Anh Nguyễn Văn Ngọc (Thạch Thất, Hà Nội) vô tình bị rắn cắn khi đang làm đồng. Vì cho rằng không phải là rắn độc nên anh không đến bệnh viện mà đã xử lý vết cắn bằng cách tự mình nặn máu độc, sau đó lại tiếp tục công việc đồng áng. Tuy nhiên, vài ngày sau, chỗ rắn cắn bị nhiễm trùng, sốt cao khiến anh buộc phải nhập viện.
|
Ảnh minh họa. |
Lời bàn: Đúng là không phải rắn nào cũng có độc (nếu là rắn độc thì chỗ bị rắn cắn sẽ sưng lên rất nhanh). Tuy nhiên, tốt nhất không nên tự ý xử lý vết thương khi bị rắn cắn như cách của anh Ngọc.
Lý do là ở nước ta có nhiều loài rắn, việc phân biệt giữa rắn độc và không độc là điều không dễ đối với người dân bình thường, vì thế người dân có thể bị nhầm lẫn (tưởng là rắn không độc, nhưng thực tế lại là rắn độc).
Ngoài ra, ngay cả không phải là rắn độc cắn, nhưng chỗ bị cắn nếu không được xử lý sạch sẽ dễ bị nhiễm trùng, lở loét. Do đó, tốt nhất khi bị rắn cắn, chỉ nên sơ cứu rồi đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.