Thích ứng linh hoạt
Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về vấn đề tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông. Giải trình tại phiên họp có lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế...
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) nêu băn khoăn của phụ huynh, nếu không cho học sinh đến trường sẽ ảnh hưởng đến quyền được học của các em, nhưng đến trường lại tạo ra sự bất an. Đặc biệt gần đây cử tri lo lắng nhiều đến vấn đề hậu COVID-19 của trẻ em. “Hai Bộ có giải pháp căn cơ gì trong việc học trực tuyến và trực tiếp, để vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, giáo viên?”, đại biểu hỏi.
|
Các đại biểu trao đổi bên lề phiên giải trình. Ảnh: PV
|
Từ khảo sát thực tế khi dịch lây lan rất nhanh gần đây, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Liệu trường học có còn là môi trường an toàn không? Trong khi đó với giáo viên thì phải tăng ca, vừa dạy trực tuyến vừa trực tiếp, rồi vẫn phải làm thêm nhiều nhiệm vụ phát sinh, như tư vấn, cập nhật thêm tình hình cho phụ huynh… “Giáo viên không còn thời gian nghỉ ngơi, còn phía nhà trường thì kinh phí tăng lên trong quá trình phòng chống COVID-19. Nhưng vấn đề này lại chưa có hướng dẫn cụ thể của địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này, giải pháp cho cả trước mắt, và lâu dài ra sao trong bối cảnh hiện nay?”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nêu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc mở cửa trường học, trẻ em quay lại trường là mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội. Ngành Giáo dục rất quyết tâm và có sự phối hợp tốt của các địa phương, nhưng tâm lý lo ngại của phụ huynh cũng còn bộn bề, ngổn ngang. “Dù tỷ lệ tử vong rất ít, nhưng phụ huynh cũng lo lắng, nhỡ tỷ lệ ít đó lại rơi vào con mình thì sao?”, Bộ trưởng Sơn chia sẻ, song cũng nhấn mạnh định hướng nhất quán trong chỉ đạo là phải đưa học sinh quay lại trường. Đến nay, tỷ lệ học sinh trở lại trường đạt trên 88%, tăng gần 20% so với thời điểm trước.
Cũng theo Bộ trưởng, trong khi giáo viên, học sinh rất bản lĩnh, bình tĩnh ứng phó trước dịch bệnh, thì lo lắng lại thiên về phụ huynh, xã hội nhiều hơn. “Việc quay lại trường học sẽ ảnh hưởng, nhưng đây là tình thế buộc phải thích ứng”, Bộ trưởng khẳng định.
“Có nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, phải ứng phó linh hoạt, bao quát. Liệu có phương án nào đầy đủ, toàn diện, đáp ứng được mọi khâu, mọi nhẽ lúc này không? Bây giờ khó có phương án nào đáp ứng được toàn diện như vậy, nên chúng ta phải chọn phương án khả dĩ hơn”, Bộ trưởng Sơn cho hay.
Còn quá sớm để coi COVID-19 là cúm mùa
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đặc biệt quan tâm đến chủ trương mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, nhiều học sinh và giáo viên bị F0, phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường. Đại biểu đề nghị lãnh đạo các Bộ đánh giá về việc mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh hiện nay? Việc cho trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin đến trường liệu có an toàn?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước ngày 1/2, tỷ lệ mắc COVID-19 trẻ em từ 0- 2 tuổi là 3,5%, từ 3- 5 tuổi là 2,7%, từ 6-12 tuổi là 7,9%. “Tỷ lệ trẻ em mắc bao giờ cũng diễn biến nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp”, ông Tuyên nói. Cũng theo ông Tuyên, đến nay chúng ta đã tiêm vắc xin cho trẻ từ 12- 17 tuổi với tỷ lệ mũi một đạt 99%, mũi hai đạt 94%. Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Y tế mua 22 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5- 11 tuổi.
Theo đại diện Bộ Y tế, đến nay, một số người dân có ý kiến coi dịch COVID-19 là cúm mùa. “Chúng tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới, họ cho rằng như vậy là quá sớm. Đến nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chúng ta không thể lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch”, ông Tuyên cho hay.
Về việc đưa học sinh đến trường, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc phòng chống dịch khi đưa học sinh đến trường. Trong đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh để cho học sinh đến trường hay học online.
Hai Bộ đề xuất bổ sung gần 28 nghìn giáo viên
Sáng 25/2, tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cho biết đến nay, số lượng giáo viên mầm non, phổ thông ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên và thiếu 94.714 giáo viên. Qua rà soát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thống nhất tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021- 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tinh giản biên chế ngành Giáo dục không thực hiện theo kiểu cào bằng, mà tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương để đưa ra các con số, giải pháp cho phù hợp. Bộ trưởng ví dụ: Tỉnh Thái Nguyên đề nghị giảm số người hưởng lương viên chức nhà nước lên tới 20%; hay có bộ, ngành còn đề nghị giảm tới 50%, vì họ tự chủ được. Về chính sách tiền lương giáo viên, Bộ trưởng Trà thừa nhận còn những bất cập. “Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương mở ra chính sách cải cách tiền lương rất tốt, nhưng do tác động của dịch COVID-19, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước khó khăn nên chúng ta đang lùi thời điểm thực hiện”, bà Trà lý giải, đồng thời cho biết, sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, đề xuất nâng phụ cấp đối với giáo viên nói chung, trong đó ưu tiên giáo viên mầm non.
LUÂN DŨNG