Liên quan Dược phẩm Sohaco nhập thuốc kém chất lượng, trao đổi với Kiến Thức, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Thiên Thanh (Hà Nội) nhận định: “Tôi cho rằng việc các doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu, kinh doanh thuốc kém chất lượng đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng sẽ vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc. Tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là khôn lường”.
|
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Thiên Thanh, Hà Nội. |
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, dưới góc độ pháp luật, trường hợp doanh nghiệp đã bị xử phạt về hành vi nhập khẩu thuốc kém chất lượng mà vẫn tiếp tục tái phạm thì khi xem xét áp dụng mức xử phạt, đây được coi là một trong những tình tiết tăng nặng để áp dụng mức xử phạt. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng một số biện pháp như: ra quyết định tạm dừng hoặc dừng nhập khẩu; rút số đăng ký lưu hành của thuốc vi phạm hoặc toàn bộ các thuốc của cơ sở sản xuất, cung cấp thuốc vi phạm; đồng thời có biện pháp xử lý đối với cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp và cơ sở nhập khẩu theo các quy định hiện hành.
"Xin được nhấn mạnh rằng, với những doanh nghiệp nhập khẩu thuốc kém chất lượng thì ngoài việc bị xử phạt theo chế tài hành chính, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Trần Tuấn Anh nói.
|
Chỉ 2 tháng (từ tháng 4/2016 đến này), Sohaco bị xử phạt hai lần cùng "tội'' nhập khẩu thuốc kém chất lượng. |
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cho rằng: “Luật pháp Việt Nam đã quy định rất rõ việc xử phạt đối với các doanh nghiệp cố ý làm trái các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình nhập khẩu thuốc kém chất lượng có ảnh hưởng trực tiếp đến con người, cụ thể là người bệnh, thì đó không chỉ là vấn đề về coi thường pháp luật, mà còn là vấn đề lương tâm của người kinh doanh”.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, mỗi ngày ở Việt Nam, có hàng triệu người bệnh phải sử dụng thuốc để chữa bệnh, thậm chí để níu giữ sự sống. Trong khi Dược phẩm Sohaco là một doanh nghiệp dược tầm cỡ lớn nhất nhì miền Bắc, mỗi năm cung ứng thuốc vào hằng trăm bệnh viện, phân phối tới hàng ngàn cửa hàng thuốc trên khắp cả nước. Người bệnh có thể vô tình mua phải thuốc kém chất lượng của Sohaco đã nhập về thì hậu quả thế nào... Đây là điều ai cũng thấu hiểu!
Như Kiến Thức đã đưa tin, ngày 17/6/2016, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn chỉ đạo về việc cấm lưu hành trên cả nước thuốc Efixime 100DT kém chất lượng (số lô FNB-07, ngày sản xuất 26/9/2014, hạn dùng 25/9/2017, số đăng ký VN-4941-10, do Công ty All Serve Healthcare Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất) của Dược phẩm Sohaco nhập khẩu, do có chất lượng kém.
Trước đó, đầu tháng 4/2016, thuốc Doxicef-100 (Cefpodoxim Proxetil 100mg - có số lô: BE02, NSX: 12/9/2014, HD: 11/9/2017, SĐK: VN-4944-10 do Công ty Pragya Life sciences Pvt. Ltd Ấn Độ sản xuất) do chính CTDP&TM Sohaco nhập khẩu về nước, cũng bị Sở Y tế Hà Nội gấp gáp thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu mô tả và chỉ tiêu định lượng.