Thông tin tới Quốc hội chiều 5/6, Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong 3 năm (2012-2014), tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường oan, sai. Trong đó ba đơn bị trả lại do không đúng thẩm quyền và không đủ điều kiện thụ lý.
13/19 đơn đã được giải quyết bồi thường với số tiền 1,692 tỷ đồng. 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết.
|
Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình. |
Chánh án tòa tối cao cho biết, việc thương lượng bồi thường, xin lỗi công khai được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Sau khi có quyết định bồi thường, các tòa án đã khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi trả cho người bị hại.
Đề cập một số vụ oan, sai được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm, ông Trương Hòa Bình cho biết: Vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), sau khi thương lượng không thành, ông Phi khởi kiện yêu cầu bồi thường 22 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm đồng ý với mức yêu cầu bồi thường nhưng qua cấp giám đốc thẩm thấy căn cứ không đảm bảo nên hủy án. Vụ việc phải giải quyết lại theo trình tự tố tụng.
Về vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), cơ quan chức năng đã xin lỗi và thương lượng bồi thường cho 10 năm tù oan. Ông Chấn cũng đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỷ đồng và đang làm thủ tục để chi trả.
Còn vụ ông Phan Văn Lá (Long An), việc bồi thường cũng được thỏa thuận với số tiền 470 triệu đồng.
Chánh án TANDTC cũng khẳng định, qua kết quả giải quyết cho thấy việc xét xử cơ bản là đúng pháp luật. Năm 2014, tòa tối cao xem xét một số vụ án của kỳ trước có đơn kêu oan. Chất lượng của các cơ quan tư pháp nói chung, của tòa án nói riêng có chuyển biến tích cực, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Hiến pháp 2013.
“Dù số vụ ít nhưng việc để xảy ra oan sai là điều không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan tố tụng tư pháp, đến công lý tư pháp của nước nhà. Do đó phải rút ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục hiệu quả, vì nó liên quan đến quyền con người, quyền công dân”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.