Bộ mặt thật của thứ gọi là nghĩa khí giang hồ

Google News

Bảo hoàn toàn bình thường về mặt thể chất, cái biệt danh “mù” của gã là cách đặt biệt hiệu xách mé...

Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1974, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng ảo tưởng về cái gọi là nghĩa khí giang hồ. Mù quáng về điều ấy, gã đã 3 lần chấp nhận đi tù thay cho đàn anh, chỉ đến khi gây ra vụ án cướp mạng 2 người, bộ mặt thật của những kẻ du đãng mới lộ rõ. Đàn anh và đàn em chối phắt mọi liên quan thậm chí còn đổ vấy tội cho nhau.
 Bảo lớn lên cùng việc xách ma túy thuê. (Hình minh họa)
Tội phạm từ trong trứng nước
Bảo hoàn toàn bình thường về mặt thể chất, cái biệt danh “mù” của gã là cách đặt biệt hiệu xách mé. Bởi bố mẹ bảo đều là người tàn tật, bị bệnh thong manh, mắt nhìn rất kém.
Dùng khiếm khuyết của các bậc phụ huynh khoác lên tên đứa con dù rất phản cảm nhưng là việc thường gặp trong giới giang hồ.
Bảo gia nhập vào thế giới du đãng khi mới chỉ hơn chục tuổi đầu. Sớm như vậy, có lẽ bởi môi trường sống và hoàn cảnh gia đình. Nhà gã ở gần xóm liều Thanh Nhàn (khoảng cuối những năm 1990, xóm liều mới giải tỏa, xây dựng công viên Tuổi trẻ ngày nay).
Khu vực khét tiếng về tệ nạn buôn bán ma túy. Ở một nơi phức tạp đủ mọi dạng dân anh chị, lại lớn lên tự nhiên như cái cây ngọn cỏ, Bảo không hư mới là chuyện lạ.
Không phải bố mẹ Bảo không yêu thương con mà bởi họ không đủ sức để quan tâm đến con đúng cách. Bố mẹ Bảo đến với nhau không cần cưới hỏi, chỉ là đồng cảnh ngộ mà xích lại gần nhau. Khi sinh Bảo ra, họ cũng sung sướng như mọi đấng sinh thành khác.
Có điều nuôi dưỡng con không hề dễ dàng với họ. Bố mẹ Bảo chuyên làm tăm tre chỗ một cơ sở dành cho người tàn tật. Bố Bảo sản xuất tăm tre còn người mẹ, vì mắt tinh hơn nên nhận trách nhiệm đi bán dạo khắp phố phường.
Thời đó, làm tăm bằng phương pháp thủ công, hai người cặm cụi tù sáng đến tối, thu nhập vẫn chẳng đáng là bao. Lo miếng cơm manh áo còn khó khăn, mắt mũi thì kèm nhèm, bố mẹ Bảo sao có thể theo sát con từng bước.
Bảo bỏ học lúc nào bố mẹ không hề biết. Đến khi họ phát hiện ra qua thông báo từ nhà trường thì gã đã hư hỏng rồi. Trước đó, Bảo hay lang thang sang khu xóm liều chơi.
Thấy gã nhanh nhẹn lại lì lợm trước tuổi, đám buôn ma túy bèn dụ dỗ, lôi kéo. Đứa nhóc như Bảo, nhà nghèo, bố mẹ tàn tật, gần như không có ai kèm cặp, tránh sao nổi cạm bẫy kiểu “viên đạn bọc đường”.
Được cho ăn, cho chơi, thỉnh thoảng được cho tiền dằn túi, Bảo nhanh chóng sa ngã. Thời điểm bỏ học, gã đã thành kẻ vận chuyển ma túy. Đám buôn "hàng trắng" hẹn địa điểm với con nghiện xung quanh khu xóm liều, rồi sai Bảo đi giao hàng nhận tiền.
Chúng cực kì ranh ma khi lợi dụng những đứa nhóc như Bảo. Nếu có động, nhờ thông thạo địa bàn, đám nhóc sẽ dễ dàng tẩu thoát.
Nếu đen đủi bị bắt, ở lứa tuổi của Bảo cũng không bị xử lý hình sự. Buôn ma túy thu lợi nhuận khủng trong khi đám trùm chỉ phải trả cho kẻ vận chuyển chút tiền “còm” lợi cả đôi đường. Tuy nhiên với đứa nhóc nghèo khổ như Bảo, chút tiền đó là cả một sự thay đổi.
Bảo có thể ăn quà, hút thuốc, chơi điện tử hoặc mua quần áo mới. Sức hút vật chất thật không dễ để cưỡng lại được. Như thiêu thân, gã cứ thế lún sâu vào tội lỗi. Quãng thời gian làm “người vận chuyển”, Bảo may mắn không lần nào dính “nhốt”.
Mà không biết đó là may mắn hay đen đủi. Bởi nếu sớm bị bắt, sớm được giáo dục cải tạo, biết đâu gã còn có cơ hội quay đầu.
Ba lần đi tù hộ đàn anh
Có thể nói không ngoa, Bảo lớn lên cùng dân anh chị, những kẻ coi thường luật pháp. Là kẻ xách ma túy thuê, nhưng lần trả giá đầu tiên lại bởi tội cố ý gây thương tích. Vụ việc cũng không có gì đáng nói.
Chỉ là xích mích nhỏ nhặt nhưng với "máu" du đãng vốn có, Bảo đã vác dao chém đối thủ trọng thương. 20 tuổi, gã lĩnh bản án 4 năm tù. Suốt thời gian gã bóc lịch ở trại số 5 (tỉnh Thanh Hóa) người mẹ chỉ lên thăm một lần.
Không phải bà không muốn đi thăm mà chính Bảo đã ngăn cản mẹ. Gặp mẹ ở nhà thăm gặp của trại, gã lạnh lùng “nhà làm gì có tiền, mắt mẹ lại kèm nhèm thế, đi xa làm gì cho khổ. Con làm thì con chịu, bố mẹ không phải đi thăm con đâu”.
Nói xong, gã đứng dậy đi thẳng dù biết rằng nước mắt đã lăn dài từ khóe mắt mờ đục của mẹ gã. Sự lì lợm, bất cần đã khiến Bảo lọt vào “mắt xanh” của những tay anh chị số má Hà Thành đang thụ án trong trại giam.
Gã ngay lập tức được che chở, bảo bọc và ‘thăng cấp’ giang hồ ngay trong môi trường tù tội. Thực chất, dù đã vài năm lăn lộn cùng những kẻ buôn “cái chết trắng” nhưng đi tù lần đầu, Bảo chưa “đủ tuổi” vùng vẫy trong chốn này.
Tuy nhiên, có các đàn anh chống lưng, Bảo đã trở thành một ‘đại bàng nhỏ’, gây khiếp hãi cho không ít bạn tù. Kẻ đỡ đầu cho gã nhiệt thành nhất là Bin "đen", đại ca khét tiếng khu vực Mai Động (quận Hai Bà Trưng).
Khi còn ở ngoài xã hội, Bin đã biết hoàn cảnh của Bảo. Bin tin rằng Bảo vào thế không có gì để mất, thu nhận đàn em như vậy sẽ rất hữu dụng.
Sự tinh quái của kẻ lõi đời du đãng giúp Bin không nhìn nhầm. Bảo bất cần và bất chấp, gã sẵn sàng trả mọi giá để kiếm đồng tiền tội lỗi. Sau khi chấp hành xong án tù đầu tiên, Bảo trở thành đàn em thân tín của Bin.
Băng nhóm này chuyên hoạt động trong lĩnh vực tổ chức đánh bạc. Bảo thay mặt đàn anh làm mọi việc, từ tổ chức xới bạc, tín dụng cho vay trong sới và cả thu nợ khi có con nợ chây ì. Gã kiếm được tiền, số má cũng tăng vùn vụt.
Tuy nhiên cùng với đó, sự trả giá liên tiếp đến với gã. Thay mặt đàn anh làm việc nên cũng thay mặt đàn anh đi tù luôn. Trước cơ quan pháp luật, Bảo không bao giờ hé răng về Bin “đen”. Gã 3 lần nhận án nữa với đủ các loại tội danh: đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản...
Sự trung thành đến mù quáng của Bảo cũng được đàn anh hậu đãi. Mỗi lần gã ra tù, Bin đều đón tiếp nồng nhiệt, dọn sẵn chỗ cho đàn em trong băng nhóm. Nhưng cái gọi là tình nghĩa giang hồ chỉ thể hiện khi chưa đến bước đường cùng. Lúc đối diện với sự trả giá đắt, mọi loại mặt nạ đều rơi xuống.
Đổ tội lẫn nhau trốn án tử
Ở lần trả án thứ tư, khi ra tù, Bảo đã 36 tuổi. Bin “đen” vẫn “tiền hô hậu ủng” đàn em. Thời điểm năm 2010, “tín dụng đen” là ngạch kiếm ăn chính của nhiều băng nhóm giang hồ. Bin mở cho đàn em một cửa hàng cầm đồ ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).
Mác là cầm đồ nhưng thực chất Bảo được đàn anh giao tiền đổ cho vay nặng lãi. Khu vực này có nhiều dân cờ bạc nên Bảo làm ăn khấm khá. Số thu nợ của gã lúc nào cũng phải có cả trăm “con họ”.
Tiền đóng họ, tiền lãi thu về hàng ngày, gộp lại rồi tiếp tục rải cho vay, đủ hiểu “tiền bẩn” đổ vào túi Bảo và băng nhóm nhiều như thế nào.
Tuy nhiên, làm ăn ở khu vực này, Bảo đã giẫm vào địa bàn của một nhóm giang hồ khác. Băng nhóm đối địch thế lực khá mạnh, kẻ cầm đầu kém Bảo vài tuổi, cũng nhiều lần vào tù ra tội.
Dù biết phía sau Bảo là Bin “đen”, nhóm này vẫn không ngần ngại, thường xuyên quậy phá cửa hàng của Bảo. Vài cuộc điều đình đã diễn ra nhưng không có kết quả. Băng đối địch giữ nguyên yêu cầu hoặc Bảo phải bỏ cửa hàng hoặc phải chia chác lợi nhuận.
Đều là những tay anh chị số má, cả Bin "đen" và Bảo dĩ nhiên không thể chấp nhận sự ngang ngược này. Giữa năm 2012, Bảo cùng vài đàn em phục kích kẻ cầm đầu băng nhóm đối thủ ở một quán ăn trên phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng).
Trong lúc hỗn chiến, nhóm Bảo đã giết chết 2 người, làm trọng thương một người. Bị bắt sau đó không lâu, Bảo biết mình đã gây ra chuyện tày trời. Cướp mạng 2 người, án tử hình rất khó tránh khỏi. Lần đầu tiên, Bảo nhắc đến tên đàn anh.
Gã khai rằng Bin ‘đen’ đã ra lệnh cho mình. Tất nhiên, Bin chối phắt. Phiên sơ thẩm, Bảo bị tuyên án chung thân. Tuy nhiên, phiên phúc thẩm mở cuối năm 2017, xét tính phúc tạp của vụ án với nhiều lời khai không đồng nhất, Tòa đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Thời điểm này, Bảo vẫn đang bị biệt giam để điều tra. Bạn tù từng ở cùng gã cho biết Bảo đã rất mệt mỏi và vô cùng lo lắng cho số phận mình. Gã kể rằng tại cả hai phiên tòa, không còn gì là tình, là nghĩa khí giang hồ nữa.
Đàn anh gã chối bỏ mọi liên quan, còn những kẻ tham gia gây án thì đổ vấy tội cho nhau. Bị nhiều lời khai bất lợi nhất, Bảo sợ mình không thoát khỏi được án tử. Đến lúc này, gã mới nhận ra bộ mặt thật của đàn anh, có lẽ đã muộn rồi.
Theo Việt Văn/Pháp Luật Plus

>> xem thêm

Bình luận(0)