Ngôi mộ cổ ở Quảng Nam bị đào xới vung vãi

Google News

Hài cốt của người quá cố bị các đối tượng đào lên, vứt vương vãi xung quanh.

Ngôi mộ cổ gần 300 tuổi ở khu vực phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa bị một nhóm người đào bới. Nghiêm trọng hơn, hài cốt của người quá cố bị các đối tượng đào lên, vứt vương vãi xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (64 tuổi, ở khối phố 8, phường An Sơn), nhà bên cạnh ngôi mộ cho biết: "Khoảng 8h ngày 6/3, có một nhóm người địa phương gồm Nguyễn Thị Minh Thắm, Lê Văn Long (hay còn gọi là Xuân Bình), Nguyễn Trung Hưng cùng 3 thanh niên (cùng khối phố 8, An Sơn) đến bảo là di dời mộ.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Thắm có đưa ra cho tôi xem một tờ giấy và nói đây là giấy chứng nhận cho phép di dời mộ có xác nhận của chính quyền địa phương. Tôi chỉ xem thoáng qua tờ giấy thấy có dấu đỏ nên không có ý kiến gì. Sau đó ông Bình tiến hành thủ tục cúng bái rồi bắt đầu đào mộ. Trong quá trình nhóm này đào mộ, tôi và một số người dân đến xem. Tuy nhiên khi họ đào lộ ra quan tài thì bà Thắm bảo tôi và mọi người về nhà đi vì đứng đây không tốt cho sức khỏe".
Ngôi mộ cổ phường An Sơn, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, bị trộm đào xới.
 
Theo lời bà Hạnh, hơn 10h cùng ngày, bà quay trở lại thì nhóm người trên đã bỏ đi hết. Hiện trường để lại chỉ là một hố sâu, toàn bộ ngôi mộ đã bị khai quật, xương cốt bị vứt sang một bên. "Không biết họ đã lấy đi thứ gì bên trong ngôi mộ cổ này. Tôi không đồng ý với việc làm đó, người đã khuất thì hãy để họ được yên, phải có điều gì khuất tất họ mới làm như thế...”, bà Hạnh bức xúc cho biết. Sau khi phát hiện sự việc trên, người dân đã báo cho chính quyền địa phương đồng thời mua quan tài để chôn lại hài cốt.
Ông Đinh Quang Bích - Trưởng khối phố 8 cho biết thêm: "Khi nghe sự việc có người đến dời ngôi mộ cổ, tôi đến yêu cầu chị Thắm đưa giấy tờ liên quan về việc di dời mộ. Thắm nói đây là mộ họ hàng với một gia đình ở Huế, người này họ Hoàng. Vì gia đình này bận việc không vào di dời được nên mới nhờ. Theo đó Thắm chỉ đưa ra một tờ giấy hợp đồng viết tay về việc bốc mộ giá 35 triệu đồng với gia đình người ở Huế. Còn giấy có dấu đỏ thì chị Thắm không đưa cho tôi xem, với lý do “giấy tờ này không phải ai xem cũng được”.
Được biết, chủ nhân ngôi mộ tên là Hoàng Hoàng Nhân, thời vua Gia Long. Trước đây xung quanh ngôi mộ có nhiều tượng lính canh gác. Tuy nhiên, qua thời gian, những tượng lính này đã không còn. Trước khi bị nhóm người này đào bới, ngôi mộ vẫn ở trạng thái nguyên vẹn. Bên cạnh ngôi mộ này còn có một ngôi mộ cùng thời của bà Phan Thị Chi, có chồng là Hoàng Công Nguyên.
Khi PV đến gặp bà Thắm để hỏi rõ sự tình thì bị một người đàn ông trạc 50 tuổi ngăn cản không cho gặp. Người đàn ông này viện lý do là đây không phải là nhà bà Thắm. Tuy nhiên, theo lời xác thực của hàng xóm thì đó là nhà bà Thắm, còn người đàn ông ngăn cản kia là chồng bà Thắm, tên Hùng. Theo người hàng xóm bà Thắm, bà Thắm đã trốn đi đâu rồi không có ở nhà.
Được biết, khi cơ quan công an yêu cầu xuất trình giấy tờ của UBND phường đóng dấu thì bà Thắm biện minh là ông Hoàng Bình đã mang về Huế. Hiện nay, mọi nghi án đang chú tâm vào đối tượng có tên là Hoàng Bình theo lời khai bà Thắm là chủ mưu trong vụ đào mộ cổ.
Theo Đời Sống & Pháp Luật

Bình luận(0)