7 lý do ngày càng nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát

Google News

Bại liệt, đậu mùa khỉ, marburg và nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang gia tăng trên toàn cầu. Các chuyên gia đưa ra 7 lý do cho sự bùng phát này.

7 ly do ngay cang nhieu benh truyen nhiem bung phat

Một y tá chuẩn bị một liều vaccine đậu mùa cho khỉ Jynneos ở Đông Los Angeles vào ngày 10 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Getty Images.

2022 là năm xảy ra hàng loạt bệnh truyền nhiễm chứ không chỉ riêng Covid-19. Thế giới ghi nhận những đứa trẻ mắc bệnh suy gan bí ẩn, đe dọa đến tính mạng ở khắp Mỹ và châu Âu. Sau đó, các ca đậu mùa khỉ xuất hiện tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bệnh viêm màng não khiến hàng chục trẻ tử vong tại nhiều bang thuộc Mỹ. Ở Australia và Bỉ, bệnh bạch cầu quay trở lại. Các trường hợp nhiễm virus marburg được ghi nhận lần đầu tiên tại Ghana. Gần đây, New York vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt.

Chia sẻ với Insider, TS Madhukar Pai, chuyên gia y tế toàn cầu tại McGill, cho biết ông có cảm giác mọi dịch bệnh đều quay trở lại. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng thừa nhận tốc độ bùng dịch ngày càng nhanh.

Tiến sĩ Pai cùng các chuyên gia hàng đầu nói rằng tình trạng này không chỉ có một nguyên nhân đơn giản. Đây là mạng lưới rộng của ít nhất 7 vấn đề đan xen, mạnh mẽ.

Con người và động vật ngày càng tiếp xúc gần

Biến đổi khí hậu khiến con người và động vật rời nơi quen thuộc. Vật nuôi cùng các sản phẩm từ động vật được đưa đi khắp thế giới. Nhu cầu về thịt trên toàn thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại. Chúng ta tiếp xúc thường xuyên và với nhiều loại động vật hơn so với trước đây .

Tiến sĩ Larry Brilliant, người đã giúp loại bỏ bệnh đậu mùa, khẳng định mối quan hệ giữa con người với động vật đang thay đổi.

7 ly do ngay cang nhieu benh truyen nhiem bung phat-Hinh-2

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở Washinton, D.C. Ảnh: Getty Images.

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 75% mầm bệnh mới nổi ngày nay có nguồn gốc từ động vật. Gần đây, Covid-19 cũng có nguồn gốc tương tự. Ebola, HIV, MERS, SARS, cúm và đậu mùa khỉ đều xuất phát động vật. Khi một căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, nó luôn có khả năng tạo ra đợt bùng phát mới.

TS Jay Varma, chuyên gia về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Cornell, nói: “Yếu tố đầu tiên thúc đẩy quá trình lây nhiễm là sự tương tác giữa con người và động vật ngày càng tăng, trong môi trường không hoàn toàn tự nhiên hoặc môi trường khác với cách chúng từng tồn tại trong quá khứ".

Phá rừng, nuôi nhốt gia súc và buôn bán trái phép động vật hoang dã - tất cả đều đóng vai trò nào đó.

"Dân số loài người hiện nay quá lớn, đến mức chúng ta thâm nhập vào tất cả hệ sinh thái, bắt gặp sinh vật mới - những sinh vật mà chúng ta không có nhiều khả năng miễn dịch trước đó", TS Pai nói thêm.

Du lịch, qua lại giữa các nước

Quá trình toàn cầu hóa khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn bao giờ hết. Bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào trên thế giới đều có thể lan sang khu vực khác chỉ sau một chuyến bay.

TS Eric Rubin, Tổng biên tập tạp chí Y học New England, nói với Insider: "Mỗi khi ai đó lên máy bay, chúng ta đều đối mặt rủi ro họ mang theo mầm bệnh. Càng nhiều người lên máy bay, rủi ro đó càng tăng lên".

Với số lượng du khách hàng không ngày tăng vọt, các mầm bệnh mới có thể di chuyển rất nhanh, rất xa.

Năm 2022, cả bệnh đậu mùa ở khỉ và bệnh bại liệt cùng theo người bệnh di chuyển bằng máy bay, lây nhiễm sang người dân trên các lục địa mới. Ngược lại, khi hoạt động du lịch toàn cầu dừng lại vào năm 2020, bệnh cúm về cơ bản biến mất trong một năm.

Biển đổi khí hậu ngày càng tồi tệ

Một bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 8/8 cho rằng biến đổi khí hậu khiến hầu hết mầm bệnh của con người trở nên nghiêm trọng hơn. Thực tế chứng minh điều này đúng ở nhiều loại bệnh truyền nhiễm.

"Các bệnh do côn trùng gây ra đang thực sự thay đổi mô hình của chúng khi côn trùng trung gian truyền bệnh hiện hoạt động ở phạm vi rộng hơn", TS Eric Rubin nói. Ông dẫn chứng Zika - từng là dịch bệnh ở châu Phi - đã lây lan khắp châu Á và châu Mỹ.

Tương tự, Chikungunya trở thành căn bệnh toàn cầu thay vì chỉ đe dọa khu vực nhất định như trước đây. TS Varma khẳng định bệnh nhiệt đới đã bùng phát ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Không đủ vaccine cho trẻ em

Trong đại dịch, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh trên toàn cầu. Thêm vào đó, cái nhìn về vaccine tại các nước phát triển (vốn phổ biến việc tiêm chủng) cũng thay đổi, sai lệch. Khi hoạt động tiêm phòng sụt giảm, bệnh truyền nhiễm lẽ ra có thể ngăn ngừa bằng vaccine gia tăng.

7 ly do ngay cang nhieu benh truyen nhiem bung phat-Hinh-3

Tiêm vaccine cho trẻ là yếu tố phòng, tránh bệnh truyền nhiễm. Ảnh: AP.

TS Varma nhấn mạnh: “Chúng tôi cần mọi người đi tiêm phòng. Nếu không, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với rủi ro".

Tại một số khu vực của hạt Rockland, New York, nơi bệnh bại liệt đã khiến ít nhất một người đàn ông trẻ tuổi, chưa được tiêm phòng bị liệt trong năm nay, chỉ 37% trẻ nhỏ được tiêm bổ sung vaccine phòng bại liệt.

Nhiều năm bỏ qua dịch bệnh ở nước đang phát triển

"Trong suốt nhiều năm qua, người châu Phi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng, không ai làm gì cả, không ai tiêm vaccine cho họ. Bây giờ, đột nhiên, tất cả quốc gia giàu có xuất hiện mầm bệnh và phải tiêm phòng", TS nói.

Ông cho rằng thế giới đang phải trả giá cho "cách ứng phó bệnh 'cổ hủ', 'sai lầm' và thiển cận" như vậy.

"Nếu bệnh đậu mùa khỉ được xử lý tốt hơn ở châu Phi, nó đã không lây lan khắp thế giới. Nếu Covid-19 được xử lý tốt hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, các biến thể mới đã không xuất hiện. Nếu Ebola được kiểm soát ở Tây Phi, thậm chí trước khi nó lan rộng, nó không lan đến Mỹ", vị chuyên gia nói.

Con người thay đổi nhận thức về hiểm họa bệnh tật

TS Pai cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng đến nhận thức của con người. Nhiều kinh nghiệm được truyền lại, đưa vào các bản tin về dịch bệnh ngày nay. Song trong một số trường hợp, nó bị thổi phồng quá mức.

"Một số dịch bùng phát ở khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc, ngay lập tức, mọi người trên khắp thế giới hoảng sợ", TS Pai nói.

Ngày nay, các nhà khoa học có những công cụ tốt hơn bao giờ hết để nhận biết những gì đang xảy ra - giải trình tự virus, thử nghiệm, cảnh báo sớm hơn so với trước đây.

"Covid-19 đã thực sự thay đổi cách chúng ta nhận thấy những điều này", TS Rubin nói và cho biết mỗi ngày, một loại bệnh nào đó lại được ghi nhận trên thế giới, một phần vì mọi người chú ý đến chúng nhiều hơn.

Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến hệ miễn dịch?

Mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm trở nên đáng báo động khi giới y học vẫn chưa chắc chắn liệu Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến hệ miễn dịch.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu điều này trong thời gian tới. Liệu Covid-19 có làm rối loạn hệ thống miễn dịch ở một mức độ nào đó, khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn hay không", TS Pai thông tin.

Ông ấy lo lắng rằng sự phụ thuộc quá mức của các bác sĩ vào các đơn thuốc steroid và kháng sinh trong đại dịch có thể làm gia tăng thêm nhiều bệnh nhiễm trùng nấm, siêu vi khuẩn và tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

7 ly do ngay cang nhieu benh truyen nhiem bung phat-Hinh-4

Tiến sĩ Francis Collins, cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, đưa ra mô hình về virus corona. Ảnh: Getty.

Các nhà khoa học ước tính tỷ lệ chúng ta gặp phải một đại dịch khác "có thể tăng gấp đôi trong những thập kỷ tới", khi dịch bệnh bùng phát bởi một loạt các yếu tố phức tạp, liên quan với nhau, ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Nhưng khi nói đến phòng chống dịch bệnh, TS Rubin cho rằng mọi người không nên nghĩ con người sẽ phải cùng lúc ứng phó với 10 loại dịch bệnh. Theo ông, mỗi bệnh có đặc điểm sinh học, nguồn gốc, phương thức lây truyền, cách phòng ngừa khác nhau.

"Câu trả lời chung là chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe cộng đồng", TS Pai nhấn mạnh. Ông cho rằng đây là điều mà con người từng từ bỏ như uống nước sạch, giữ điều kiện vệ sinh tốt, vaccine, bình đẳng trong tiếp cận với điều trị, chăm sóc lâm sàng và đầu tư nghiên cứu về dịch bệnh.

Theo Nguyên Lê/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)