|
Ảnh minh hoạ. Ảnh: BV. |
Khi thấy trên người xuất hiện nhiều vết ban đỏ, có vảy ở bàn tay, cháu N.B.K (13 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và phát hiện mắc bệnh giang mai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Ban đầu, khi khai thác tiền sử cháu K. khẳng định chưa từng quan hệ tình dục. Nhưng khi được cách ly với gia đình, bệnh nhi mới thừa nhận từng có quan hệ tình dục đồng giới và khoảng một năm nay đã bị lạm dụng tình dục nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới bệnh nhân bị lây nhiễm bệnh.
“Hiện nay trong môi trường mạng xã hội khó kiểm soát, tâm lý tò mò khiến nhiều trẻ có nguy cơ quan hệ tình dục sớm. Do chưa hiểu biết, không ít em mắc bệnh xã hội, trong đó có giang mai. Bệnh này có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, dễ gây biến chứng sang xương, tim, não… gây nguy hiểm”, BS Thùy cảnh báo.
Bên cạnh đó, với những người có nguy cơ mắc bệnh giang mai, khi phát hiện thấy những bất thường trên cơ thể như: Loét, phồng, rộp, phát ban… cần nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ tình dục không được bảo vệ tại đường âm đạo, hậu môn, miệng, xâm nhập qua các vết xước trên da, niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết có mầm bệnh và lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi.