Người bệnh tự tước đi cơ hội chữa bệnh
Bác sĩ đỗ huyền nga - phó khoa nội 1, bệnh viện k – bức xúc: Chỉ vì giấu bệnh, hoặc nghe lời mách bảo mà nhiều người đã tự lấy lá trong vườn, cây thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc cao dán để đắp vào các u, cục nổi lên ở vùng vú với hy vọng sau vài tuần những khối u đó sẽ xẹp. Thế nhưng, xẹp đâu không thấy, hậu quả ngày càng nặng nề hơn và không ít người đã rất hối hận chỉ vì “đánh cược” mạng sống của mình theo kiểu chữa bệnh thông qua mách bảo... bởi phần lớn các ca bệnh ung thư vú tự đắp lá, tự chữa bằng thuốc nam không nguồn gốc, khi đến viện đều ở giai đoạn muộn...
|
Một bệnh nhân ung thư vú đang được bác sĩ thăm khám. |
Một năm trước, bà T.K.C (51 tuổi ở huyện Bắc Giang, Hà Giang) tự sờ thấy u ở vú. Thay vì tới các cơ sở y tế điều trị, bà C nghe lời mách bảo đã đi mua thuốc lá của thầy lang về đắp. Gần một năm đắp lá vào khối u, chẳng những khối u vú không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, căng phồng như quả bưởi và đã vỡ gây loét ngoài ra, sùi như súp lơ đỏ. Ôm bộ ngực đau nhức với với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú, bà C đến “cầu cứu” các bác sĩ Bệnh viện K.
“Bệnh nhân T.K.C đã bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật. Hiện bệnh nhân đang điều trị hoá chất, tuy nhiên đó chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa” - BS Đỗ Huyền Nga cho hay.
BS Đỗ Huyền Nga kể tiếp, trường hợp của bệnh nhân N.T.T (52 tuổi ở tỉnh Phú Thọ) đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà T đã nghe lời của bạn bè, nhờ người làng mua thuốc lá của thầy lang trên vùng núi với lời quảng cáo “chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não”. Mặc dù cảm thấy nóng rát, đau tức ngực khi đắp lá nhưng bà T vẫn tin đó là thuốc đang có tác dụng. Cho đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới ép bà đi khám.
Khi bệnh nhân T vào Bệnh viện K bệnh tình đã khá nặng với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Bệnh nhân được xác định nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá. Phần hoại tử đã lan rộng sang nách, do đó, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách. Điều đáng tiếc khối u vú của bệnh nhân T đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn 4.
|
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện K. |
Nữ sinh tuổi đôi mươi cũng là đối tượng của ung thư vú
TS.BS Lê Thanh Đức - Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K - cho biết, Việt Nam cũng như các nước châu Á nói chung có tỉ lệ mắc ung thư vú ở độ tuổi trẻ hơn hẳn khu vực Châu Âu hay Bắc Mỹ, tỉ lệ bệnh nhân 32-36 tuổi rất nhiều. Thậm chí, Bệnh viện K từng tiếp nhận, điều trị cho những ca bệnh tuổi đời còn rất trẻ, không ai ngờ mắc ung thư vú.
Như trường hợp bệnh nhân N.M.L (18 tuổi, ở Hà Nội). T vừa tốt nghiệp xong cấp 3 đột nhiên phát hiện một bên vú nổi u cục bất thường. Khi được mẹ dẫn đến khám tại Bệnh viện K, cô gái trẻ sững sờ khi nghe bác sĩ thông báo mắc ung thư vú giai đoạn 2. Cả tương lai tưởng chừng như sụp đổ trước mắt. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, thêm người nhà động viên, cô gái trẻ sau đó đã đồng ý phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, tuân thủ phác đồ điều trị đều đặn suốt 2 năm qua và giờ vẫn đến Bệnh viện K tái khám thường xuyên.
TS.BS Đức kể, có bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư vú nhưng phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Như trường hợp bệnh nhân T.A.P (22 tuổi Nam Định) phát hiện ung thứ vú năm 22 tuổi là một điển hình. Tháng 8.2017, sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận P, bị ung thư vú phải, nhưng đã di căn đến gan, hiện bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 của ung thư vú.
Tầm soát ung thư vú để kịp thời phát hiện bệnh
Trường hợp như bệnh nhân T và C không quá hiếm. Bệnh viện K đã từng tiếp nhận nhiều ca đến thăm khám u vú trong tình trạng đã bị tổn thương nặng vùng vú, ngực loét, khối u to như trái bưởi, có người vừa đỏ, căng, có người vỡ loét chảy mủ, nách to, sưng đỏ. Hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường di căn phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả.
“Điều đáng nói, không chỉ bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa cả tin vào phương pháp chữa ung thư vú bằng đắp lá, dán cao... mà ngay cả phụ nữ ở vùng thành thị, thậm chí ngay tại thủ đô cũng có bệnh nhân nữ chữa bệnh theo cách này. Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, nhưng làm mất thời gian điều trị. Sau 5 – 6 tháng, khối u phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”, TS.BS Lê Thanh Đức cảnh báo.
Theo TS.BS Đức, đối với những trường hợp này, chúng tôi vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót. “Từ thực tiễn cho thấy người bệnh nên tin tưởng và làm theo cách chữa bệnh khoa học, tránh tâm lý buông xuôi muốn đến đâu thì đến, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học để chữa bệnh theo mách bảo, theo mạng xã hội để rồi tiền mất tật mang. Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn” - TS. Đức nói.
Thực trạng đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4. Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.
Ung thư vú có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, không loại trừ phụ nữ trẻ tuổi. Chính vì vậy, ngay cả những phụ nữ trong độ tuổi 20 cũng không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng ngừa.
“Đối với người trẻ tỷ lệ bệnh ung thư vú phát triển mạnh, nhanh hơn người già, có những đặc điểm riêng chưa lý giải được tại sao, mà là quan sát được. Tế bào tốc độ phát triển mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, thụ thể nội tiết hay âm tính và thời gian giữ được ổn định bệnh cũng ngắn hơn” - TS.BS Lê Thanh Đức nói.
Tại Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện sớm ung thư vú ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn.
Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
Theo thông tin của Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các Trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỷ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
Lời khuyên của các chuyên gia Bệnh viện K dành cho phụ nữ trẻ:
- Kiểm tra vú tại nhà thường xuyên
- Có đến khoảng 80 – 90% bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0 - 1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện. Tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà là việc làm quan trọng cho tất cả nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành.
- Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn. Để thực hiện, nữ giới nên đứng trước gương, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm.
- Khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho cơ hội chữa bệnh thêm ít đi.
- Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ.
- Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.