Kết quả xét nghiệm ADN phát hiện không phải con đẻ của mẹ mình.
Mới đây, sau khi báo chí đưa tin về vụ việc hy hữu khi một bà mẹ bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh quận Ba Đình, Hà Nội cách đây 42 năm, rất đông thành viên trên diễn đàn mạng đã chia sẻ câu chuyện với hy vọng sẽ giúp bà mẹ tìm được đứa con bị trao nhầm của mình. Trong khi sự việc chưa có kết quả, ở Hà Nội lại có thông tin về một trường hợp bị trao nhầm con cách đây 29 năm, ở nhà hộ sinh quận Đống Đa (Hà Nội).
Con gái càng lớn càng khác bố mẹ
Trường hợp hy hữu bị trao nhầm con đó xảy ra trong gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội). Bà Hoa sinh con gái ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa (ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên), nhưng chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi), đứa con gái mà bà yêu thương, chăm sóc từ bé đến nay lại được xác định không phải con đẻ của bà.
|
Chị Hiền vừa khóc vừa kể lại câu chuyện trớ trêu của mình |
Sáng 12/3, trong ngôi nhà ở xóm Án, làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chị Lê Thanh Hiền ngậm ngùi kể lại câu chuyện đầy trớ trêu của mình.
Chị kể, cách đây 29 năm, mẹ chị là bà Phan Thị Tuyết Hoa đã được gia đình đưa đến nhà hộ sinh quận Đống Đa để sinh, tuy nhiên, ngay từ khi mới sinh ra, mọi người đều nhận xét chị khác nhiều so với cha mẹ, vì trong khi cha mẹ có làn da ngăm đen thì chị có làn da trắng hồng, môi đỏ, là cô bé rất xinh đẹp.
Nhưng tất cả mọi người trong gia đình không ai mảy may nghi ngờ việc đó, mà dồn hết tình yêu thương và sự chăm sóc cho chị. Càng lớn lên, chị càng xinh đẹp, khác hẳn với anh chị em trong nhà nên dư luận bắt đầu đồn đoán chị không phải con của bố mẹ.
Đến khi lập gia đình, chị Hiền mới biết mình có nhóm máu B, trong khi mọi người trong nhà đều nhóm máu O. Linh cảm có điều gì đó khác thường, chị âm thầm lấy mẫu tóc của bố mẹ đi giám định AND tại Trung tâm giám định sinh học pháp lý, Viện khoa học hình sự - Bộ Công an.
“3 ngày sau, khi cầm trên tay tờ giấy ghi kết quả, tôi thực sự bị sốc và không dám tin vào dòng chữ “Bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải mẹ đẻ chị Lê Thanh Hiền”. Tôi gục ngã ngay tại đó khiến các anh công an phải vực tôi dậy. Tôi bật khóc như một đứa trẻ, tự hỏi sao sự thật trớ trêu lại xảy ra với gia đình đang yên ấm của mình như thế” – chị Hiền không cầm được nước mắt khi kể về giây phút ấy. Chị kể tiếp: “Sau khi cầm kết quả, tôi không nhớ rằng mình đã đi tới đâu. Chỉ nhớ khi đến cầu Chương Dương thì lúc đó cũng đã nửa đêm. Chồng tôi đi tìm tôi khắp nơi và mãi sau mới thấy tôi đang đứng trên cầu, tôi ôm chồng khóc”.
|
Giấy khai sinh của chị Hiền và tờ giấy xác nhận chị Hiền không phải con đẻ của bà Hoa |
Sau một tuần ốm nằm nhà, chị Hiền quyết định đem sự thật nói với mẹ trong một dịp cả hai mẹ con đi dạo quanh hồ Thiền Quang. Lúc đầu, bà Hoa không tin nhưng sau khi chị Hiền đưa kết quả ra, bà mới tin và ôm con khóc nức nở.
Nghi ngờ trao nhầm con với người phụ nữ nằm cùng phòng
Trao đổi về sự việc trên, bà Phan Thị Tuyết Hoa, mẹ chị Hiền kể lại bà vẫn nhớ như in ngày chuyển dạ sinh con.
Bà kể, hôm ấy bà tới nhà hộ sinh quận Đống Đa lúc khoảng 1h sáng ngày 12/12/1987. Đến 4h35 phút, bà sinh con gái. Nhưng ngay lúc đó bà chưa được nhìn mặt con mà phải hơn 8h sáng, bà mới được nhìn và ôm con.
“Lúc đó, tôi thấy số trên đùi con rất mờ, tôi hỏi chồng sao số mờ thế thì chồng tôi bảo con vừa được tắm rửa, thay tã. Người ta đưa con cho thì anh biết thế thôi nên tôi cũng không nghi ngờ gì nữa”, bà Hoa kể lại.
Sau khi phát hiện ra sự việc, vì muốn tìm lại cha mẹ của mình nên chị Hiền đã cùng chồng tìm đến nhà hộ sinh quận Đống Đa để tìm lại những giấy tờ mà mẹ mình sinh cách đây 29 năm. Chị cho biết phải nhờ luật sư sang bảo lãnh thì lãnh đạo nhà hộ sinh mới cung cấp những giấy tờ liên quan và may mắn là giấy tờ sổ sinh của chị vẫn còn lưu giữ.
|
Chị Hiền và bà Hoa đều đau xót khi tìm ra sự thật họ không phải mẹ con ruột của nhau |
“Tại đây, trong sổ lưu giữ chi tiết ngày sinh và giờ sinh. Trong ngày 12/12/1987, có 5 người đến nhà hộ sinh để sinh nhưng trong bảng chỉ ghi rất vắn tắt địa chỉ mà giờ đã thay đổi nên cuộc tìm kiếm người thân gặp rất nhiều khó khăn” – chị Hiền nói.
Theo chị Hiền, điều khiến mẹ chị nghi ngờ nhất, đó là thời điểm ấy chỉ có bà Hoa và một phụ nữ khác sinh con cùng giờ, cách nhau 15 phút. Người phụ nữ kia sinh trước. Sau đó, cả hai người ở cùng phòng, cả hai đều sinh con gái, cùng nặng 3kg. Vì không được nhìn mặt con ngay sau khi sinh nên có thể lúc bị trao nhầm con, cả hai người mẹ đều không nhận ra.
Đến giờ phút chia sẻ câu chuyện với mọi người, chị Hiền nói chị đã biết sự thật được 3 năm, nhung không dám nói vì sợ mọi người sốc, sợ mất đi tình cảm bấy lâu nay.
“Sau câu chuyện bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 42 năm được báo chí đưa tin, tôi mới đủ can đảm nói ra sự thật, tôi mong muốn tìm được người thân của tôi, còn mẹ tôi cũng mong muốn tìm được người con thất lạc của mình bao năm qua”, chị Hiền tâm sự.
Theo chị Hiền, bản thân chị không hề oán trách nữ hộ sinh đã trao nhầm mình mà theo chị đó cũng là cơ duyên để chị được làm con cha mẹ của mình hiện tại, ở đó chị có tình thương của gia đình dành cho mình.
“Hiện tại tôi mong muốn mọi người, các cơ quan chức năng, cơ quan công gian giúp gia đình tôi tìm kiếm được người thân thực sự của mình để bản thân được nhẹ lòng”, chị giãi bày.