Những cuộc “viếng thăm” tàn nhẫn của đám “mộ tặc”

Google News

Đám "mộ tặc" thường dùng que sắt để rà soát đồ dưới mồ. Có lẽ, chúng biết được phong tục nơi đây khi chia tài sản thường đặt đồ quý ở trên đầu và dưới chân người chết nên "đánh hơi" rất nhanh.

Ông Đinh Truyên (45 tuổi) có bà ngoại là Đinh Thị Phờ mất năm 2007. Khi bà Phờ mất, gia đình đã chia cho bà 5 cái gùi, vì khi còn sống, bà rất hay đi hái lá và kiếm củi trên rừng. Ngoài ra, họ còn chia cho bà Phờ thêm một bộ dệt vải, 2 cái ghè sứ và một chiếc bát cổ đã giữ được gần 7 đời. Cách đây 2 năm, khi gia đình đi làm lễ bỏ mả cho bà Phờ thì phát hiện ngôi mộ của bà Phờ vừa bị đào tung. Những mảnh xương bị kẻ xấu ném lung tung trên mặt đất.

Dẫn chúng tôi đến những khu nhà mồ đã từng bị kẻ xấu đào tung để lấy tài sản, nhiều người dân làng Mơ H’ra (xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) bức xúc nói: "Bọn người đó thật ác độc. Mồ mả của người chết mà chúng cũng đào lên để lấy quan tài. Có nhiều ngôi mộ bọn chúng còn đổ xương người cùng những đồ vật chôn theo lên mặt đất nữa".

 Một khu mộ vừa bị trộm viếng thăm.


Hài cốt phơi sương dãi gió

Được biết, ngoài việc đào mộ lấy gỗ huỳnh đàn, bọn mộ tặc còn chú ý đến những cái chén bằng đồng đen có niên đại hàng trăm năm. Theo lời già làng Đinh HMưng (làng Mơ H’ra, xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang), ngày xưa, các cụ thường có những cái chén nhỏ bằng đồng đen hay dùng để uống rượu và xúc gạo. Đây là đồ vật mà giới săn đồ cổ rất chú ý.

Ngày trước, có nhiều người tìm đến làng hỏi mua chén bằng đồng đen với giá rất cao nhưng người dân nơi đây kiên quyết không bán. Bên cạnh đó, còn có một món đồ rất có giá trị khác là những chiếc ghè bằng sứ cổ ngày xưa. “Mấy năm trước, có nhiều người đến hỏi mua với giá cả chục triệu đồng. Thậm chí, họ hứa sẽ đổi một con trâu to lấy một cái ghè”, già làng Đinh HMưng cho biết.

Chính vì những chiếc ghè đựng rượu có giá trị lớn như vậy nên cách đây 2 năm, ông Đinh Văn Nghèo (61 tuổi, người dân làng Mơ H’ra, xã Kon Lơng Khơng) đã bị kẻ xấu đào mộ cha, lấy đi 2 cái ghè và một số chén, bát sứ cổ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Pó - trưởng làng Leng Dôr (xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ) - tâm sự làng có hơn trăm ngôi mộ cổ thì tất cả đều đã bị kẻ xấu đào bới, lật nắp. Đối với đồng bào dân tộc Ba Na ở khu vực các huyện như Kbang, Đắk Pơ, thị xã An Khê… thì việc người dân sử dụng gỗ huỳnh đàn khoét thành quan tài để an táng người thân là chuyện bình thường. Bởi họ không hề biết mức độ quý hiếm của loại gỗ này. Hơn nữa, khi đó, gỗ huỳnh đàn cũng có rất nhiều trên rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghèo tỏ rõ sự bức xúc: “Mộ của cha tôi được chôn cất trong khu nhà mồ mới gần khu vực nhà dân nhưng vẫn bị đám trộm đến đào bới. Lúc cha mất, mẹ tôi và gia đình đã chia cho ông 2 cái ghè có giá trị nhất. Trước đó, có một người ở dưới Sài Gòn lên nhà, thấy chiếc ghè đẹp nên hỏi mua với giá 12 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, cha tôi nhất quyết không bán vì đó là vật cha ông để lại. Hơn nữa, khi chôn 2 cái ghè xuống đất, mẹ tôi đã đập thủng phần đáy chiếc ghè nhưng kẻ xấu vẫn không buông tha”.

Trong một lần ra thăm mộ cha, bất ngờ ông Nghèo phát hiện ngôi mộ đã bị đào bới. Qua kiểm tra, ông thấy những cái chén sứ và 2 chiếc ghè cổ đã không cánh mà bay. Để cúng ma và lấp lại ngôi mộ, gia đình người đàn ông này đã phải làm thịt một con lợn, một con gà và mua 1 ghè rượu để mời dân làng.

Trong khu nhà mồ mới của làng Mơ H’ra, cùng cảnh ngộ với gia đình ông Nghèo là ông Đinh Truyên (45 tuổi). Ông Truyên có bà ngoại là Đinh Thị Phờ mất năm 2007. Khi bà Phờ mất, gia đình đã chia cho bà 5 cái gùi, vì khi còn sống, bà rất hay đi hái lá và kiếm củi trên rừng. Ngoài ra, họ còn chia cho bà Phờ thêm một bộ dệt vải, 2 cái ghè sứ và một chiếc bát cổ đã giữ được gần 7 đời.

 Một tấm ván quan tài bị bọn trộm vứt lại.

Cách đây 2 năm, khi gia đình đi làm lễ bỏ mả cho bà Phờ thì phát hiện ngôi mộ của bà Phờ vừa bị đào tung. Những mảnh xương bị kẻ xấu ném lung tung trên mặt đất. Vết đất vẫn mới nên người dân xác định vụ trộm vừa xảy ra tối hôm trước.

Ông Truyên lắc đầu than thở: “Kẻ gian chỉ để lại 2 chồng chén bát vì tưởng chúng không có giá trị. Tuy nhiên, chúng đã bỏ qua chiếc bát cổ gần 7 đời của gia đình tôi. Hôm ấy, thấy chiếc bát còn sót lại, tôi định mang về thì mẹ tôi không đồng ý. Bà nói rằng, nó đã là tài sản của người chết nên không thể lấy lại. Mấy hôm sau, khi tôi lên thăm mộ bà ngoại thì thấy chiếc bát đó không còn nữa. Khu mộ chỉ còn lại mấy dấu chân của đám “mộ tặc”.
 Những đồ cổ quý giá này là thứ bọn trộm nhắm tới.

Già làng Đinh HMưng bức xúc: "Kẻ xấu bây giờ ma mãnh lắm. Dù đã tìm đủ mọi cách nhưng chúng tôi vẫn không thể phát hiện và bắt được chúng. Chắc chắn bọn “mộ tặc” trước khi đào trộm đã chuẩn bị rất kỹ càng mọi thứ. Có thể một tên đào thì có đến 2 - 3 tên đứng canh gác. Khu rừng rộng lớn, khi bị phát hiện, chúng sẽ chạy vào đó và không ai có thể vây bắt được.

Những kẻ “hút máu” người chết

Rời làng Mơ H’ra, chúng tôi tiếp tục đến một số ngôi làng khác của xã Kon Lơng Khơng để tìm hiểu về các vụ đào trộm mộ. Theo ghi nhận của Dòng Đời, hầu như khu nhà mồ nào ở xã này cũng đều bị “mộ tặc” “viếng thăm”. Có những khu mộ bị xới tung, tan tác khiến nhiều người phải nghẹn lòng. Tại đây, chúng tôi cũng được nghe kể về những lần người dân Ba Na truy đuổi để bắt những kẻ “hút máu” người chết phải đền tội.

Già làng Đinh HMưng cho chúng tôi biết, năm 2011, người dân trong làng đã bắt được 3 người ở xã Đăk Hlơ (huyện Kbang) đào trộm mộ.

Được biết, buổi trưa hôm ấy, khi những tên này đang hì hục đào đất ở nhà mồ thì một người đi qua phát hiện ra. Khi bị phát hiện, bọn chúng ném các loại dụng cụ đào bới và bỏ chạy. Ngay lập tức, hàng chục thanh niên được huy động để truy bắt những tên “mộ tặc”. Khi bị bao vây, những tên này đã lẻn vào bụi mía để trốn. Sau một hồi không thấy chúng, người dân đã về nhà đưa 10 con chó săn lớn ra để đánh hơi tìm kẻ gian. Một lúc sau, những tên trộm này buộc phải xuất đầu lộ diện.

 Một ngôi mộ đang được người dân bê tông hóa sau khi bị đào bới.

Sau khi bắt được, dân làng trói 3 người này lại và mang đến nhà rông rồi gọi cả làng đến giải quyết. “Các đối tượng này sau đó đã bị làng phạt một con trâu, một con bò, nhiều heo, gà và rượu ghè. Tổng chi phí tới mấy chục triệu đồng”, già làng Đinh HMưng kể lại.

Trước kia, người dân trong làng thường lên núi Kbang chặt gỗ huỳnh đàn về để làm cột nhà. Những năm gần đây, có nhiều người dưới xuôi lên tìm mua loại gỗ quý này. Vì cái đói, nhiều người dân đã dỡ cột nhà gỗ huỳnh đàn bán kiếm tiền. Tuy nhiên, loại gỗ này ngày một hiếm. Chính vì thế, nhiều kẻ bất lương đã nhẫn tâm đào bới cả mộ người chết để lấy quan tài bằng gỗ huỳnh đàn.
Mấy năm trước, tình trạng mồ mả bị đào trộm xảy ra liên tục. Mỗi lần ra tay, bọn trộm đào cả chục ngôi mộ. Vụ việc gần đây nhất là vào giữa tháng 6.2012, làng Mơ H’ra bị đào 6 ngôi mộ cũ. Một người đang đi chăm sóc mộ người mới chết ở nhà mồ đã nhìn thấy mấy tên “mộ tặc”.

Nhận được tin báo, phó trưởng thôn là ông Đinh Seng và dân quân liền thành lập đoàn đi kiểm tra hiện trường và lục soát tất cả những nơi mà họ cho rằng kẻ gian đang trốn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, những tên “mộ tặc” đã mất hút. Sau khi kiểm tra, xác định danh tính những người chết bị đào mồ, già làng đã đề nghị người dân trong làng cùng nhau góp tiền lại để mua trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng mới và chôn lại người chết theo phong tục của người Ba Na.

Ông Đinh Seng kể lại, trong lúc đi kiểm tra, chính bản thân tôi cũng phải sững sờ và bất bình khi phát hiện mộ của bố vợ tôi là ông Đinh Kớt (mất năm 2008) bị lật cả nắp quan tài lên để lấy tài sản. Ngồi bên cạnh con rể, bà Đinh Thị Ayeng (vợ ông Đinh Kớt) cho biết: "Khi chồng mất, tôi đã chia cho ông nhiều tài sản lắm. Nhà có 3 bộ chiêng thì tôi đã chia cho chồng 2 bộ. Mấy chiếc ghè cổ, tôi cũng cho chồng luôn”. Bà Ayeng chia sẻ, việc chia tài sản cho chồng nhiều như vậy trong làng ai cũng biết và mỗi khi tụ tập, người dân cũng thường nhắc đến. Thông tin này có thể đã lọt đến tai kẻ gian nên bọn chúng mới tìm đến mộ chồng bà để đào lên.

Lật cuốn sổ làm việc của mình, đồng chí công an xã Đăk Pơ - Đinh HNí - cho chúng tôi xem biên bản được lập ngày 28.8.2011 ghi nhận 12 ngôi mộ trong khu nhà mồ của làng bị kẻ xấu lật tung. Điều đáng nói là trong 12 ngôi mộ này có tới 9 ngôi mộ mới xây và chỉ có 3 ngôi mộ cũ. “Sau khi nhẫn tâm đào mộ người chết lấy tài sản, các đối tượng còn dùng sơn xanh đánh dấu những ngôi mộ mà bọn chúng đã “viếng” để khỏi đào lại mất công”, anh Đinh HNí bức xúc nói.

 Những tài sản bể vỡ hoặc không có giá trị bị bọn trộm bỏ lại.

Được biết, khi phát hiện có vết sơn xanh trên mộ, người dân đã họp lại xóa vết sơn và thay nhau canh giữ mộ để kẻ gian không có cơ hội ra tay. Tuy nhiên, một thời gian sau, lợi dụng lúc người dân trong làng đi làm hết, bọn chúng lại tiếp tục đào mồ người chết. Đám “mộ tặc” thường dùng que sắt để rà soát đồ dưới mồ. Có lẽ, chúng biết được phong tục của người Ba Na khi chia tài sản thường đặt đồ quý ở trên đầu và dưới chân người chết. Chính vì thế, bọn chúng “đánh hơi” rất nhanh một ngôi mộ có đồ quý.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Trần Thành Thưởng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Pơ, cho biết: "Cách đây khoảng 10 năm (lúc huyện Đắk Pơ chưa chia tách từ huyện An Khê), khi còn công tác ở Công an huyện An Khê, tôi đã bắt được một số đối tượng đào mồ mả của người chết để lấy tài sản. Lúc đó, các đối tượng này đã bị khởi tố về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Còn việc truy xét hành vi lấy tài sản quý là đồng đen, gỗ huỳnh đàn hay chiêng cổ thì công an không đủ cơ sở. Bởi khi bị bắt, các đối tượng chỉ mới đang thực hiện hành vi đào mồ mả.

Thời gian vài năm trở lại đây, công an huyện đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân trong các làng xã cảnh giác đối với những đối tượng lạ mặt xuất hiện. Nếu phát hiện kẻ gian thì lập tức báo cáo với xã, huyện để kịp thời xử lý. Các đối tượng mà chúng tôi khoanh vùng chủ yếu là những người đi rà sắt. Trên đường rà sắt, họ phát hiện dưới mộ có đồ cổ nên tiến hành đào trộm cắp. Hiện tượng đào mộ người chết đến nay trên địa bàn huyện Đak Pơ hầu như không còn nữa".

Theo Dòng Đời

Bình luận(0)