Người Việt có nên tẩy chay phim Hậu duệ Mặt Trời?

Google News

Sau bài viết của nhà báo Trần Quang Thi, làn sóng tẩy chay phim Hậu duệ Mặt Trời đang lan rộng trên mạng. 

Chứng kiến cảnh nhiều bạn trẻ Việt Nam phát cuồng vì Hậu duệ Mặt Trời với hai diễn viên chính Song Joong Ki - Song Hye Kyo và ghép ảnh mặc quân phục giống các nhân vật trong phim này, nhà báo Trần Quang Thi nhắc nhở giới trẻ rằng quá khứ quân đội Hàn đã từng gây ra bao đau thương cho dân tộc Việt Nam. Từ đó, làn sóng tẩy chay phim này đang lan rộng trên mạng xã hội, đặc biệt là những ai vốn không thích phim Hàn và K-Pop.
 
Song, E.K – blogger có fanpage hơn 183 ngàn like - lại đưa quan điểm khác nhà báo Trần Quang Thi. Theo E.K, nội dung phim Hậu duệ Mặt Trời nói về người lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tổ chức bác sỹ không biên giới chứ không liên quan gì đến lính Hàn thời chiến tranh Việt Nam. Quân phục mà diễn viên trong phim mặc là loại được sử dụng chung cho tất cả các quốc gia, chứ không phải của lính Hàn. Vì thế, theo E.K, người Việt cần có cái nhìn thoáng hơn, quan sát và học tập những cái hay từ nhà sản xuất lẫn diễn viên Hậu duệ Mặt Trời thay vì tẩy chay phim.
Xin trích đăng lại bài viết trên fanpage của E.K:
Lịch sử có sứ mệnh của nó. Sứ mệnh của lịch sử là sự thật không được quên lãng. Văn hoá cũng có sứ mệnh, sứ mệnh của văn hoá là không-biên-giới.
Hallyu (Hàn lưu - làn sóng Hàn Quốc) là con sóng lớn với sức mạnh vô song. Nó là cộng hưởng các tần sóng phủ khắp đan xen các lĩnh vực, phục vụ quảng bá văn hoá cùng lúc, thúc đẩy kinh tế tiêu dùng Hàn Quốc. Nó đã to còn dài, dài lâu đến mấy chục năm rồi, cho thấy tầm nhìn chiến lược quốc gia của lãnh đạo Hàn Quốc khi sử dụng văn hoá và khái niệm thần tượng như một thứ quyền lực mềm quyết tâm chinh phục thế giới thông qua việc chinh phục "tình cảm, sự yêu mến". Trong truyện Hoàng Tử Bé, đó chính là triết lý "cảm hoá" của con cáo nói với hoàng tử đó!
Khác và thành công hơn Hít-le với quyền lực cứng là sự đàn áp?
Trước con sóng khổng lồ nay đã lớn mạnh như vậy, người "nông dân" Việt Nam xinh đẹp như này phải làm gi? Xây thành đắp đê chắn sóng? Ôi không, sóng này có thể cuốn phăng cả vạn lý trường thành. Nhưng nếu đón đầu được làn sóng ấy, dùng sức của chính con sóng ấy, như người chơi trò lướt sóng, để vượt lên đứng trên đầu ngọn sóng, há chẳng phải ta có cơ hội vượt qua nó bằng sức nó để tiến ra biển khơi?
Vậy nên hãy mở to mắt ra để quan sát học tập, lao vào tìm hiểu học tập, tìm ra điểm mạnh điểm yếu để học tập và phát triển hơn cả thế, chẳng tốt hơn lôi đau thương quá khứ ra xây thành đắp đê khi chưa đủ hiểu thấu ngọn ngành hay sao? Bởi:
1. Nếu Hậu duệ Mặt Trời là phim về lính Hàn thời chiến tranh Việt Nam, mình ủng hộ 100000% là nên tẩy chay! Nhưng phim này về người lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tổ chức bác sỹ không biên giới. Nhiệm vụ của họ là giúp đỡ mọi người gặp khó khăn trên toàn thế giới. Về lý thuyết, họ còn không đại diện cho quốc gia nào! Quân phục của họ là loại được sử dụng chung cho tất cả các quốc gia, kể cả Việt Nam cũng có người tham gia. Vậy lỗi của họ ở đâu? Thế mới biết đội làm phim đỉnh thật, sâu sắc không mắc tí sạn nào về chính trị, không hiềm khích quốc gia, trong khi vẫn quảng bá được điều họ ẩn ấy.
2. Văn hóa không có biên giới. Kể cả họ có là kẻ thù không có nghĩa cái gì của họ cũng xấu. Các bạn làm tớ nhớ lại hồi cách mạng văn hóa, người ta đập bỏ tất cả những gì liên quan đến phong kiến, đến tư sản. Các bạn chê thời đó dân mình thiếu hiểu biết thế nào thì bây giờ tớ thấy cũng vậy thôi. Theo các bạn thì chúng ta nên tẩy chay văn hóa Hàn? Thế thì tớ đề xuất bổ sung thêm cả văn hóa Trung, Pháp, Mỹ, Nhật. Tóm lại là Việt Nam không được chơi với ai!
3. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nói một câu đại ý thế này: "Tôi thừa nhận trong Thế chiến thứ 2, Nhật Bản có tội. Nhưng không có nghĩa là thế hệ sau của chúng tôi cứ phải cúi đầu xin lỗi mãi". Những người lính Hàn bây giờ không liên quan gì đến quân đội Park Chung Hee và họ chẳng có tội gì cả. Ngày xưa, người dân chúng ta từng giúp đỡ cả những người lính ở bên kia chiến tuyến. Thế mà bây giờ, các bạn nghĩ họ sẽ nổi điên chỉ vì những người không có lỗi gì với họ ư?
4. Mình yêu mến và cảm phục hình ảnh quân đội Việt đến mức mình già như này rồi mà vẫn luôn có thói quen gọi là "chú bộ đội", đi trên đường nhìn thấy xe chở các chú bộ đội đều dừng lại vẫy tay chào. Mình thích đến chơi khu tập thể quân đội ở Lý Nam Đế, nhà bạn mình, để nghe các bác kể chuyện "ngày xưa". Điều mình tha thiết muốn là gì biết không? Là Việt Nam có thể có một bộ phim truyền hình không phải vác trên mình quyển từ điển lịch sử, mà là phim đầy cảm hứng và cảm hoá về đề tài quân đội. Các mẹ ạ, mình có bị sống ảo không?
Và các bạn có biết, fun fact chút thôi, là sau K-Pop, K-Movie, thì "cái gì" là giai đoạn tiếp theo của Hàn Lưu không? Là K-Food đấy ạ! Chính là ẩm thực! Các bạn trẻ lẫn không còn trẻ, các bạn có muốn nắm chặt tay nhau hô "Đoàn kết" để đón đầu con sóng K-Food, mở to mắt quan sát và học tập, tìm hiểu tinh hoa K-Food để có thể làm một-điều-gì-đó có sức lan toả rộng lớn cho V-Food không? Sóng đến, đừng sợ, hãy cưỡi nó!
Mời quý độc giả xem video:
Theo Một Thế Giới

Bình luận(0)