Món ăn, bài thuốc phòng trị cảm cúm

Google News

(Kiến Thức) - Làm gì để phòng chống cảm cúm nói chung hay dịch cúm H5N1 ngoài những phương tiện, văcxin, thuốc của y học hiện đại?... 
 

Cháo tía tô, hành hoa trị cảm cúm. 
Cháo giải cảm cúm: Gừng tươi 5 - 10g rửa sạch thái chỉ; lá tía tô, hành hoa cả rễ vừa đủ thái nhỏ, thịt nạc lợn 20 - 30g băm nhỏ. Gạo vừa đủ nấu thành cháo hoa. Khi cháo chín cho thịt vào đun kỹ, kế tiếp cho gừng, và các gia vị vào trộn đều bắc ra ăn nóng. Ăn xong đắp chăn kín đầu ra được nhiều mồ hôi là khỏi. Món ăn, bài thuốc này có tác dụng khu phong hàn, giải cảm. Là bài thuốc truyền thống trị cúm của rất nhiều nước trên thế giới. Thích dụng cho người cảm mạo phong hàn không ra được mồ hôi, sốt cao, đau nhức  mình mẩy, chảy nước mũi, sợ gió, sợ rét...
Canh gừng giải cảm: Gừng tươi giã nhỏ hoặc thái chỉ 10 - 20g, nấm hương 10g (hoặc nấm rơm, nấm mỡ...), nước, hành gia vị vừa đủ. Cho nấm nấu chín, khi ăn nêm gia vị, gừng, hành đun sôi 1 phút. Ăn khi canh còn nóng, có thể mỗi bữa ăn một bát nhỏ khai vị. Món ăn, bài thuốc này có tác dụng giải cảm hàn, chỉ khái (giảm ho), nâng cao miễn dịch... Dùng cho người bị cảm hàn với các triệu chứng như gai rét, sợ lạnh, chân tay lạnh, ho khan, ho có đờm trong,  nhức đầu, đau mình mẩy, chảy nước mũi, ngạt mũi... Bài thuốc được người  Ấn Độ và Trung Quốc áp dụng phòng trị, cắt cơn cảm cúm, thúc đẩy ra mồ hôi và đào thải cặn bã của cơ thể.
Cháo tỏi: Gạo tẻ , gia vị vừa đủ, tỏi 3 - 5 tép. Tỏi bóc vỏ giã nhuyễn để ra ngoài không khí khoảng 10 phút cho tỏi kết hợp với oxy, chất aliin có trong tỏi thành allicin. Nấu chín cháo cho gia vị và tỏi vào trộn múc ra ăn nóng. Ăn liên tục ngày một bữa cho tới khi khỏi, phòng bệnh tuần ăn 1 - 2 bữa. Bài thuốc có tác dụng, giải độc, sát khuẩn, trị viêm nhiễm đường hô hấp, lợi hầu họng, diệt vi rút cúm. Thích dụng cho người cảm lạnh, cảm cúm, ho sốt, đau họng, viêm phổi, viêm phế quản. Nếu dùng cho trẻ em thì giảm 1/2 lượng tỏi, không dùng cho trẻ nhỏ và sơ sinh.
Ngoài ra, để phòng trị cảm cúm hiệu quả cần giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt. Hằng ngày nên ăn các thức ăn, gia vị có tính tinh dầu, sát khuẩn như gừng, tỏi, bạc hà, tía tô, kinh giới, sả... Vệ sinh răng miệng, mũi họng, bằng nước muối sinh lý, tốt nhất là nước tỏi tươi loãng.
Chú ý: Bài thuốc có tính nóng nên không dùng cho người thừa axit dịch vị dạ dày, người tăng huyết áp, phụ nữ có thai...
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Bình luận(0)