Cỗ máy bầu cử xuất hiện từ năm 1945 của nước Mỹ

Google News

Ít ai biết rằng từ năm 1945, ý tưởng về hệ thống máy bầu cử đã xuất hiện nhưng vào thời điểm đó, nó bị coi là ý tưởng điền rồ và thiếu tính thực tế.

Nước Mỹ đang trải qua một đêm khó quên trong lịch sử khi chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2016 đã có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, hiếm ai biết rằng, chiếc máy bầu cử ngày nay vốn xuất phát từ một ý tưởng bị xem là “điên rồ”, được khởi xướng từ những năm 1945.

Bài viết với tiêu đề “Votes by Radio: An Electronic Machine for Opinion Polls?” trên tạp chí Radio-Craft số ra tháng Ba năm 1945 đề xuất một khái niệm hoàn toàn mới, về cách thức người dân thực hiện quyền lựa chọn của mình, an toàn và bí mật ngay tại nhà – thông qua những nút ấn.

Kỹ sư điện Alfred N. Goldsmith là người đã phát minh ra hệ thống máy móc này. Chúng giúp gửi tín hiệu radio từ các hộ gia đình tới trung tâm thu phát vô tuyến trung ương để lập bảng kết quả. Tạp chí Radio-Craft thậm chí còn đăng tải những phác họa đầu tiên mô tả hình dáng của “máy biểu quyết tại nhà” và “trạm máy tính trung tâm thu nhận kết quả”.

Co may bau cu xuat hien tu nam 1945 cua nuoc My
Máy móc trong các phác họa có hình dáng đồ sộ hơn thời điểm hiện tại. Ảnh: Gizmodo.

Theo đó, nguyên lý hoạt động của cỗ máy được Goldsmith giải thích như sau:

Đầu tiên, câu hỏi sẽ được thông báo tới mọi người qua sóng phát thanh tại một địa điểm cụ thể vào khung giờ đã báo trước. Người dân sẽ có một khoảng thời gian suy nghĩ đủ lâu trước khi đưa ra quyết định sau cùng bằng cách nhấn nút từ bảng điều khiển tại nhà.

Tất cả các câu hỏi đưa ra bắt buộc phải ở dạng câu hỏi “Có” – “Không”. Vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ với câu trả lời “Rất tốt” hoặc “Rất xấu”, song điều này hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, sáng kiến tưởng chừng hoàn mỹ này lại không dễ thực hiện vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trang bị những chiếc máy cồng kềnh này ngay tại nhà. Nhiều chuyên gia đánh giá, những cỗ máy của Goldsmith không tồi về mặt ý tưởng, nhưng thiếu tính thực tế. Quyền lựa chọn nếu đã phải bỏ tiền ra mua thì rốt cuộc sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan khác như già – trẻ, giàu – nghèo, nghề nghiệp, giới tính hay tôn giáo…

Ngày nay, nhược điểm trên đã dần được khắc phục nhờ có mạng lưới máy tính kết nối Internet toàn cầu. Thế nhưng, việc sử dụng máy vi tính nhằm phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, thậm chí để giải trí cá nhân vẫn rất nguy hiểm do tiềm ẩn nguy cơ bị can thiệp bởi các nhóm đối tượng xấu.

Theo Minh Minh / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)