Bần cùng sinh đạo tặc
Chôn vùi cuộc đời gần 20 năm trong tù tội, dòng máu tội lỗi chảy trong người tướng cướp lừng danh một thời tưởng chừng đã khô cạn. Sự gan lỳ, máu lạnh kết tinh từ những năm tháng lăn lộn giang hồ cướp bóc, bắn thuê… được Lắm “tàu” chuyển hóa thành sự mềm dẻo, kiên quyết, khéo léo trong vai trò anh Đội trưởng trật tự thi đua. Chức danh “đại bàng” trại giam, Lắm “tàu” cũng chỉ sử dụng nó trong nhiệm vụ thiết lập trật tự, giải tán những cuộc thanh trừng, náo loạn giữa những nhóm “đại bàng con” trong tù. Mặc dù chưa gột rửa hẳn tàn tích của một tướng cướp khét tiếng nhưng Lắm “tàu” cũng khát khao con đường hướng thiện, hoàn lương. Để rộng mở con đường làm lại, Lắm “tàu” tích cực lao động, cải tạo, chấp hành mọi nội quy trong trại, sẵn sàng từ bỏ con đường tội lỗi.
Những tích cực cùng sự nỗ lực không ngừng trong cải tạo đã chứng minh khát khao làm lại cuộc đời của Lắm “tàu”. Sau gần 20 năm chịu án, luật pháp nhận thấy Lắm “tàu” dù vẫn khiến giới giang hồ khiếp đảm nhưng đã không còn là nỗi lo cho xã hội. Năm 2001, Lắm “tàu” ra tù trong sự tiếc nuối của không ít đàn em, phạm nhân chịu sự bảo bọc, chăm lo của Lắm “tàu”. Trở về với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không vốn liếng, không anh em thân thích, mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ chỉ đến từ giới giang hồ. “Ra tù, với hai bàn tay trắng. Không có vốn, không ai muốn thuê một người từng có quá khứ quá đáng sợ, tôi thất nghiệp nên rơi vào túng quẫn. Bần cùng sinh đạo tặc, một phần vì đàn em, tôi lại bước chân vào con đường tội lỗi”, Lắm “tàu” nhớ lại.
|
Mãn hạn tù, Nguyễn Văn Lắm đơn độc đợi chờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện để hoàn lương của chính quyền trong căn nhà hoang. |
Theo lời Lắm “tàu”, sau khi ra tù, Lắm “tàu” được đàn em quần tụ, tẩy trần bằng những bữa nhậu chén tạc chén thù. Trong cơn say, vị đại ca được hàng chục đàn em tại địa phương nể phục tỉ tê về sự khó khăn, khổ cực trong cuộc sống. “Đã lỡ làm đàn anh người ta, đàn em kêu khổ, tin tưởng, nhờ vả, mình đâu thể làm ngơ. Muốn giúp, chắc chắn giúp nhưng lấy đâu ra tiền, vàng. Túng quẫn, không có gì làm, tôi lại xách súng đi cướp. Lần đầu, chúng nó dùng ghe chở tôi đi cướp tiệm vàng. Lúc đó, tôi vẫn còn đang mơ màng vì rượu, nằm dưới ghe. Đến điểm hẹn, tại Bình Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tôi cũng lao lên, rút súng đe dọa, lấy tiền vàng rồi trốn. Sau vụ này, tôi có vàng cho thằng đàn em cưới vợ. Nhưng, tôi chưa được xài một cắc nào đã bị Công an huyện Cần Giờ (TP. HCM) bắt giữ”, Lắm “tàu” kể lại.
Sau vụ cướp táo tợn có vũ trang, Lắm “tàu” trở lại trại giam tiếp tục khẳng định thêm vị trí đại bàng của mình. Lầm lỡ, nối tiếp lầm lỡ, tháng ngày trôi nhanh, khi nhận ra chân lý của cuộc sống và khát khao không khí tự do, tóc tên tướng cướp lừng danh một thời nhanh chóng bạc trắng. “Khi nhận ra và thèm được sống cuộc sống của một người bình thường thì tôi đã đi được hơn nửa đời người. Những suy nghĩ mình chưa làm gì có ích cho xã hội, cho gia đình cùng sự hối hận muộn màng liên tục đi qua tâm trí tôi. Tôi chấp nhận cải tạo tốt, không hơn thua, hận thù, ấm ức thời cuộc, con người nữa chỉ biết cố gắng cải tạo để mong đến ngày ra tù”, Lắm “tàu” chia sẻ. Tuy nhiên, khi trở về trong biết bao dự định, toan tính cho con đường hoàn lương, Lắm “tàu” lại rơi vào cảnh bị xã hội chưa sẵn sàng chấp nhận, giúp đỡ mình trong hy vọng làm lại nửa đời còn lại.
Dở dang ngày hoàn lương
Cô độc trong căn nhà mượn, đại ca giang hồ một thời dở dang, cay đắng chia sẻ những hối hận muộn màng, cuộc đời tội lỗi của cuộc đời mình cho giới trẻ. Hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, tuổi đời không nằm trong khung sử dụng lao động, Lắm “tàu” nhiều lúc quắt quay trong đói khổ. Lắm “tàu” cho biết: “Tôi mới thụ án xong 5 tháng nay và trở về trong hai bàn tay trắng. Thời gian thử thách vẫn còn, nên tôi không thể đi xa khỏi địa phương tìm việc. Dù có xin, ở tuổi quá 60 như tôi cũng ít người dám tuyển. Nói thật, nhiều bữa không có gạo ăn, tôi chỉ biết uống nước cầm hơi. Từ sáng đến tối chỉ biết nằm võng “thở oxy” cho hết ngày. Có chăng thì cũng chỉ mấy đứa cháu bà con đến hỏi thăm, mừng cho tôi thụ án xong, được thả tự do”.
Đáng buồn hơn, quá khứ dày đặc những tội lỗi của một người từng mang án tử, khét tiếng cướp có vũ trang, phản động khiến ông trở về trong sự hoài nghi, ngờ vực thậm chí lo ngại của một bộ phận người dân. Sự lo ngại ấy theo ông, thể hiện trong cách người dân nhìn nhận, giao tiếp một cách hạn chế, tỏ ra e ngại mỗi khi ông ngỏ ý kết giao. Lắm “tàu” chia sẻ: “Hàng xóm láng giềng không ít người còn xa lánh, nghi ngờ và không tin tưởng tôi, thậm chí kỳ thị, xa lánh. Tôi hiểu cảm nhận của người dân khi mình từng mang danh tướng cướp có vũ trang, vào tù ra tội. Tuy nhiên, tôi vẫn tin và hạ quyết tâm hoàn lương làm lại cuộc đời. Suốt những năm tháng tù tội, tôi nhận ra và hối hận rất nhiều. Điều khiến tôi hối hận nhất là ngày mẹ mất tôi không được thấy mặt và chưa đóng góp gì cho xã hội, chưa làm việc gì có ý nghĩa cho bản thân, gia đình”.
Mở đầu cho khát khao hoàn lương, sống cuộc sống bình lặng, Lắm “tàu” muốn quay về gắn bó với nghiệp nông dân trồng cây, nuôi cá, thả gà. Lắm “tàu” kỳ vọng: “Tôi đã quá nửa đời, cũng coi như đã trả xong nợ đời, nợ luật pháp, xã hội. Giờ đây, tôi muốn sống cuộc sống bình lặng, an hưởng những ngày cuối đời bằng nghề nông. Ra tù, vẻn vẹn chỉ hai bàn tay trắng nhưng tôi vừa mượn được căn nhà của người bạn cũ bên Lào chưa dùng đến. Tôi dự tính sẽ nuôi thỏ vì trong tù tôi từng nuôi nhiều đến nỗi thấu hiểu tập tính của loài này. Sau đó, tôi định sẽ nuôi thêm gà, thả thêm ít cá để có cái sống qua ngày. Nghĩ là thế nhưng không có tiền. Tôi cũng đã viết đơn xin chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ cho vay vốn nhưng vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi”. Chờ đợi sự hỗ trợ từ địa phương trong sự túng thiếu, nhiều lần ông thoáng nghĩ sẽ nhận sự hỗ trợ từ giới giang hồ. Tuy nhiên, quyết tâm hoàn lương, lánh xa con đường tội lỗi, Lắm “tàu” ngày nào chôn kín uy danh, từ chối mọi lời đề nghị từ chốn giang hồ.
Lắm “tàu” cho biết: “Thú thực, tôi muốn có ít tiền làm vốn để sống qua ngày, thậm chí sống thoải mái không phải là chuyện khó. Với mối quan hệ của tôi trong giới giang hồ, bạn tù cũ nhiều người cũng thành đạt, có người khi nghe tôi ra tù thậm chí đánh xe 4 bánh lên trại giam rước về, tôi có thể sống khỏe khi ra lời nhờ vả. Có người cũng đã ra lời mời tôi đến bảo kê sòng bài, trường gà, vũ trường, bar với số tiền 25-30 triệu/tháng nhưng tôi đều từ chối. Ở đời ân đền, oán trả, cầm tiền của người ta, khi đụng chuyện không thể không ra mặt. Tôi không muốn những năm tháng cuối đời lại phải sống trong cảnh tù tội”.
Khát vọng hoàn lương trong túng thiếu, Lắm “tàu” vẫn kiên quyết chờ đợi sự hỗ trợ từ địa phương. “Mặc dù hoàn cảnh hiện tại có phần bi đát, nhiều người chưa tin tưởng và còn có những suy nghĩ, kỳ thị tôi nhưng tôi vẫn quyết tâm hoàn lương. Mong chính quyền địa phương tin tưởng, sớm có những động thái hỗ trợ tôi để tôi có thể tự chăm lo cho cuộc sống bản thân một cách lành mạnh, tránh xa con đường tội lỗi”, Lắm “tàu” chia sẻ.
Đang tiến hành lập hồ sơ xin vay vốn hỗ trợ
Ông Trịnh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Sau khi biết ông Nguyễn Văn Lắm ra tù, trở về địa phương, chính quyền địa phương cũng đã xuống thăm, vận động ông sống lành mạnh, cố gắng làm ăn, tạo dựng cuộc sống. Về việc hỗ trợ vay vốn cho ông Lắm tự chăm lo cuộc sống, chúng tôi đang trong quá trình làm hồ sơ quỹ doanh nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng đang vận động các mạnh thường quân để có quỹ, có tiền vốn cho ông Lắm vay, giúp ông ta hoàn lương, ổn định cuộc sống”.