Mới đây (ngày 3/7), thông tin bà P.T.M.L (SN 1958, ngụ Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) tử vong sau khi đến tiệm chăm sóc sắc đẹp P.N để xăm lông mày và xăm môi khiến nhiều người giật mình.
Một trong những nguyên nhân cơ quan điều tra đang làm rõ là bà P.T.M.L có bị sốc phản vệ với thuốc kháng sinh không. Đây là loại thuốc thông thường được sử dụng cho người phẫu thuật thẩm mỹ. Thuốc có công dụng giảm đau, kháng viêm, chống phù nề, sưng tấy.
Có thể thấy, mặc dù phun, xăm là hình thức thẩm mỹ đơn giản được rất nhiều chị em lựa chọn trong thời gian gần đây nhưng phương pháp thẩm mỹ này vẫn đang tồn tại những nguy cơ mà nhiều chị em đi làm đẹp thường bỏ qua.
Trao đổi với PV Kiến Thức về những nguy cơ trên, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Laser và Chăm sóc da (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, phun xăm thẩm mỹ là một thủ thuật xâm lấn để đưa một chất mực vào da. Những rủi ro khi thực hiện phun xăm thẩm mỹ dưới 2 góc độ thẩm mỹ và y tế, bao gồm: Xăm xấu, nhiễm trùng da, tạo sẹo và phản ứng dị ứng.
Theo đó, sốc phản vệ là tình trạng nặng nề nhất của tình trạng phản vệ, là một trong những phản ứng dị ứng sau khi phun xăm thẩm mỹ. Nếu sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời, hoàn toàn có thể gây ra tử vong.
|
Phun xăm thẩm mỹ là thủ thật xâm lấn đưa chất mực trực tiếp vào da. Ảnh minh họa |
Sốc phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng khi đưa một chất dị nguyên vào cơ thể thông qua các đường tiếp xúc.
Có nhiều đường tiếp xúc như: Qua da, niêm mạc (bôi thuốc); qua tiêu hóa (ăn uống); qua hô hấp (hít thở) và qua tiêm truyền. Con đường tiêm truyền là con đường dễ gây ra tình trạng sốc phản vệ, và khi xảy ra sốc phản vệ ở đường tiêm truyền thì nặng nề hơn tất cả các đường tiếp xúc khác.
Các chất có thể gây dị ứng trong khi xăm bao gồm:
Thuốc gây tê: Xăm là thủ thuật xâm lấn vào da nên gây đau, các cơ sở làm đẹp thường sử dụng thuốc gây tê để tránh đau cho bệnh nhân. Có thể là thuốc gây tê bề mặt (bôi thuốc) hoặc có thể tiêm thuốc.
Các loại thuốc hỗ trợ khác: Các loại thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc chồng viêm, giảm sưng, đau, phù nề.
Mực xăm: Bản thân mực xăm và những chất trong mực xăm cũng có thể gây dị ứng phản ứng với cơ thể.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, trong nhiều trường hợp, để phòng ngừa tình trạng đau, viêm sau khi thực hiện phun xăm, các cơ sở thẩm mỹ thường cho bệnh nhân uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm sưng. Các loại thuốc này rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh không thể tùy tiện, có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Thuốc kháng sinh chỉ có thể được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sỹ.
Do đó, theo bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn trước khi thực hiện làm đẹp, đặc biệt trong những trường hợp thủ thuật xâm lấn vào cơ thể, chị em cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện dịch vụ trong điều kiện vô trùng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.