Anh sống nhờ tình yêu lớn của em

Google News

Jean Verkoyen là một doanh nhân người Bỉ. Nhưng anh chỉ bắt đầu cảm thấy mình đang già đi và cuộc sống dần thiếu những hứng khởi, những ý tưởng và đam mê.

Anh quyết định chọn một chuyến du lịch sang Việt Nam chỉ để bớt chán ngán. Nào ngờ đó là chuyến đi định mệnh. Tại đây, anh gặp một cô gái Việt, và cuộc đời anh lật sang một trang mới.
Được sống thêm một cuộc đời mới
Jean đã gặp Minh Thu, cô gái trẻ làm trong ngành dịch vụ du lịch. Mối tình sét đánh đã khiến Jean sống lại, trở thành một người khác. Một người đàn ông bất chấp tuổi tác, sẵn sàng bỏ cả cơ nghiệp, gia đình cũ mà mình gây dựng hơn ba chục năm để đến với cô gái Việt nhỏ bé.
Tình yêu giúp Jean quên cả khoảng cách tuổi tác và những cách trở. Anh khỏe khoắn và năng động, nhiệt tình hơn một trai tráng. Sau khi cưới Minh Thu, Jean đưa cô về Bỉ và hai vợ chồng được tiếp lửa từ tình yêu mãnh liệt, đã chuyển hóa thành sức mạnh để xây dựng lại doanh nghiệp thực phẩm từ con số 0.
Trong hơn 10 năm từ khi quen và sống với nhau có rất nhiều kỷ niệm ngọt ngào để Jean và Thu cùng nhớ, cùng hãnh diện kể lại sau này. Nhưng nhớ nhất là chuyến đi nghỉ khi Thu mang bầu bé Fiana - đứa con đầu tiên của họ. Đó là chuyến đi nghỉ ở Kreta (Hy Lạp). Là một cô gái trẻ, dù mang bầu nhưng Thu rất khỏe, hàng ngày hai vợ chồng thuê xe zip đi khắp đảo, rồi theo tàu du lịch đi tới danh thắng Santorini nổi tiếng. Đó có lẽ là lần mang bầu được chiều chuộng nhất của Thu, bởi đó là đứa con đầu và cặp đôi còn có nhiều thời gian cho nhau. Họ cùng thưởng thức nhiều món ăn Hy Lạp, đặc biệt là nếm món phoma dê nổi tiếng. Giờ đây, thỉnh thoảng Thu hoặc Jean vẫn nhắc đến chuyến đi đó để hâm nóng cuộc sống của hai vợ chồng.
Cả gia đình của Jean và Minh Thu. 
Hành trình vượt qua thử thách bệnh tật và thương trường
Nhưng cuộc sống bắt đầu thử thách họ thêm nữa khi vào năm 2008, sau khi Thu sinh con đầu lòng Fiana được gần 1 năm và lại đang mang bầu bé thứ hai Savita, thì Jean phát hiện mình mắc bệnh tim, phải đặt 1 stent lần đầu.
Kể từ lúc đó, Thu bắt đầu tìm hiểu bệnh của chồng bằng 3 ngôn ngữ. Vì khi đến bệnh viện bác sĩ có thể giải thích được bằng 2 thứ tiếng Anh, Hà Lan, nhưng muốn hiểu rõ hơn cô phải tra Google tìm hiểu bằng tiếng Việt, để hiểu nguyên nhân và cách phòng chống cũng như triệu chứng bệnh của chồng.
Sau 3 tháng lắp 1 stent lần thứ nhất vào tháng 9/2008 thì đến tháng 12/2008 Jean lại nhập viện cấp cứu. Lần nhập viện này rất gay cấn và Jean đã phải lắp một lúc 2 stent. Cũng may là anh được cấp cứu kịp thời, do vợ anh đã hiểu rõ tình trạng bệnh của chồng cùng những biểu hiện của triệu chứng. Đây là giai đoạn rất bận rộn đối với gia đình anh vì chỉ còn 1 tuần nữa là Noel và sau đó là năm mới, trong lúc vợ chồng Jean mới khai trương cửa hàng thực phẩm bán đồ ăn chế biến sẵn.
Rất nhiều đơn hàng đã nhận và tất nhiên là không thể gọi điện từ chối vì họ là khách hàng lâu năm. Họ đã ăn quen đồ ăn do doanh nghiệp của Jean chế biến. Hơn nữa, Thu mới có con nhỏ, lại mang bầu đứa thứ hai, nhà chồng không ai hỏi thăm vì họ sẵn định kiến với cuộc hôn nhân thứ hai của Jean. Chỉ còn vài người bạn thân nhất của Jean thỉnh thoảng hỏi thăm và giúp sức.
Năm 2008 đối với Thu thật kinh hoàng. Cô vừa chăm lo chồng ở bệnh viện, vừa hô quyết tâm cùng mấy nhân viên trung thành để chu tất việc chế biến thực phẩm cung ứng đủ hàng. Đảm bảo duy trì mở cửa hàng khi không có chồng ở đó. Thu lại tới Bỉ sinh sống chưa được bao lâu, ngôn ngữ chưa tốt và chưa kịp học nghề của chồng. Lúc đó trong đầu cô chỉ tập trung nghĩ, rằng mình phải thay chồng mở cửa hàng và lo sắp xếp cung ứng đủ các đơn đặt hàng.
Cũng nhờ trời, sau lần biến cố ấy, Jean được chuyển về bệnh viện gần nhà khá sớm. Hàng ngày, sau 6h tối đóng cửa hàng Thu lại đẩy xe nôi đưa con vào bệnh viện thăm Jean. Lúc đó cô mới đang tập lái xe hơi. Dù là bệnh viện gần nhà nhưng đi bộ cũng 3-4km. Có lúc bụng mang bầu lớn, vừa đẩy con vào viện thăm chồng, Thu vừa đi vừa khóc vì tủi thân.
Jean sau khi lắp 3 stent thì ý thức rõ và chú ý đến bệnh tật của mình hơn, biết mọi triệu chứng để phòng bệnh chuyển nặng. Anh cũng hạn chế ăn uống chất béo do mức cholesterol rất cao. Tuy nhiên, do anh làm nghề chế biến thực phẩm nên khó kiềm chế việc ăn uống. Cứ được một thời gian, sức khỏe ổn định anh lại quên béng là mình có bệnh nên lại thiếu kiểm soát chế độ ăn.
Jean là người dù có bệnh nhưng rất lạc quan. Bệnh của anh do cholesterol cao, lượng mỡ trong máu dư thừa làm máu di chuyển lên tim và não rất kém. Chính vì thế, lắp stent để làm đường dẫn máu thông thoáng cho máu đi lại dễ dàng, tránh tim phải hoạt động quá nhiều.
Nhưng lần nhập viện cuối năm 2017 của Jean, bác sĩ thông báo không thể lắp thêm stent nữa, bởi lắp thêm cũng không có tác dụng mà phải phẫu thuật lớn (mổ phanh) thay hoàn toàn đường dẫn máu lên tim. Nên về cơ bản sau khi phẫu thuật thì tim của Jean sẽ khỏe hơn nhiều. Bác sĩ còn đùa, như lắp tim mới của người 25 tuổi cho Jean.
Việc trong vòng 10 năm, sinh con 5 lần, một lần bị mất một bé gái năm 2011 khi bé được 37 tuần, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hai vợ chồng Jean. Tuy nhiên, có những cái thay đổi theo chiều hướng tốt, có cái theo chiều xấu.
Trong 2 lần đầu mang bầu và sinh con, Jean còn dành nhiều thời gian dạy Thu cách người Bỉ chăm con sao để dễ và độc lập nhất. Jean cũng giúp vợ cùng chăm con hàng ngày. Vào những lần sinh con tiếp theo, có thể do công việc kinh doanh ngày càng bận hoặc có thể Jean nghĩ Thu đã biết làm hết một mình rồi nên Jean ít chăm con hơn, nhưng anh rất yêu con và chiều chuộng chúng. Do sinh liền 4 con nhỏ nên dù chăm con ít hay nhiều thì Jean cũng có vai trò không nhỏ trong việc nuôi dạy các con. Cũng nhờ vậy mà Jean lúc nào cũng thấy mình trẻ. Thực sự anh trông trẻ hơn so với bạn bè đồng tuổi. Bạn bè anh nói, từ hồi cưới Thu, Jean trẻ ra nhiều. Trong 10 năm sống cùng Thu, chỉ thấy Jean càng ngày càng trẻ hơn thôi.
Vợ chồng Jean dù bận nhưng rất ham đi chơi nên mỗi năm di chuyển nhiều và thăm hỏi bạn bè qua lại tương đối đều đặn. Đó là lý do giúp vợ chồng Jean vẫn hòa hợp dù không có nhiều thời gian cho nhau. Việc cả đại gia đình đi với nhau làm cầu nối cho vợ chồng và các con xích lại gần nhau hơn, hiểu được sở thích và ý nguyện của nhau hơn.
Jean vẫn luôn nhắc là quyết định năm xưa ly dị vợ cũ để lấy Thu là quyết định đúng đắn nhất, quan trọng nhất của đời anh. Thu khiến anh trẻ lại, sống một cuộc đời khác thật xứng đáng. Nhờ có cuộc hôn nhân này với Thu mà Jean được tận hưởng cuộc sống ở cung bậc cao nhất, đi du lịch tới những nơi tuyệt vời nhất, đi ăn ngon tại nhà hàng sang trọng, được mặc đẹp và được chiều chuộng. Trước đây anh có ý thích mặc những màu sắc mạnh, nhưng vợ cũ không thích nên anh không dám thể hiện hết mình trong gu ăn mặc. Sở dĩ vợ chồng Jean thường xuyên đi du lịch và mạnh tay chi cho việc đi lại và hưởng thụ vì nghĩ mình xứng đáng. Cả hai vợ chồng làm việc vất vả quanh năm, chỉ được nghỉ khi đi du lịch, cớ sao không tiêu tiền khi điều kiện cho phép. Thu biết một số bạn bè có điều kiện hơn vợ chồng cô nhưng họ không dám ăn sang, không xài đồ hiệu và đi du lịch rất tiết kiệm.
Jean và Thu quan điểm giống nhau: nghĩ rằng cuộc sống ngắn ngủi, chẳng thể biết mình sẽ chết lúc nào. Do đó, tiền kiếm ra được một phần rất nhỏ dành tiết kiệm cho các con, còn lại để mình chi tiêu, mà phải tiêu tiền khi mình còn khỏe mạnh, còn đi lại được nhanh nhẹn, chứ nhỡ mai sau già rồi, bệnh tật nặng thì có tiền muốn đi cũng chả được, sẽ phải hối tiếc.
Niềm tin mãnh liệt
Trong giai đoạn vừa rồi, khi Jean bị bệnh, Thu không có linh cảm xấu hoặc gần như không dám nghĩ đến những điều xấu xảy ra. Do tìm hiểu kỹ bệnh của chồng nên cô biết sau ca phẫu thuật thì chồng cô sẽ được khỏe lại.
Trước Lễ Noel vừa qua được 2 ngày thì Jean nhập viện cấp cứu tại bệnh viện tim gần nhà. Khi Thu vừa ở siêu thị về nhà, mở cửa thì phát hiện chồng cô đang gục đầu ngồi ngay cầu thang trước cửa. Cô biết là anh bị nặng lắm rồi vì ngoài triệu chứng đau vai, đau ngực, nhức hai bả vai và chạy xuống tay thì lần đầu tiên bệnh chạy lên phía hàm. Anh nói bị đau từ cổ chạy lên hàm, răng và khoang miệng đau ê ẩm không kiểm soát được nữa, cổ đau như có người bóp cổ và gần như không thở được.
Trong giây phút đó Thu quyết định không gọi cấp cứu mà tự lái xe đưa chồng đi cấp cứu vì như vậy sẽ nhanh hơn. Sau 20 phút cô đã đến bệnh viện, giải thích với bộ phận cấp cứu về tình trạng của chồng nên họ tiêm ngay một mũi tiêm trên đường đưa Jean vào phòng cấp cứu. Sau đó họ bắt đầu lắp máy móc thiết bị kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Nhờ có mũi tiêm đó đã cứu Jean tránh được hậu quả ảnh hưởng nặng đến tim.
Jean nằm 1 tuần trong tình trạng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện gần nhà. Thu lúc nào cũng ở bên anh vào giờ thăm bệnh nhân, khuyên anh yên tâm nghỉ ngơi không lo lắng về công việc. Thời gian còn lại, cô một mình vật lộn với 4 đứa con đúng tuần chúng nghỉ ở nhà và một núi công việc.
Thời điểm này, hai vợ chồng Jean lại đang chịu đựng sự khủng hoảng trong kinh doanh. Họ phải cho toàn bộ 20 nhân viên nghỉ việc, đóng cửa hàng đang rất đông khách, chỉ hai vợ chồng làm cùng nhau, để tiết kiệm chi phí và cũng để ổn định lại công việc. Hàng ngày Jean và Thu cung cấp đồ ăn cho hơn 3.000 nhân viên của một công ty IT của Bỉ. Khi chồng nằm viện, một mình Thu phải lo lắng từ chăm sóc tinh thần cho chồng, chăm con ăn học, đồng thời lo làm hàng. Cô vẫn nghĩ rằng dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không thể để 3.000 người kia một ngày không có thức ăn.
Nay Jean đã được về nhà dưỡng bệnh sau ca phẫu thuật hơn 1 tháng sau mổ. Anh vẫn hàng ngày nói cảm ơn vợ, không có vợ anh đã không qua khỏi, cảm ơn các con vì các con là động lực để anh ấy phấn đấu khi thấy mình yếu mềm nhất.
Hàng tuần 3 buổi Thu đưa chồng đi chuyên gia phục hồi chức năng. Mỗi lần đi như thế, về nhà anh đau lắm nhưng không kêu ca rên rỉ. Jean vẫn cứ bảo anh phải tập để khỏe lại còn cùng em làm việc nuôi con. Anh tập thở, tập vận động ở nhà theo lời hướng dẫn của chuyên gia. Chế độ ăn uống để ý kiêng khem hơn, uống nhiều nước lọc, trước đây anh không bao giờ uống nước tinh khiết, mà cứ uống nước ngọt, bia...
Anh ý thức được bệnh tật của mình làm vợ con đều khổ, vất vả, lo lắng, nhất là mọi việc dồn hết cho vợ, không những thế Thu lại còn phải đưa anh đi 3 buổi trong tuần tập phục hồi chức năng, lo đưa đón 4 con tới trường, về nhà, dạy học, đưa các con đi học thêm hàng tuần 2 buổi hockey, 2 buổi cưỡi ngựa, lo hoàn toàn công việc kinh doanh.
Không những thế, Thu vẫn tự giặt và là quần áo của cả nhà hàng tuần. Nhiều lúc cô cứ nghĩ mình lấy đâu ra nhiều sức khỏe mà làm được nhiều việc như vậy. Một ngày của cô chỉ 24 tiếng không đủ mà phải 36-40 tiếng. Nhưng giờ mọi chuyện đối với Thu cũng đã quen, cô đã dần sắp xếp mọi thứ tốt hơn. Và điều quan trọng nhất là Jean đã được về nhà, và anh đang phục hồi, trở lại cuộc sống, thật diệu kỳ.
Ngày nào Thu cũng dậy từ 4h sáng và đi ngủ lúc 12h đêm. Nhưng nhìn chồng khỏe mạnh thêm mỗi ngày là đem lại cho cô sức mạnh và hạnh phúc. Cô tự nhủ mình phải cố gắng phấn đấu để hoàn thành công việc, với niềm tin mãnh liệt rằng chồng cô sẽ khỏe lại như xưa và trở lại với công việc.
Theo Kiều Bích Hậu/SKĐS

>> xem thêm

Bình luận(0)