Chìm tàu trên sông Hàn: Người bảo kê chịu trách nhiệm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan đến vụ chìm tàu trên sông Hàn, tàu sai phép vào bến và xuất bến là do Cảng vụ phụ trách thì đương nhiên, ai ký cho tàu xuất bến thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vụ chìm tàu trên sông Hàn, tàu du lịch Thảo Vân 2 chở theo 56 người (bao gồm cả thuyền viên) đi ngắm cảnh thì bị lật chìm xảy ra vào tối 4/6, khiến 3 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tàu chở quá tải (giấy phép đăng kiểm của tàu Thảo Vân cho phép chở tối đa 28 người nhưng tàu chở đến 56 người).
Đáng chú ý, vị trí tàu Thảo Vân 2 xuất bến chỉ cách Cảng vụ Đà Nẵng và đồn biên phòng 50m, ở đây thường xuyên có lực lượng biên phòng Đà Nẵng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: “Có hay không việc bảo kê của cơ quan chức năng để con tàu này hoạt động trái phép?”. Cảng vụ Đà Nẵng chịu trách nhiệm thế nào khi cho tàu xuất bến? Bên cạnh đó, chủ tàu và lái tàu sẽ chịu trách nhiệm ra sao khi để xảy ra vụ tai nạn?
Tàu du lịch Thảo Vân chở quá số người quy định. Ảnh: Tiền Phong.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhìn nhận, Cảng vụ Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn chìm tàu du lịch trên sông Hàn nói trên.
“Tàu vào bến và xuất bến là do Cảng vụ phụ trách. Kiểm tra và ký giấy xuất bến là cảng vụ. Người trực ký trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng người lái tàu không có phép. Tàu du lịch Thảo Vân 2 lại chở gấp đôi số người quy định mà vẫn được xuất bến thì phải có sự bao che của một số cán bộ. Người bảo kê là người giữ chức vụ và cố ý làm trái các quy định gây hậu quả nghiêm trọng nên cần phải làm rõ và xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Về trách nhiệm của chủ tàu Thảo Vân 2 và lái tàu, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu ý kiến: “Chủ tàu và người lái tàu đều phải chịu trách nhiệm. Chủ tàu phải bồi thường. Người lái tàu phải bồi thường và bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm quy định giao thông đường thủy khi điều khiển phương tiện không có bằng lái. Chủ tàu phải xem xét lỗi xem có cố ý thuê người không có bằng hay họ không biết. Việc chở quá số người có biết không để xem xét xử lý? Việc bồi thường phải căn cứ theo thiệt hại được quy định theo các quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận, mấy ngày qua, dư luận cả nước hết sức bàng hoàng trước sự việc chìm tàu du lịch trên sông Hàn, thành phố Đà Nẵng khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có 2 cháu nhỏ. Chiếc tàu bị chìm mang tên Thảo Vân 2, số hiệu ĐNA – 0016, có tải trọng 28 người nhưng cố tình chở quá đến gấp đôi là 56 người. Điều ngạc nhiên là mặc dù chưa được cấp phép vận tải hành khách tuy nhiên Thảo Vân 2 vẫn tiến hành hoạt động bán vé, kinh doanh vận tải một cách ngang nhiên trên sông Hàn.
Luật sư Truyền dẫn giải, Bộ luật Dân sự 2005 tại các Điều 604, Điều 617, Điều 618 có quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, các cá nhân có liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, qua sự việc nêu trên, có thể thấy sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy tại thành phố Đà Nẵng. Đáng nói, sự việc đau buồn này là điều hoàn toàn đã được dự báo trước.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII tháng 7/2015, Biên phòng tỉnh Đà Nẵng đã nêu ra vấn đề tàu cá cải hoán thành tàu du lịch, hoạt động ngang nhiên mặc dù chưa được cấp phép, đã có nhiều trường hợp tàu bị lật bất ngờ, gây nguy hiểm đến tính mạng cho hành khách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều tàu cải hoán hoạt động ngày đêm mà dường như các cơ quan chức năng “không hề hay biết”. Ngay đến việc Thảo Vân 2 đã bị lật và chìm một lần trước đó nhưng vẫn không bị buộc hoàn thiện, nâng cấp, không được quản lý chặt chẽ khiến tai nạn vẫn xảy ra. Đây thực sự là dấu hỏi lớn trong công tác phối hợp liên ngành giữa Sở GTVT và Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng.
Khoản 1 Điều 71 Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định như sau:
“Điều 71. Cảng vụ đường thuỷ nội địa
1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.”
Việc quản lý dịch vụ vận tải khách trên sông Hàn thuộc chức năng của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 71 Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng quy định:
“Điều 72. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ đường thuỷ nội địa
2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển; kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa.
3. Không cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn hoặc cảng, bến không đủ điều kiện pháp lý hoạt động.”
“Qua sự việc trên, thiết nghĩ bên cạnh việc động viên, chăm sóc cho những người bị thiệt hại, nhà chức trách cần vào cuộc một cách quyết liệt để làm rõ các sai phạm để buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình”, Luật sư Truyền nêu ý kiến.
"Truy đến cùng những người có liên quan đến vụ việc này"
Thông tin mới nhất liên quan đến trách nhiệm vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp và tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy Nội địa (Sở GTVT TP Đà Nẵng). Trong cuộc họp này, vị Giám đốc Cảng vụ Đường Thủy nội địa đã nhận trách nhiệm trong công tác quản lý khi vụ chìm tàu xảy ra khiến 3 người chết.
Chiều 6/6, Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho báo chí biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn xảy ra tối 4/6 làm 3 người chết.
Đại tá Trần Mưu cho biết, quá trình điều tra vụ chìm tàu sông Hàn sẽ bắt đầu từ hôm nay và quan điểm của cơ quan điều tra là xử lý đến cùng vụ án. “Ngoài chủ tàu và lái tàu, quá trình điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra tai nạn”, ông Mưu nói.

Vụ chìm tàu trên sông Hàn sẽ được khởi tố theo khoản 3, Điều 212 Bộ luật Hình sự, về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, gây hậu quả nghiêm trọng".
Khi xảy ra vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn, thăm hỏi thân nhân các nạn nhân và làm việc với chính quyền, ngành chức năng thành phố Đà Nẵng. Thủ tướng chỉ đạo, đây là vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Thủ tướng đề nghị điều tra, khởi tố vụ án, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật để răn đe những hành động vi phạm pháp luật.
Về trách nhiệm khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Nhiều ông sẽ phải chịu trách nhiệm, truy đến cùng những người có liên quan đến vụ việc này”.
“Về an toàn giao thông thì đó là trách nhiệm của Sở GTVT. Bởi an toàn khi đăng kiểm phương tiện này là của ngành giao thông. Tàu du lịch Thảo Vân 2 hoạt động chui là rõ rồi, nhưng sẽ phải kiểm tra chui bằng cách nào. Sẽ kiểm tra những người có liên quan đến hoạt động của con tàu này.”, ông Thơ cho hay.
Clip 3D mô phỏng vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn - Nguồn: Zing News:
Hải Ninh

Bình luận(0)