Việc bà Phạm Thị Ngọt bất ngờ xuất hiện ở những ngày cuối cùng của thời hạn một năm tìm chủ nhân khối tài sản 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa thùng cũ mà người mua ve chai tại quận Tân Bình,TP.HCM phát hiện đã khiến nhiều người đặt câu hỏi sao bà không lên tiếng sớm hơn?
Như đã thông tin, ngày 21-3-2014, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (trọ tại con hẻm trên đường Trần Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) ngồi tháo chiếc thùng loa kiêm đài cátsét mua được từ trước Tết Nguyên đán và bất ngờ phát hiện số tiền khoảng 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa.
Vụ việc hi hữu của người mua ve chai phát hiện khối tài sản lớn này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Chị Hồng đã trình báo, bàn giao khoản tiền trên cho cơ quan công an. Công an quận Tân Bình đã làm thủ tục thông báo tìm chủ sở hữu 5 triệu yen trên.
Theo dự tính, đến ngày 28-4-2015 là hết hạn một năm kể từ ngày ra thông báo, nếu không có ai đến nhận thì công an xem xét cho chị Hồng được nhận tiền.
Tuy nhiên, ngày 24-4 bà Ngọt đã gửi đơn yêu cầu Công an Q.Tân Bình tạm hoãn trao số tiền 5 triệu yen Nhật cho chị Hồng.
Cứ tưởng chuyện không liên quan tới mình (!?)
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-4 về lý do đến “phút chót” mới xuất hiện này, bà Ngọt cho biết năm trước (năm 2014 - PV), bà có đọc một mẩu tin trên mạng nói có người lượm ve chai phát hiện một số tiền yen Nhật nhưng nghĩ đây là chuyện của người ta, không phải chuyện của mình nên không quan tâm.
Khi bà đi làm thì cũng có nghe người này, người kia nói phong thanh chuyện này nhưng bà vẫn không quan tâm bởi bận đi làm cả ngày.
"Đến tháng 3-2015, tôi đọc bản tin trên Tuổi Trẻ online mới thấy đầy đủ thông tin về vụ người lượm ve chai phát hiện 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ.
Lúc này, tôi nhớ lại lúc trước chồng tôi (ông Caleb Afolaxan, quốc tịch Nam Phi - PV) có nói về khoản tiền để quên trong một vật dụng mà ông không thể nhớ ra", bà Ngọt nói.
“Tôi thấy trùng khớp với việc chồng tôi nói nên ngày 3-4-2015, tôi đã trình báo sự việc với Công an Q.Tân Bình. Còn thông tin chính xác về số tiền trên chồng tôi sẽ viết ra giấy gửi về cho tôi đưa công an xác minh”, bà Ngọt cho biết.
Bà Ngọt nói trước đó có lần ông Afolayan Caleb nói cho bà biết có cất một số tiền khoảng 6 triệu yen trong một cái hộp, quyển sách hay tủ nào đó trong mớ đồ đạc lỉnh kỉnh mà ông mang về căn nhà trọ nhưng không nhớ chính xác ở đâu.
|
Bà Phạm Thị Ngọt, người vừa xuất hiện tự nhận mình là chủ nhân của 5 triệu yen trong chiếc loa cũ - Ảnh: Đức Thanh |
Sau đó, nhiều lần bà Ngọt cùng chồng tìm trong mớ đồ đạc của ông nhưng không thấy.
Sau khi chồng về nước, tháng 11-2013 bà dọn nhà và cho ông anh họ bộ loa mà ông Afolayan Caleb hay sử dụng gắn vào máy tính xách tay để nghe nhạc mà không biết trong đó có tiền. Người anh họ này sau đó đã bán bộ loa cho một người mua ve chai.
Cố tình chuyển ngoại tệ trái phép, có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết về nguyên tắc thì bà Ngọt không chỉ phải chứng minh được mình là chủ sở hữu chiếc loa, người anh họ là người đã bán cho chị Hồng chiếc loa đó mà bà Ngọt còn phải có nghĩa vụ chứng minh khoản tiền 5 triệu yen là ngoại tệ được đưa vào Việt Nam một cách hợp pháp.
|
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ |
Theo lời người anh họ của bà Ngọt, ông đã bán bộ loa cho một người mua ve chai bịt mặt nên có thể nói ông sẽ khó chứng minh người mua ve chai đó là chị Hồng.
Về khoản tiền 5 triệu yen giấu trong loa, trường hợp ông Caleb Afolaxan mang số tiền trên vào Việt Nam mà không khai báo theo thủ tục quy định thì số tiền đó sẽ bị xem là không hợp pháp và bị tịch thu.
Hơn nữa, số tiền 5 triệu yen trên quy đổi ra được khoảng 1 tỉ đồng (tiền Việt Nam), là số tiền có giá trị lớn nên nếu tìm cách ngụy trang, giấu giếm để vận chuyển ngoại tệ trái phép qua biên giới thì theo quy định của pháp luật, người vận chuyển còn có khả năng bị xem xét xử lý về mặt hình sự.
Nếu ông Caleb Afolaxan chuyển số tiền trên vào Việt Nam hợp pháp, ông này phải chứng minh bằng các giấy tờ như giấy chuyển tiền từ Nhật về một ngân hàng ở Việt Nam hoặc có giấy rút tiền tại một ngân hàng nào đó ở Việt Nam.
Nếu ông này không còn lưu giấy rút tiền thì có thể yêu cầu ngân hàng tại Việt Nam nơi ông đã rút số tiền trên cung cấp giấy, bằng chứng là ông Caleb Afolaxan đã rút tiền từ ngân hàng của họ bởi ngân hàng nào cũng có sổ lưu.