Vlog nhảm "lên ngôi" và cách hành xử của cộng đồng mạng

Google News

YouTube là một kênh mạng xã hội khá phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp mang tới thì còn tồn tại nhiều điều tiêu cực, ảnh hưởng xấu.

Vlog nhảm nhí “soán ngôi”, YouTuber hả hê hốt tiền

Cùng với Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo thì YouTube là kênh mạng được nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không phủ nhận lợi ích của YouTube cũng như bao nền tảng công nghệ giải trí khác mang lại. Khởi nguồn của chúng đều mang ý nghĩa nhân văn cao cả: Nhằm liên kết mọi người với nhau, xóa bỏ ranh giới địa lý giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng cách giữa người với người.

Ngoài ra, nhờ có Youtube mà những hành động tốt đẹp được lan tỏa và nhân rộng lên như: Công việc thiện nguyện, chung tay cứu giúp những hoàn cảnh bất hạnh, sẻ chia về bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Cũng nhờ Youtube, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công, phát triển con đường kinh doanh thuận lợi. Hay thông dụng nhất là chúng ta thường dùng Youtube để: Xem phim, xem chương trình truyền hình, nghe nhạc, học nấu ăn, tiếp thu kiến thức…

Hành động nghĩa hiệp của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã gây “bão” cộng đồng mạng những ngày qua khi cứu thoát cháu bé rơi từ tầng 12 của chung cư. Trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”, người anh hùng không kịp nghĩ suy nhiều, lao lên để đỡ cháu bé, "cướp" cháu từ tay của tử thần. Nhờ sự lan truyền từ mạng xã hội mà việc làm của anh Mạnh được nhiều người biết tới. Đoạn clip có tốc độ chia sẻ tới chóng mặt. Mọi người đều ngợi khen tấm lòng tốt bụng, sự gan dạ, dũng cảm của anh.

Nếu chỉ những hành động tốt đẹp, những kiến thức bổ ích được chia sẻ rộng rãi thì chắc chắn xã hội sẽ phát triển theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó là hàng loạt vlog nhảm nhí, dung tục ra đời gây nên hệ lụy khó lường. Lượt xem càng tăng, lượt share càng nhiều thì những Youtuber này càng hả hê "hốt bạc".

Vlog nham

Xuất hiện nhan nhản trên Youtube là những vlog có nội dung phản cảm, thậm chí là gây nguy hiểm. Ảnh chụp màn hình

Trước video trên, bên cạnh nhiều bình luận khen ngợi, tung hô thì có không ít những lời phê bình dành cho Youtuber. Một tài khoản bức xúc chia sẻ: "Anh làm video giúp đỡ người khó đi ạ. Chứ anh làm video này thì nguy hiểm lắm". Hay một tài khoản khác đưa lời khuyên chân tình: "Mong anh làm vlogs về phát triển bản thân như khuyến khích mọi người tập thể dục, gym, lối sống lành mạnh, video động lực... hơn là video troll. Anh là youtuber rất nổi tiếng nên em nghĩ sẽ giúp được rất nhiều người".

Chúng ta chắc chưa quên video troll các em bằng việc cho ăn nồi cháo gà cả con nguyên lông của Hưng Vlog từng khiến dân mạng phẫn nộ. Hay video trên kênh NTN Vlogs có nội dung vô bổ: Thử đốt 100.000 que diêm trong bồn cầu, chế tạo đầu đạn mini…

Khán giả cũng từng rùng mình ớn lạnh trước màn giết chim quý làm thịt của hai anh em Tam Mao, chủ nhân kênh YouTube Ẩm thực Tam Mao. Những vlog trên thể hiện sự lố bích, lãng phí thức ăn, thậm chí gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới người thực hiện.

Không ít những Youtuber bị xử phạt như trường hợp của Nguyễn Văn Hưng bị sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang phạt 7.500.000 đồng. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu Nguyễn Văn Hưng khắc phục hậu quả bằng việc gỡ bỏ video: "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" trên kênh Youtube Hưng Vlog. Hay clip "Thần điêu xào xả ớt" của anh em Tam Mao cũng bị Kiểm lâm huyện Ba Vì phạt 1.500.000 đồng, vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. 

Gần đây nhất là vụ việc hàng loạt các clip có nội dung: “Thầy chùa ăn thịt chó” được đăng tải công khai và chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng. Sự việc chưa được làm rõ thì hàng loạt các Youtuber thêu dệt, “thêm mắm thêm muối” cho câu chuyện. Điều này đã khiến không ít phật tử trong nước và nước ngoài ngộ nhận về tu sĩ Việt Nam. Sau đó, đã xác nhận được nhân vật trong clip chỉ là "thầy chùa giả". Cơ quan chức năng đã yêu cầu các YouTuber nộp phạt hành chính và buộc gỡ các thông tin này.

Theo tìm hiểu của PV, cứ 1.000 lượt xem thì YouTuber nhận về từ 0.3 - 0.7 USD. Theo thống kê từ Social Blade, kênh Hưng Troll có thu nhập từ 12.700 - 202.800 USD/tháng (khoảng 294 triệu – 4,7 tỷ đồng). Kênh Ẩm thực Tam Mao thu về 15.000 – 240.000 USD/tháng (khoảng 350 triệu – 5,6 tỷ đồng). Càng nhiều lượt xem, tiền thu về càng lớn. Thu nhập “khủng” khiến các Youtuber càng bất chất tất cả để làm clip, miễn là có nội dung sốc, độc dị, giật gân.

Không chỉ kiếm được nguồn thu trên YouTube, các chủ kênh còn nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo cho sản phẩm, đi dự sự kiện, tham gia chương trình… Họ nổi lên nhanh chóng từ YouTube chỉ sau một thời gian ngắn.

Hãy là người “share” thông tin có chọn lọc

Vlog nham

Vlog nham

Nhiều người xem để lại ý kiến phản đối ngay dưới những vlog có nội dung nhảm nhí nhưng con số này vẫn là quá ít so với những bình luận tỏ ra thích thú.

Bà Lã Thị Tuyết, 60 tuổi, sống tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. HN chia sẻ: “Lướt mạng, đập vào mắt tôi là những video có nội dung phản cảm, lố lăng. Tôi không hiểu con cháu tôi hằng ngày đang xem những thứ gì? Cứ tình trạng này, những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ bị hủy hoại dần và biến mất”.

Còn anh Trần Văn Long, 42 tuổi, cũng ngụ tại phường Xuân Đỉnh bức xúc cho biết: "Chúng ta thường bàn nhiều về tác hại của những vlog nhảm ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chính chúng ta nếu lơ mà, mất cảnh giác cũng đua đòi, học theo, bắt chước những điều xấu xa đó. Tôi nghĩ cần xử phạt hành chính nặng hơn và có những biện pháp nghiêm minh nhiều hơn nữa".

Vlog nham

Anh Trần Văn Long cho rằng không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng có nguy cơ học hành vi, suy nghĩ xấu từ những vlog nhảm trên Youtube.

Ngoài biện pháp xử phạt từ cơ quan chức năng có thẩm quyền thì mỗi cá nhân phải có nhận thức đúng đắn. Chúng ta hãy nghiêm khắc với chính bản thân, đón nhận thông minh có chọn lọc, nói không với cái xấu xa, phản cảm. Trước khi nhấn nút share (chia sẻ - PV) bài viết, hãy cân nhắc cái được – mất cho bản thân, cho xã hội. Hãy là người “share” văn minh, là người dùng mạng xã hội thông thái.

Đừng biến mình thành nô lệ, thành công cụ truyền tải nội dung thô tục, nhảm nhí, kệch cỡm. Trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta càng phải nâng cao giá trị bản thân, sàng lọc và tiếp cận những điều hay ý đẹp. YouTube là "con dao hai lưỡi" nguy hiểm nếu chúng ta thiếu tỉnh táo!

Theo Ứng Hà Chi/ Doisongphapluat

>> xem thêm

Bình luận(0)