Tủ lạnh là thiết bị gia dụng phổ biến, giúp ích cho việc bảo quản thực phẩm. Vậy nhưng, lưu trữ thực phẩm không đúng cách khiến tủ lạnh không phát huy được tác dụng bảo vệ, thậm chí tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Nhiều người có thói quen để thức ăn nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh nhằm tiết kiệm. Vậy nhưng cách bảo quản này vô tình khiến thực phẩm trở thành “ổ” vi khuẩn.
Theo các chuyên gia y tế của trường Đại học Birmingham (Anh), thực phẩm nấu chín đạt mức nhiệt 100°C tiêu diệt phần lớn vi khuẩn, hầu như an toàn cho sức khỏe người dùng. Vậy nhưng, ở mức nhiệt từ 7-60°C, vi khuẩn bắt đầu phát triển và thâm nhập vào thực phẩm. Nhiệt độ lý tưởng nhất để vi khuẩn phát triển là 30-40°C. Chúng chỉ ngủ đông khi nhiệt độ hạ thấp dưới 7°C.
Như vậy, thực phẩm nguội mới cho vào tủ lạnh sẽ khiến vi khuẩn phát triển dày đặc. Nhiệt độ thấp của tủ lạnh chỉ khiến chúng tạm thời ngủ đông, khi có điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục sinh sôi.
|
Để món ăn không trở thành "ổ" vi khuẩn, bạn nên cho chúng vào tủ lạnh khi nhiệt độ của thực phẩm dao động từ 70-80°C. Ảnh minh họa. |
Để an toàn, bạn nên cho thực phẩm vào tủ lạnh khi nhiệt độ dao động từ 70-80°C. Bằng cách này, thực phẩm vừa giữ được nhiều dinh dưỡng vừa an toàn cho sức khỏe.
Nhiều người lo ngại bảo quản thực phẩm nhiệt độ cao ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị, gây tốn điện. Thực tế, tủ lạnh không dễ hỏng như chúng ta nghĩ.
Hiện tủ lạnh sử dụng hầu hết là tủ lạnh thông minh. Khi cho thực phẩm nóng vào, cảm biến của tủ sẽ cảm nhận được nhiệt độ bên trong tăng lên, ngay lập tức sẽ hạ nhiệt độ xuống. Việc hạ nhiệt thực phẩm nóng không gây “gánh nặng” cho tủ, không ảnh hưởng đến độ bền của chúng. Hậu quả duy nhất là tủ lạnh sẽ tiêu thụ lượng điện nhiều hơn một chút.
Ngoài việc tránh đợi đồ ăn nguội, để bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh, chúng ta cần chú ý những vấn đề sau.
Thứ nhất, nên để riêng thực phẩm sống và chín. Tủ lạnh thường có nhiều ngăn, bạn nên đặt thực phẩm sống chín tách biệt. Đồng thời, nên dùng màng bọc thực phẩm, túi giữ tươi gói lại để ngăn ngừa lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các thực phẩm. Cách này cũng góp phần tránh tình trạng ám mùi thực phẩm.
Thứ hai, chú ý thời gian bảo quản. Khi nấu ăn, chúng ta nên kiểm soát lượng thức ăn đủ dùng, tránh dư thừa. Nếu không ăn hết, tốt nhất không nên giữ lại một số loại rau củ. Rau hâm đi hâm lại không chỉ hao hụt dinh dưỡng mà còn dễ sinh nitrit. Với một số món thịt, nếu không ăn hết thì chỉ nên bảo quản chúng trong tủ lạnh tối đa 3 ngày.
Thứ ba, hâm kĩ thực phẩm sau khi bảo quản trong tủ lạnh. Thay vì hâm ấm, bạn nên đun chúng đến mức nhiệt 100°C, đun sôi hơn 3 phút để tiêu diệt vi khuẩn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bí quyết bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sao cho an toàn