Nếu bạn dùng chảo chống dính để tráng trứng hay chiên cá thì có thể lật trở một cách dễ dàng, trái ngược với chảo sắt rất dễ dính vào đáy chảo. Chảo chống dính tuy dễ sử dụng nhưng cách sử dụng lại rất khác so với chảo sắt, nếu không thay đổi thói quen sử dụng sau một thời gian nó sẽ không còn độ chống dính nữa, nhanh chóng cần thay cái mới.
Có người nói rằng, chảo chống dính tốt tới đâu cũng có tuổi thọ khoảng 2 năm nên không còn mua loại quá đắt tiền, miễn là lớp sơn không chứa axit perfluorooctanoic (PFOA) và các chất độc khác. Trên thực tế, tuổi thọ của loại chảo này ít liên quan tới giá cả mà chủ yếu liên quan tới thói quen sử dụng. Muốn có chiếc chảo chống dính lúc nào cũng như mới, bạn cần tránh 8 sai lầm dễ mắc phải dưới đây.
1. Dùng thìa hoặc nĩa kim loại để xào, múc thức ăn
Cho dù bạn sử dụng thìa nĩa kim loại nhẹ đến mức nào, nó đều có thể làm trầy xước lớp phủ của chảo chống dính. Tốt nhất là sử dụng thìa gỗ hoặc thìa silicone chịu nhiệt.
2. Đun chảo rỗng ở nhiệt độ cao
Lớp chống dính của chảo rất dễ bong tróc khi gặp nhiệt độ cao nên không thể làm nóng trước như chảo sắt mà phải nấu ở nhiệt độ thấp và các món ít dùng dầu mỡ.
Cách nấu đúng là cho một ít dầu ăn vào chảo, sau đó vặn lửa vừa và nhỏ, khi dầu nóng thì cho nguyên liệu vào.
Theo điểm bốc khói của dầu, tốt nhất nên sử dụng dầu đậu nành (dầu salad), dầu ô liu hoặc bơ, những loại dầu không chịu được nhiệt độ cao. Vì khi thấy khói bốc lên trong chảo có nghĩa là nó đã quá nóng, cần kịp thời tắt lửa, mở cửa sổ hoặc máy hút mùi.
Ngoài ra, hãy cẩn thận không sử dụng bình phun xịt dầu ăn, vì dầu phun ra có xu hướng dính vào chảo và khó loại bỏ.
3. Xào trên lửa lớn
Chảo chống dính không được nấu ở nhiệt độ cao. Trên thực tế, chảo chống dính cũng có thể nấu ra những món ăn có hương vị thơm ngon như những món được nấu ở lửa lớn. Nếu bạn vẫn thích xào nấu trên lửa lớn, hãy sử dụng chảo sắt để thay thế để không làm giảm tuổi thọ của chảo.
4. Nấu thức ăn có tính axit
Chảo chống dính không thích hợp để nấu các loại thực phẩm có tính axit như cà chua hay chanh và cam quýt, vì nó dễ làm bào mòn bề mặt lớp chống dính.
Loại chảo này cũng không thích hợp để nấu các nguyên liệu có vỏ cứng như cua, nghêu vì có thể gây trầy xước và mài mòn lớp phủ. Bạn có thể thay thế bằng nồi inox để nấu loại thực phẩm này.
5. Cho ngay chảo nóng vào nước lạnh
Nhiệt độ của chảo chống dính vừa mới chiên xong còn rất cao, nếu cho ngay vào nước lạnh hoặc tráng qua nước lạnh, lớp chống dính sẽ dễ bị nứt hoặc bong ra khi bị làm lạnh đột ngột.
Cho dù là chảo sắt thông thường, khi còn quá nóng nếu tráng bằng nước lạnh cũng rất dễ làm hỏng chảo. Tốt nhất là đợi cho đến khi chảo nguội hoàn toàn thì mới rửa.
6. Làm sạch bằng bùi nhùi thép
Không dùng bùi nhùi thép để vệ sinh chảo chống dính, đây là sai lầm của người mới bắt đầu. Nếu có hiện tượng dính thức ăn vào đáy chảo, chỉ cần cho nước nóng vào ngâm khoảng 10 phút là vết dính sẽ bong ra tự nhiên. Không cọ rửa chảo bằng bùi nhùi thép hoặc bàn chải quá cứng.
Tránh sử dụng chất tẩy rửa có tính axit, kiềm mạnh hoặc chà quá mạnh vì có thể làm hỏng lớp phủ.
Chảo chống dính rất dễ làm sạch, chỉ cần lau bằng vải mềm hoặc miếng bọt biển với một lượng nhỏ xà phòng rửa chén trung tính. Sau mỗi lần rửa, lau sạch hơi ẩm bằng giẻ sạch. Nếu cọ rửa nhẹ nhàng chảo chống dính, chảo sẽ luôn bền đẹp như mới.
7. Cho vào máy rửa chén
Các hóa chất trong máy rửa bát và sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình rửa có thể cực kỳ gây hại cho chảo chống dính, dễ khiến lớp phủ bị bong ra.
Cách tốt nhất để làm sạch chảo chống dính là bằng nước rửa chén dịu nhẹ, nước ấm và cọ rửa bằng tay.
8. Để thức ăn trong chảo quá lâu
Nếu để thức ăn trong chảo quá lâu, rất khó để cọ rửa đáy nồi, đồng thời làm suy giảm đặc tính chống dính của chảo.
Cách khôi phục độ chống dính cho chảo
Nếu lớp phủ không bị trầy xước hoặc bong tróc nhưng không còn chống dính như trước, bạn có thể sử dụng các phương pháp sau để khôi phục đặc tính chống dính.
Đun lửa nhỏ trong 30 giây, cho 1 muỗng cà phê dầu trung tính (dầu thực vật hoặc dầu hạt cải), dùng khăn giấy chà nhẹ đáy chảo rồi lau sạch. Lặp lại hành động này bất cứ khi nào cảm thấy chảo không còn chống dính.
Tuy nhiên, nếu chảo chống dính bị trầy xước hoặc thường xuyên bị cháy, lớp sơn đổi màu thì nghĩa là lớp chống dính đã bị hỏng, lúc này cần phải thay cái mới.
Giống như bất kỳ mặt hàng nào, cần phải bảo trì rất nhiều để kéo dài tuổi thọ của nó. Phương pháp bảo trì chảo chống dính thực ra rất đơn giản, giống như bảo dưỡng chảo gang. Sau khi vệ sinh chảo chống dính và lau sạch, thoa 1 thìa dầu ăn lên bề mặt tráng trước khi cất đi. Bảo trì thường xuyên theo cách này có thể kéo dài tuổi thọ chảo từ 2 năm trở lên.