Đăng ảnh “dàn siêu xe biển xanh Cần Thơ”: Phạt hành chính có đúng?

Google News

(Kiến Thức) -Việc xử lý các hành vi trong vụ việc “dàn siêu xe biển xanh Cần Thơ” cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng áp dụng pháp luật một cách cảm tính…

Liên quan vụ việc “dàn siêu xe biển xanh Cần Thơ” mô hình được tung lên mạng Facebook, Công an TP Cần Thơ đăng tải thông tin cho biết đã xác định được người và mục đích đăng ảnh "siêu xe biển xanh Cần Thơ" lên Facebook. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc, Công an thành phố Cần Thơ đề nghị Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thành Đại (sinh năm 1993, ở xóm 9, Cồn Thoi, Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về hành vi tải hình ảnh này trên diễn đàn mạng xã hội về và đăng lại trên diễn đàn otofun kèm dòng trạng thái “Sắp có biến lớn rồi…”.
Nhiều ý kiến băn khoăn, việc đề nghị xử phạt hành chính với Nguyễn Thành Đại liệu có đúng với hành vi và các quy định của pháp luật?
Dang anh “dan sieu xe bien xanh Can Tho”: Phat hanh chinh co dung?
 Công an Thành phố Cần Thơ cho biết đã xác định được đối tượng và mục đích đăng ảnh “Siêu xe biển xanh Cần Thơ" lên Facebook.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật Hợp danh Thiên Thanh đã có bài viết phân tích dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý về vụ việc trên.
Kiến Thức xin đăng tải nội dung bài viết trên:
“Liên quan đến sự việc dàn siêu xe “đồ chơi” mang biển xanh lùm xùm trên mạng xã hội thời gian gần đây, theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, cơ quan công an thành phố Cần Thơ đã xác định được danh tính của người đã đăng các ảnh chụp dàn siêu xe mô hình nói trên và tiến hành xử phạt hành chính. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an cũng xác định thêm một nam thanh niên cũng từng đăng và chia sẻ bộ ảnh này.
Theo nhận định của một số chuyên gia, hành vi đăng và chia sẻ ảnh nói trên của người dùng mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; hoặc, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự hay Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính theo Điều 226 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, trước khi xét đến chế tài cho hành vi nói trên, cũng cần xem lại liệu hành vi đăng và chia sẻ ảnh trên mạng xã hội với mục đích giải trí, câu “like”, câu “view” như vậy có phải là một hành vi vi phạm pháp luật hay chưa. Chúng ta đều biết, một hành vi chỉ được coi là hành vi vi phạm pháp luật khi và chỉ khi cấu thành của nó thỏa mãn đồng thời các yếu tố: mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể và chủ thể. Trường hợp này có thể không bàn nhiều đến yếu tố chủ thể bởi có thể xác định và “hiểu ngầm” với nhau các chủ thể đều mang đầy đủ năng lực pháp luật và không bị hạn chế năng lực hành vi.
Thứ hai, về mặt chủ quan. Mặt chủ quan của hành vi vi phạm pháp luật là trạng thái tâm lý bên trong của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật, bao gồm các yếu tố lỗi, động cơ và mục đích vi phạm pháp luật. Lỗi gồm hai loại là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, được phân biệt bằng việc chủ thể nhận biết/có ý thức ngăn chặn hậu quả do hành vi của mình gây ra hay không. Động cơ vi phạm pháp luật là động lực tâm lý bên trong thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, còn mục đích chính là kết quả cuối cùng mà chủ thể mong muốn khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đối chiếu với thực tế vụ việc, có thể thấy ngay từ ban đầu, các chủ thể thực hiện việc đăng và chia sẻ ảnh chỉ với mục đích giải trí, câu “like”, câu “view” trên các trang mạng xã hội. Việc thực hiện hành vi này có đem lại hậu quả gì, chắc hẳn các chủ thể không biết/không ý thức được. Điều này được chứng minh rất rõ bởi chỉ khi các cơ quan chức năng vào cuộc, các chủ thể mới nhận thức được hành vi của mình có thể là chưa phù hợp và tự nguyện thực hiện các hành vi khắc phục hậu quả (gỡ bào, xóa bài trên các trang mạng xã hội). Như vậy, phần nào mặt chủ quan của hành vi của các chủ thể chưa thỏa mãn những điều kiện của một hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, về mặt khách quan. Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm pháp luật, bao gồm các yếu tố: hành vi trái pháp luật, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả, thời gian, địa điểm và phương tiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây, có lẽ chúng ta cũng không cần quan tâm nhiều đến các yếu tố thời gian, địa điểm và phương tiện thực hiện hành vi, mà tập trung đến các yếu tố còn lại.
Hành vi của các chủ thể khi đăng và chia sẻ ảnh như vậy có phải là hành vi trái pháp luật không? Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy chủ yếu có hai luồng quan điểm, thứ nhất cho rằng hành vi này là hành vi sử dụng thông tin trái phép trên mạng và thứ hai cho rằng đây là hành vi mang tính chất xuyên tạc, vu khống, nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của cơ quan nhà nước. Bản thân tôi cho rằng cả hai quan điểm này đều có vẻ hơi khiên cưỡng một chút. Tại sao như vậy?
Chúng ta đều nhìn thấy rất rõ nội dung các bức ảnh chụp các siêu xe “mô hình” được gắn biển xanh trong hộc chứa đồ được chụp sơ sài bằng điện thoại. Nhìn qua thì nhiều người có thể nhầm lẫn, nhưng chỉ cần chú ý một chút, chắc hẳn ai cũng sẽ nhận ra sự thật. Cũng vì thế, việc chụp, đăng hay chia sẻ bức ảnh rất “đời thường” này không thể bị coi là việc sử dụng thông tin trái phép.
Chiếc “biển xanh” mô hình không hề nằm trong khả năng và mong muốn của các chủ thể, bởi nó được thiết kế cùng với chiếc xe bởi một chủ thể hoàn toàn khác. Vì vậy, cũng không thể cho rằng khi đăng, chia sẻ ảnh, các chủ thể cũng đồng thời thực hiện việc xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của các cơ quan nhà nước. Bằng chứng là không hề có hậu quả xảy ra, không hề có bất cứ thiệt hại cho bất kì một cá nhân, tổ chức nào. Lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người bị thiệt hại/cho rằng mình bị thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại đã xảy ra.
Thứ tư, về mặt khách thể. Khách thể trong hành vi vi phạm pháp luật là quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi trái pháp luật xâm hại tới. Tuy nhiên như đã phân tích, hành vi của các chủ thể không phải là hành vi trái pháp luật, đồng thời cũng không ảnh hưởng hay xâm hại đến bất kỳ một quan hệ xã hội nào, vì vậy, trong trường hợp này, có thể nói khách thể không tồn tại.
Lời kết: Sự việc đã và đang gây xôn xao trong dư luận, là hồi chuông báo động và cảnh tỉnh cho việc “sống ảo” trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi này cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng áp dụng pháp luật một cách cảm tính, để đảm bảo xử phạt các chủ thể đúng người, đúng lỗi, đúng pháp luật, vừa mang tính răn đe nhưng cũng mang tính giáo dục".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền

>> xem thêm

Bình luận(0)