Bộ Y tế vừa công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất. Đây là bản cập nhật, sửa đổi lần thứ 4 kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Chủng virus mới vừa lan truyền vừa biến đổi
GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá, đợt dịch Covid-19 mới đang diễn ra tại nước ta phức tạp hơn so với giai đoạn trước đây. Chỉ trong 9 ngày, đã ghi nhận 174 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 9 tỉnh.
Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Hệ số lây nhiễm đợt này khoảng 5-6, trong khi giai đoạn trước chỉ 1,8-2,2.
|
GS Nguyễn Văn Kính |
GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết thêm, chủng virus mới phân lập được từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng thuộc nhóm D614G (nhánh G), đang gây bệnh ở châu Phi, Bangladesh.
Nhánh G đã xuất hiện rải rác từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của nó ngày càng tăng trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, đây là chủng nCoV thứ 6.
Đặc điểm nổi bật của virus SARS-CoV-2 là kích cỡ to, vừa lan truyền vừa biến đổi gen và thường gây bệnh ở đường hô hấp trên trước.
Gần đây, có một số bằng chứng về đường lây truyền trong không khí của virus SARS-CoV-2, nên trong phác đồ mới, Bộ Y tế yêu cầu ngoài khử khuẩn các bề mặt, các cơ sở y tế cần phải có biện pháp thanh lọc, khử khuẩn môi trường trong phòng bệnh.
Các nhân viên y tế khi khám, chăm sóc, làm các thủ thuật cho bệnh nhân Covid-19 cần phải sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân như áo choàng, bảo vệ mắt, khẩu trang N95, găng tay.
Nếu có thể, thực hiện thủ thuật ở phòng riêng, hoặc phòng áp lực âm. Hạn chế người không liên quan ở trong phòng khi làm thủ thuật
Khi nhiễm virus nCoV, bệnh nhân ủ bệnh từ 1-14 ngày, trung bình là 3-7 ngày nhưng tại Vũ Hán, Trung Quốc từng có trường hợp ủ bệnh đến 24-25 ngày, do đó rất nhiều người dù không có triệu chứng nhưng vẫn lây bệnh trong thời kỳ ủ bệnh.
“Chỉ có gần 40% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng. Vì vậy nếu chỉ căn cứ vào triệu chứng, chúng ta sẽ bỏ qua 60% bệnh nhân. Rất nguy hiểm”, GS Kính lưu ý.
GS Kính cảnh báo, vừa qua nhiều trường hợp test nhanh trong cộng đồng dương tính, sau đó xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR âm tính đã vội mừng, nhưng thực tế test nhanh có dương tính giả, đồng nghĩa kết quả test âm tính chưa hẳn đã không mắc Covid-19.
Ngoài ra, tỉ lệ lớn trường hợp mới mắc Covid-19, cơ thể sẽ chưa sản sinh ra kháng thể ngay, test nhanh không phát hiện được.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.
Trong phác đồ mới, ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót.
GS Kính cũng cho biết, trong giai đoạn dịch lây trong cộng đồng hiện nay, cơ quan chức năng sẽ không cố truy tìm F0, xác định luôn những trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là F0, để từ đó truy vết những người liên quan.
Phân loại bệnh nhân từ đầu, xét nghiệm 3 lần
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu Việt Nam cho biết, trong phác đồ cập nhật lần 4, Việt Nam sẽ khám, phân loại bệnh nhân Covid-19 ngay từ đầu thành 5 cấp theo triệu chứng lâm sàng để phân cấp điều trị.
Cấp độ 1: Bệnh nhân không có triệu chứng.
Cấp độ 2: Chỉ viêm đường hô hấp cấp tính trên với các biểu hiện như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ.
Cấp độ 3: Mức độ vừa - viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng.
Cấp độ 4: Mức độ nặng - viêm phổi nặng khi nồng độ oxy trong máu ≤ 93% khi thở khí phòng, khó thở nặng. Với trẻ nhỏ, nồng độ oxy máu dưới 90%, suy hô hấp nặng, có rút lõm lồng ngực.
Cấp độ 5: Nguy kịch khi nồng độ oxy trong máu dưới 92%, suy tạng và gặp các biến chứng như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, nhồi máu phổi…
|
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu Việt Nam, Tổ trưởng tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng |
Theo đó, tất cả ca bệnh nhẹ sẽ điều trị tại các khoa phòng thông thường, ngay phòng khám, trung tâm y tế huyện, ca nặng điều trị tại các phòng cấp cứu của các khoa phòng hoặc hồi sức tích cực của bệnh viện.
Ca bệnh nặng và nguy kịch cần được điều trị hồi sức tích cực, can thiệp thở máy, ECMO…
GS Bình cho biết, nguyên tắc chung là điều trị theo nguyên nhân, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng, bệnh kèm theo, chống bội nhiễm và hỗ trợ về dinh dưỡng, phục hồi chức năng.
Nếu độ bão hoà oxy dưới 92% có thể xem xét can thiệp thở máy vì diễn biến rất nhanh, nếu nghi ngờ mắc hội chứng “cơn bão cytokine” phải lọc thận…
Đặc biệt, trong phác đồ cập nhật lần 4, các y bác sĩ đặc biệt chú ý tới vấn đề điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu…
Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song lần cập nhật thứ 4, Bộ Y tế đã thừa nhận hiệu quả của một số thuốc kháng virus như các thuốc Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước, hết virus sau 7 ngày, thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg...
Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn. Thay vào đó sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.
Khác với các phiên bản trước, phác đồ mới nhất của Bộ Y tế yêu cầu bệnh nhân Covid-19 phải có 3 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau ít nhất 24 giờ mới đủ điều kiện xuất viện (trước đây chỉ quy định xét nghiệm 2 lần).
Theo GS Kính, việc xét nghiệm 3 lần sẽ hạn chế các trường hợp tái dương tính trở lại như trước đây