Cô gái khiếm thị tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc ở trường danh tiếng, muốn trở thành “ánh sáng” cho người khác

Google News

Với lòng biết ơn và sự quyết tâm, Zhu Lingjun hy vọng mình có thể trở thành "cây gậy" dẫn đường cho các học sinh khiếm thị, mở ra cuộc sống tốt hơn cho các em.

Mùa hè này, Zhu Lingjun, cô sinh viên khiếm thị đầu tiên tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc đã tốt nghiệp. Zhu Lingjun chọn trở thành giáo viên khiếm thị đầu tiên tại một trường giáo dục đặc biệt ở quê hương Vô Tích, Giang Tô với hy vọng trở thành cây gậy dẫn đường "ánh sáng" cho các học sinh khiếm thị.

Từ việc theo đuổi ánh sáng trong bóng tối đến trở thành ánh sáng dẫn đường cho người khác, Zhu Lingjun cho biết trên chặng đường cô đã đi qua, thầy cô như những ngọn đèn soi sáng và củng cố ước mơ trở thành giáo viên của mình.

“Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình, điều đó khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và trân trọng. Tôi mong sau này có thể giúp đỡ được nhiều trẻ em khiếm thị cũng như nhiều người khuyết tật hơn để họ mở ra cuộc sống tốt hơn”, Zhu Lingjun nói.

Lòng biết ơn đặc biệt đến cô hướng dẫn

“Trong quá trình trưởng thành của tôi, đặc biệt là trong 2 năm tại Phúc Đán, các thầy cô và các bạn cùng lớp đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Người tôi muốn cảm ơn nhất hôm nay chính là cô Zhao Fang", Zhu Lingjun xúc động nói.

Zhu Lingjun đã tận tay chuẩn bị một tấm bưu thiếp cho người hướng dẫn của mình, Giáo sư Zhao Fang -Trưởng khoa Công tác xã hội tại Đại học Phúc Đán với lời cảm ơn viết trên đó: “...Mặc dù em không thể nhìn thấy gương mặt cô nhưng trong lòng em, cô luôn là cô giáo xinh đẹp nhất", Zhu Lingjun đọc tấm bưu thiếp rồi ôm chặt cô giáo.

Zhu Lingjun sinh ra ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Ngay sau khi sinh ra, cô được phát hiện bị mù. Khi mới 4 tháng tuổi, cô bé sau khi trải qua cuộc phẫu thuật có thể nhìn thấy chút ánh sáng mờ nhạt của thế giới xung quanh. Vì lúc đó ở Vô Tích không có trường học dành cho người mù nên cha mẹ đã gửi Zhu Lingjun đến Trường dành cho trẻ khiếm thị Thượng Hải và sau đó đến Thượng Hải để tìm việc làm.

Cô bé Zhu Lingjun sau đó dựa vào sự chăm chỉ của mình đã được nhận vào Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học và tốt nghiệp cao học Phúc Đán với kết quả xuất sắc.

Là sinh viên mù đầu tiên tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, nhà trường đã chủ động hỗ trợ Zhu Lingjun rất nhiều điều. Zhu Lingjun cho biết, để cô có thể đến lớp học thuận tiện hơn, nhà trường đã điều chỉnh địa điểm giảng dạy.

Những ngày đầu, khi nhận sự giúp đỡ của giáo sư Zhao và những người khác, Zhu Lingjun cảm thấy rất xấu hổ và ái ngại. Tuy nhiên, chính giáo sư Zhao là người đã động viên cô, nói đây là quyền bình đẳng với tư cách là một người khuyết tật. Điều này đã đốc thúc cô tập trung vào việc xây dựng các bệnh viện thân thiện với người khuyết tật hơn làm chủ đề cho luận văn tốt nghiệp của mình.

"Tôi cảm thấy như vậy. Người khuyết tật cũng cần phải tự lập và sống có giá trị thay vì mãi mãi sống dưới sự chăm sóc của người khác", Zhu Lingjun nói.

Sẽ tự giúp mình và giúp người khác nhận ra giá trị của cuộc sống

"Mặc dù Zhu Lingjun luôn nói rằng nhà trường, giáo viên và các bạn cùng lớp đã giúp đỡ cô ấy rất nhiều, nhưng trước tiên cô ấy tự giúp mình và tiếp tục phát triển bằng sự siêng năng và chăm chỉ của bản thân", giáo sư Zhao Fang nói với các phóng viên.

Giáo sư cho biết, bà thấy được sự khao khát trưởng thành và nỗ lực thay đổi ở Zhu Lingjun. Hiện tại, có 70 triệu người khuyết tật ở Trung Quốc và câu chuyện về Zhu Lingjun sẽ lan tỏa năng lượng tích cực rằng: Tất cả những người khuyết tật có thể nhận ra giá trị và phẩm giá của cuộc sống thông qua việc tự lực. Hơn nữa, Zhu Lingjun còn khiến các sinh viên xung quanh cảm nhận được bản chất cốt lõi của công tác xã hội là giúp đỡ chính mình và giúp đỡ người khác.

Về phía nhà trường, họ cho biết luôn coi Zhu Lingjun như một nghiên cứu sinh bình thường, không hề hạ thấp yêu cầu học tập. Dù là học bổng hay Huân chương Thanh niên, Zhu Lingjun đều phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe như các bạn khác trong quá trình tuyển chọn. Điều đáng khen là cô đã nỗ lực hết mình trong mọi môn học.

Cuộc sống hàng ngày của Zhu Lingjun bắt đầu bằng âm thanh của phần mềm đọc màn hình để học, hầu hết tài liệu học tập cô sử dụng đều là điện tử. Phần mềm đọc màn hình trên máy tính và điện thoại di động có thể đọc từng chữ trên màn hình.

Vào tháng 9 tới, cô sẽ đến Trường Giáo dục Đặc biệt Vô Tích để công tác. Zhu Lingjun mong rằng bản thân có thể góp chút sức mọn giúp trẻ em mù có được nguồn tài nguyên giáo dục tốt hơn và nâng cao trình độ sử dụng phần mềm đọc màn hình.

“Tôi muốn được tham gia giảng dạy công nghệ thông tin cho trẻ khiếm thị. Tôi sẽ dạy trẻ khiếm thị cách sử dụng phần mềm đọc màn hình, mặt khác tôi cũng sẽ kêu gọi xã hội hãy quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường tiếp cận thông tin cho trẻ, để chúng có thể sử dụng nhiều sách điện tử và trang web hơn, giúp ích cho việc học tập và cuộc sống của các em", Zhu Lingjun nói.

BẢO ANH.

Bình luận(0)