Tôi có chuyện này rất mong được tâm sự với mọi người, hiện tôi đang rơi vào bế tắc khi phải về nhà mẹ đẻ chờ sinh và sẽ không quay về lại nhà chồng nữa.
Tôi lấy chồng được 3 năm, đã có một cháu trai 2 tuổi và đang mang bầu 6 tháng. Hiện tôi đã về nhà mẹ đẻ được 1 tháng và đưa cháu đầu theo cùng. Nguyên nhân cũng vì mẹ chồng ghê sợ, nhiều khi tôi nghĩ bà không bình thường thì đúng hơn, và một phần cũng do chồng tôi quá nghe lời mẹ.
Bây giờ, khi nghĩ lại những ngày sống chung nhà với những người đó, tôi vẫn thấy sợ. Dù đang lấy cớ về ngoại nghỉ dưỡng chờ sinh nhưng thực tế, tôi không còn muốn quay lại nhà chồng nữa. Tôi thực sự tôi thấy sợ căn nhà đó, nó thành nỗi ám ảnh trong tiềm thức của tôi.
|
Từ khi về làm dâu, ngày nào tôi cũng được nghe mẹ chồng đứng chống tay chỉ trỏ, chửi mắng. Ảnh minh họa. |
Mẹ chồng tôi chẳng hiểu sao có tật nói nhiều. Dù không phải làm gì đâu nhưng cứ hễ bước chân xuống giường là bà nói, nói đến lúc lên giường nhắm mắt ngủ mới thôi.
Từ ngày có chị gái chồng về ở cữ sinh con, ngày nào mẹ chồng tôi cũng viện cớ bận bế cháu nội nên không phục vụ được con gái, rồi đổ hết tất cả mọi việc nhà cho tôi dù tôi đang bụng mang dạ chửa và cũng đi làm 8 tiếng mỗi ngày.
Đổ hết mọi việc cho con dâu rồi bà đi chơi và kể xấu. Bà bảo tôi lười, có bầu không chịu vận động nên giờ bà để tôi làm việc nhà cho dễ đẻ. Việc nhà của tôi là, 6 giờ sáng dậy đi chợ nấu ăn phục vụ bố mẹ chồng, chị chồng ở cữ, cho con ăn, chồng tôi tự vào bếp làm đồ ăn, 7 giờ cuống cuồng đưa con đi học và tôi cũng chạy đi cho kịp giờ làm.
11 giờ 30 trưa vội vàng về nấu cho cả nhà chồng ăn, lại phục vụ bà đẻ và 1 rưỡi cuống cuồng đi làm.
Chiều 5 giờ về nhà nào nấu ăn, nào lau nhà, nào giặt quần áo cho 8 người, trong đó một chậu quần áo trẻ con giặt tay. Vậy mà mẹ chồng tôi, ăn không ngồi rồi, lâu lâu lại xuất hiện giơ tay chỉ trỏ.
Làm đủ thứ việc vậy mà đến giờ ăn cơm, nấu món gì bà cũng chê. Nào “Nộm chưa cho đường à? Canh gì mà chua thế? Sao nấu nhiều thế, định để mai đỡ phải nấu à? Đã luộc qua bắp chuối chưa?...”
Quá quen với kiểu soi mói của mẹ chồng nên tôi chỉ im lặng rồi bảo, “Chắc con đảo chưa đều. Mẹ bảo con làm hết đi mà”. Rồi bà lại lớn tiếng quát: “Bảo thế nhưng phải biết nhìn chứ. Cắt ra rổ phải biết thế nào là nhiều, thế nào là ít chứ”.
Mọi việc sẽ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi tôi mang thai gần 5 tháng. Vì làm quá nhiều việc, lại đang mang bầu nên tôi bị kiệt sức ngất xỉu. Vào viện cấp cứu, bác sĩ nhắc chồng tôi và mẹ chồng chú ý không để tôi làm nhiều nữa, mẹ chồng tôi liền ngọt xớt bảo: “Ở nhà nó có phải làm gì đâu, tôi làm hết ấy chứ, có khi nó yếu ấy”.
Bác sĩ lắc đầu gọi riêng chồng tôi nhắc nhở lần nữa. Vậy mà khi về đến nhà, mẹ chồng tôi lại liên tiếp nói nào là “Lười nhác, giả vờ giả vịt. Tao ngày xưa bầu mấy đứa làm quần quật việc đồng việc nhà nuôi con nhỏ có sao đâu. Mới làm có mấy thứ việc nhà đã lăn đùng ra...”
Tôi bức xúc và mệt quá nên dọn đồ về nhà mẹ đẻ ngay trong đêm luôn. Đúng 12 giờ đêm, tôi gọi taxi, bế con cùng về ngoại dù sức khỏe đang yếu. Chồng tôi chạy theo không kịp liền nhắn tin “Cô mà đi thì đừng quay về nhà này nữa”.
Đã thế tôi sẽ đi luôn, mang theo hai đứa con, một đứa còn trong bụng rồi tự nuôi. Dù sao lâu nay tôi cũng thừa sức kiếm tiền nuôi con và cũng phòng thân một khoản kha khá.
Mẹ chồng thì liên tục gọi điện cho bố mẹ tôi chửi bới nhà tôi không biết giáo dục con. Ngày 18/5 vừa rồi, khi vừa đi chợ về, tôi chết điếng khi nghe cuộc điện thoại của mẹ chồng gọi cho bố tôi. “Tôi nói cho ông biết. Con gái ông là cái đứa vô học. Tôi biết ông bà đã cao tuổi rồi, thế nhưng thằng con trai tôi đây vô phước mới lấy phải nó….”
Bố tôi tức quá từ đó không nghe máy bà nữa. Bố tôi bảo, “Tốt nhất là đừng về nhà đó ở nữa. Nếu không ở riêng thì ly dị về đây tao nuôi”.
Mẹ tôi khóc lên khóc xuống bảo, không về đó thì cháu không có bố, rồi hàng xóm láng giềng người ta cười cho. Thực sự bây giờ tôi khổ tâm lắm.
Khi đang đắn đo quay về nhà nội hay không thì đột nhiên, mẹ chồng tôi gọi điện. Vừa mở máy, bà đã xả một tràng liền: “Mày đã ra khỏi nhà tao thì không bao giờ được đặt chân về đây nữa, tao không bao giờ chấp nhận lại con dâu như mày”.
Nghe xong cuộc điện thoại đó, tôi mừng quá. Thế là tôi đã có quyết định chính xác khi bước chân ra khỏi ngôi nhà đó.