.
Theo VOV, vào khoảng 17h ngày 19/8, ông B.Đ.L. (41 tuổi), ông T.P.B. (46 tuổi) và ông Ng.X.H (TP. Hà Tiên, Kiên Giang) tổ chức nhậu trên tàu đánh cá đang neo đậu ngoài khơi thuộc vùng biển Nam Du, trong đó có món cá nóc.
Đến khoảng 1h sáng ngày 20/8, ông Ng. X. H bị co giật và sau đó tử vong. Ông L và ông B cũng có biểu hiệu khó thở, co giật được bạn cùng trên tàu đánh cá đưa vào trạm y tế xã An Sơn, huyện Kiên Hải, rồi chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải sơ cấp cứu. Sau đó, cả hai tiếp tục được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang lúc 8h20 phút, ngày 20/8.
May mắn, sau một ngày tích cực điều trị, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt.
|
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Vietnamnet. |
Trước đó, vào tháng 12/2022, một nữ bệnh nhân ngộ độc suýt chết sau khi ăn gan cá nóc. Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân C.T.T (53 tuổi, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long) chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp.
Được biết, một giờ trước khi vào viện, bệnh nhân ăn hai miếng gan cá nóc và xuất hiện tình trạng tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Ngay khi xác nhận tình trạng bệnh nhân nguy kịch, suy hô hấp cấp do ngộ độc cá nóc, các bác sĩ đã nhanh chóng đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày khẩn cấp, sử dụng than hoạt, hồi sức tích cực theo phác đồ để thải độc tố nhanh chóng.
Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân T. tỉnh táo qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản.
Tháng 12/2021, một vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm khiến một người tử vong, 3 người phải đi cấp cứu khẩn cấp xảy ra tại xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).
Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, vào khoảng 18h ngày 11/12, anh L.V.S. (33 tuổi, làm nghề câu cá, ngụ thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná) được bạn thuyền cho 4 con cá nóc. Anh S. đem về chế biến món ăn rồi mời chị N. và 2 con của chị N. ăn cùng.
Đến 20h cùng ngày, chị N. và 2 con nhỏ có biểu hiện bị tê môi, tê lưỡi thì được người nhà phát hiện, cho uống nước đậu xanh sống để giải độc rồi chở đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu. Nhờ cấp cứu kịp thời nên đến sáng 13/12, chị N. và 2 con nhỏ qua cơn nguy kịch.
Riêng anh S. đến 23h mới được người nhà phát hiện có biểu hiện lạ và chở đi bệnh viện cấp cứu. Do không được phát hiện kịp thời, độc tố phát tán mạnh nên anh S. tử vong.
Độc tố trong cá nóc nguy hiểm thế nào?
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, chất độc trong cá nóc được gọi là Tetrodotoxin (TTX) C11H17N3O8. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với Cyanua.
Bình thường chấy này tồn tại trong sinh vật ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc, nhưng khi cá hoặc các sinh vật mang nó bị ươn hoặc bị va đập,... tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc.
|
Ảnh minh họa: VOV. |
Tetrodotoxin không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay acid mạnh).
Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố TTX mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi được đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc, con so hay một số loại ốc biển có chứa Tetrodotoxin bằng cách nấu và chế biến thông thường.
TTX được tìm thấy chủ yếu trong gan, cơ quan sinh dục (buồng trứng, túi tinh) của một số loài cá, như cá nóc, cá cầu, cá cóc (thuộc bộ Tetraodontiformes), loài lưỡng cư (ếch, cóc...), bạch tuộc vòng xanh, kỳ nhông và động vật có vỏ. Tuy nhiên, cũng có những loài cá nóc độc có chứa một hàm lượng độc tố trên da và thịt đủ gây chết người nếu ăn phải.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố cá nóc gây độc mạnh. Với 4 mg thịt cá có độc tố có thể giết chết một con thỏ 1kg; con người chỉ cần ăn 10 gram thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc.
Sau khi ăn phải loại thực phẩm có chứa độc tố Tetrodotoxin khoảng từ 10 đến 45 phút, người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, mặt, tay chân, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tăng tiết nước bọt…Trường hợp ngộ độc nặng hơn có các dấu hiệu như liệt các cơ vận động, trụy tim mạch, cơ hô hấp, giãn đồng tử, ngừng thở, suy hô hấp, hôn mê, có thể tử vong.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm