Một điều chắc chắn là ban đầu sẽ không thể có đủ vắc-xin cho tất cả mọi người. Và nếu phải phân phối thì những ai trong 7,8 tỷ người trên thế giới sẽ nhận được trước?
|
Ảnh: Peter Hamlin / Philadelphia Inquirer |
Báo Philadelphia Inquirer (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các nhà nghiên cứu đạo đức sinh học thừa nhận, quyết định vô cùng phức tạp này phải tính đến, không chỉ những người có nguy cơ nhiễm virus cao nhất và những đối tượng có nguy cơ truyền bệnh nhiều nhất, mà cả những ai đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì sức khỏe y tế và tài chính của một quốc gia cũng như sự an toàn của quốc gia đó.
"Sẽ vô cùng, vô cùng khó", Philadelphia Inquirer dẫn lời Harald Schmidt, một nhà nghiên cứu đạo đức sinh học, nói về tiến trình ưu tiên phân phối vắc-xin COVID-19. Khả năng sẽ có không chỉ một vắc-xin, và mỗi loại có thể lại hiệu quả hơn ở một nhóm nhất định, chẳng hạn như người cao tuổi.
"Chúng ta không chỉ phải đưa ra quyết định một lần mà còn nhiều lần cho nhiều vắc-xin", ông Schmidt thừa nhận. "Các vắc-xin sẽ không thể có sẵn cùng lúc".
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan không ngừng trên khắp thế giới và tái bùng phát ở những quốc gia từng được ca ngợi đã ngăn chặn dịch bệnh thành công, quá trình phát triển vắc-xin càng được đẩy nhanh. Hàng chục ứng viên đang cho kết quả đầy hứa hẹn. Các chuyên gia nhận định viễn cảnh tốt nhất là sẽ có vắc-xin trị bệnh vào quý 1 năm 2021.
Theo hãng thông tấn AP, giới chức y tế Mỹ đang hy vọng vào cuối tháng 9 sẽ soạn ra được hướng dẫn về cách thức phân phối những liều vắc-xin đầu tiên.
"Không phải ai cũng thích câu trả lời. Sẽ có nhiều người cảm thấy mình phải đứng đầu danh sách", AP dẫn lời tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia, trao đổi với một trong những nhóm cố vấn mà Chính phủ Mỹ đang nhờ giúp đưa ra quyết định.
Theo truyền thống, những người đầu tiên nhận được vắc-xin là nhân viên y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, tiến sĩ Collins lại nghĩ khác khi cho rằng cần cân nhắc về địa lý và ưu tiên cho những người ở nơi bị dịch bệnh tấn công nặng nhất. Ông cũng đề cập những tình nguyện viên tham gia tiến trình thử nghiệm vắc-xin.
Từ tuần trước, hai hãng Moderna Inc. và Pfizer Inc đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm, với khoảng 30.000 tình nguyện viên tham gia. Trong vài tháng tới đây cũng cần một số lượng lớn người tình nguyện nhận các liều tiêm của AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax. Nhiều vắc-xin được bào chế ở Trung Quốc cũng đang trong quá trình thử nghiệm quy mô lớn.
Mặc dù các hãng của Mỹ hứa hẹn sẽ sản xuất hàng triệu liều, nhưng sự thật là kể cả một vắc-xin được khẳng định an toàn và hiệu quả ra đời vào cuối năm nay, thì cũng sẽ không thể có đủ liều dùng cho tất cả mọi người muốn nhận được cùng lúc - đặc biệt là những vắc-xin 2 liều.
Đây là một vấn đề nan giải không chỉ ở Mỹ mà cả trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện cũng đang đau đầu với cùng câu hỏi "Ai sẽ được dùng vắc-xin trước?", khi tổ chức này cố gắng đảm bảo vắc-xin sẽ được phân phối công bằng tới các quốc gia nghèo - và quyết định này thậm chí còn khó khăn hơn vì các nước giàu sẽ nhanh chóng đầu cơ thị trường.