Đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, để cháu bé N.G.L (3 tháng tuổi) bị nhiễm Covid-19 (nCoV) được điều trị trong điều kiện tốt nhất, tối 11/2, cháu bé đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sáng 13/2, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi được chuyển lên Bệnh viện, cháu bé được nằm trong phòng cách ly cẩn thận. Đây là 1 trong 5 phòng cách ly tiêu chuẩn của cả nước, đảm bảo không lây nhiễm được ra môi trường, không lây nhiễm cho cán bộ y tế, đảm bảo tốt nhất về phòng hộ.
|
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VOV. |
Vị Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thông tin, hiện tình trạng sức khỏe của cháu bé ổn định, không sốt, không ho, cháu ăn uống tốt. Hiện cháu bé đang trong giai đoạn chờ hồi phục.
PGS Trần Minh Điển cũng cho hay, khi tiếp nhận cháu bé vào điều trị, Bệnh viện cũng phân công chặt chẽ, nhằm đảm bảo không lây nhiễm ra nhiều người chăm sóc. Bệnh viện cũng cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng để họ thay phiên nhau chăm sóc 2 mẹ con cháu bé. Các bác sĩ và điều dưỡng cũng được bệnh viện cho cách ly tại khu vực lưu của bệnh viện.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng lưu ý, tỷ lệ trẻ em nhiễm virus corona ở Trung Quốc và toàn thế giới rất ít, tỷ lệ thấp. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng.
“Trong 1 báo cáo ngày 30/1 của Trung Quốc và Tạp chí Nhi khoa quốc tế, trong số 9.000 người xác định nhiễm Covid-19 (nCoV), chỉ có 28 trẻ em xác định (chiếm 0,3%) và hầu hết tình trạng bệnh của trẻ nhiễm đều nhẹ, hoặc không triệu chứng”- BS Trần Minh Điển cho biết.
Nói về trường hợp của bệnh nhi nhiễm Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết việc trẻ con bị corona đã khiến nhiều người lo lắng và than phiền với bác sĩ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, việc em bé 3 tháng tuổi nhiễm virus Corona là hoàn toàn bình thường vì trẻ con ít bị nhưng không phải là không bị. Covid -19 lây qua các giọt bắn từ người mang trùng bệnh và có thể lây với bất cứ lứa tuổi nào kể cả trẻ em và người già.
"Covid - 19 có cấu trúc tương tự loại virus gây dịch SARS (2002) và MerCoV (2015). Trong các tài liệu về dịch SARS và MerCoV, tỷ lệ trẻ nhỏ mắc rất ít và tỷ lệ mắc với triệu chứng mắc thường nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong chỉ báo cáo lẻ tẻ vài ca có bệnh nền đi kèm", BS Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho rằng không nên quá hoang mang, bi quan với tình hình dịch hiện nay. Về mặt lâm sàng, bác sĩ Khanh cho rằng hoàn toàn không đáng lo ngại. Số ca mắc bệnh là bên dự phòng, bên lâm sàng hiện nay Việt Nam chưa có ca nào tử vong, đa số đều là bệnh nhẹ. Ca mắc corona nặng nhất là bệnh nhân Li Ding ở Trung Quốc, dù tình trạng bệnh nhân này lúc nhập viện mang nhiều bệnh nền đi kèm nhưng cuối cùng cũng đã khỏe mạnh và được xuất viện.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm về việc phân tuyến điều trị Covid-19.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Bộ Y tế ngay từ đầu, được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã phân tuyến điều trị ở các cấp.
Đặc biệt, chúng tôi tập trung theo phương châm 4 tại chỗ đó là: Phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó mới đến các tuyến trên, khi người bệnh có triệu chứng cần phải đáp ứng được nhu cầu điều trị”.
Từ đó, Thứ trưởng bộ Y tế cũng đề nghị: “Người dân khi có những biểu hiện nghi ngờ hãy đến các tuyến y tế cơ sở để khám, bộ Y tế cũng đã có đội phản ứng nhanh để hỗ trợ cho các đơn vị địa phương khi có khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán cho người dân”.
"Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến cơ sở. Do vậy, việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch COVID-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.