Năm 2024, giới trẻ Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng sáng tạo, độc đáo và mới lạ, đa phần những xu hướng này được tạo bởi gen “Z”.
Trào lưu săn lùng và sưu tập các sản phẩm đồ chơi thiết kế
Các sản phẩm đồ chơi thiết kế này vô cùng đẹp mắt với sự đa dạng biểu cảm, màu sắc và có nhiều phiên bản giới hạn. Ngoài mẫu mã cuốn hút, các sản phẩm đồ chơi còn mang lại cảm giác tò mò và hứng thú cho người sở hữu bằng cách đóng gói chúng trong các túi nhỏ hoặc hộp riêng biệt.
Mở đầu trào lưu săn lùng và sưu tập các sản phẩm đồ chơi phải nhắc đến Labubu, còn được gọi là “quái vật đồ chơi”, được sáng tạo bởi nghệ sĩ Pop Mart Kasing Lung vào năm 2015. Với hình dạng có 9 chiếc răng, mang nét ma mãnh lém lỉnh tinh nghịch nhưng cũng toát lên vẻ vui nhộn và lạc quan.
Ở Trung Quốc và Thái Lan “quái vật đồ chơi” này được rất nhiều người săn đón. Ở Việt Nam, trào lưu này bắt đầu bùng nổ nhờ 1 thành viên của Blackpink (Lisa) đăng tải lên trang cá nhân của cô vào hồi tháng 4. Ngay lập tức mức độ phổ biến của món đồ chơi này ở Đông Nam Á có sự gia tăng nhanh chóng. Mọi người bắt đầu đổ xô đi săn lùng, tìm kiếm mua bán đa dạng mẫu mã về Labubu.
Trên các trang mạng Việt Nam, nhiều người rao bán các sản phẩm Labubu với mức giá cao, nhận đặt hàng đối với những phiên bản đặc biệt. Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ đã tận dụng xu hướng này để bắt đầu kinh doanh.
Khi Labubu trở thành làn sóng cho giới trẻ bắt “trend”, thì người đi đường không khó để bắt gặp những chiếc móc khoá hình Labubu treo trên túi xách, balo… của những bạn trẻ yêu thích sưu tầm đồ chơi nghệ thuật.
Sự thu hút của Labubu không chỉ vì thiết kế dễ thương, mà còn được nhiều săn đón là vì được sản xuất ở dạng “Blind box” (hộp bí mật), điều này làm người mua không đoán trước được có gì bên trong chiếc hộp đó, kích thích sự tò mò và thích thú của người mua. Để sở hữu một vật phẩm phiên bản giới hạn với thiết kế đẹp mắt, khách hàng phải mua nhiều lần và chấp nhận yếu tố may rủi đi kèm.
Thêm vào đó, các sản phẩm trong “Blind box” còn mang giá trị sưu tầm, tính độc quyền, tính giải trí và trải nghiệm với những thiết kế độc đáo và giới hạn, có giá trị cao phù hợp cho việc sưu tầm lâu dài, đặc biệt mang lại niềm vui và sự thư giãn.
Cơn sốt săn lùng Labubu chưa hạ nhiệt thì giới trẻ Việt Nam tiếp tục đón nhận một xu hướng mới là “Baby Three”. Ngoài sự bất ngờ thì sản phẩm này còn thu hút Gen Z nhờ tính sưu tập các phiên bản giới hạn, giá cả hợp lý, nhiều mẫu sản phẩm như búp bê nhỏ xinh với biểu cảm dễ thương như ánh mắt rưng, ánh mắt dora nước… và mùi hương độc đáo khiến người mua thích thú khi “đập hộp”.
Ngoài Labubu, Baby Three thì còn có nhiều kiểu dáng của nhiều nhân vật, động vật khác được thiết kế để làm đa dạng sản phẩm dành cho nhiều đối tượng khác nhau có nhu cầu sưu tầm đồ chơi thiết kế. Những sản phẩm này cũng được đóng túi và hộp để tạo cảm giác phấn khích cho người mua.
Xu hướng Blind box không chỉ phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mà còn cho thấy nhu cầu tìm kiếm niềm vui từ những điều bất ngờ và cá nhân hóa ngày càng lớn trong giới trẻ.
Giải mã ngôn ngữ gen
Ngôn ngữ Gen Z ngày nay là sự kết hợp hài hòa giữa sự sáng tạo, lối nói hài hước và ảnh hưởng từ mạng xã hội, văn hóa nước ngoài. Những từ ngữ, cụm từ này không chỉ phản ánh cá tính trẻ trung, năng động mà còn tạo nên sự kết nối giữa các bạn trẻ trong giao tiếp hàng ngày. Dưới đây là những cụm từ phổ biến và ý nghĩa của chúng:
Từ "ủa" thường được sử dụng để biểu đạt sự ngạc nhiên, bất ngờ hoặc không hiểu một điều gì đó. Mặc dù đã xuất hiện trên mạng xã hội từ lâu, từ này vẫn được giới trẻ sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày.
"Cộng tươi" là từ lóng chỉ những bạn nam có ngoại hình đẹp và thu hút. Cụm từ này bắt nguồn từ clip TikTok của chị Vy Anh - chủ quán mì cay. Với biểu cảm vui nhộn khi có những chàng trai điển trai đến ủng hộ quán, “cộng tươi” nhanh chóng trở thành ngôn ngữ quen thuộc của Gen Z.
"Dưỡng thê" là cách viết lái của từ “dễ thương”, dùng để khen ngợi ai đó hoặc điều gì đó dễ mến, đáng yêu. Cách chơi chữ này tạo nên sự hài hước nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tích cực.
"Kiwi kiwi" xuất phát từ clip TikTok của bạn Duy Best khi khen món nước mới có thương hiệu. Cụm từ mang nghĩa “ngon ngon” này nhanh chóng được Gen Z lan truyền và sử dụng rộng rãi.
"Mắc cỡ quá 2 ơi" được dùng để trêu chọc ai đó khi họ có phát ngôn hoặc hành động gây xấu hổ nhưng vẫn mang tính vui vẻ, tích cực. Trong đó, “2” là cách gọi thân mật dành cho bạn bè hoặc anh/chị em.
"Trôn Việt Nam" là cách đọc Việt hóa của từ "troll", mang nghĩa trêu chọc hoặc đùa giỡn. Xu hướng này được cho là lấy cảm hứng từ chương trình “Just For Laughs Gags”.
"Khum" có nghĩa là “không”, thường được dùng để diễn tả sự phủ định nhẹ nhàng, vui nhộn và ít gây khó chịu cho người nghe.
"Gwen cha na" là phiên âm Việt hóa từ tiếng Hàn 괜찮아요 (gwaenchanh-ayo), nghĩa là "không sao đâu" hay "ổn mà". Cụm từ này trở nên phổ biến sau bộ phim Nhà trọ Waikiki khi nhân vật Joon-ki dùng để trấn an bản thân.
"Flex" trong ngôn ngữ Gen Z có nghĩa là thể hiện, khoe khoang về thành tích, khả năng hoặc tài năng. Từ này thường xuất hiện trên mạng xã hội để thể hiện sự tự tin hoặc niềm tự hào.
"8386" kết hợp ý nghĩa của các con số: 8 (phát), 3 (tài), 6 (lộc). Cụm từ này được Gen Z sử dụng như lời chúc “phát tài phát lộc” và lan tỏa mạnh mẽ qua bộ phim Đi giữa trời rực rỡ.
"Hồng hài nhi" xuất phát từ nhân vật Hồng Hài Nhi trong Tây Du Ký và được dùng để chỉ các mối quan hệ "máy bay - phi công", tức là yêu người trẻ tuổi hơn mình.
"Ngưu Ma Vương" được ví như hình ảnh bạn trai hơn tuổi: mạnh mẽ, quyền lực nhưng yêu thương gia đình hết mực.
"Nhị Lang Thần" tượng trưng cho bạn trai bằng tuổi, mang hình ảnh một người mạnh mẽ, có khả năng nhìn thấu mọi vấn đề.
"Tôn Ngộ Không" được ví với “mấy anh boy phố” tinh nghịch, bướng bỉnh nhưng tràn đầy nghĩa khí và tự do.
"Dịu kha" là từ thay thế cho "dịu dàng", mang ý nghĩa nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng vẫn cuốn hút theo cách riêng.
"Slay" mang nghĩa tích cực như “đỉnh”, “ngầu”, “xuất sắc”, dùng để khen ai đó làm điều gì rất ấn tượng hoặc tự tin thể hiện bản thân.
"Tẻn tẻn" là từ lóng mô tả trạng thái tưng tửng, thích làm trò hài hước, tạo tiếng cười thoải mái, mang lại cảm giác trẻ con và vui nhộn.
"Healing" chỉ quá trình chữa lành tâm hồn và phục hồi cảm xúc, giúp con người vượt qua áp lực để sống tích cực và vui vẻ hơn.
"Manifest" đề cập đến việc suy nghĩ và tưởng tượng về mục tiêu cho đến khi nó trở thành hiện thực, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào những điều tích cực sẽ xảy ra. Đây cũng là từ khóa của năm 2024 do Từ điển Cambridge công bố.