Khách Việt bức xúc vì trang phục Mông Cổ, Tây Tạng tràn ngập Sapa

Google News

"Có khi nào đến một ngày nào đó, du khách tới đây sẽ quên luôn những chiếc váy xòe sặc sỡ của các cô gái Mông, hay người Dao, người Hà Nhì", nữ blogger du lịch người Việt băn khoăn.

Trang phục "ngoại lai" tràn ngập ở "làng người Mông đẹp nhất Tây Bắc"
Được nhiều tín đồ mê du lịch mệnh danh là "ngôi làng người Mông đẹp nhất Tây Bắc", trong những năm trở lại đây, bản Cát Cát đang trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Sapa (Lào Cai).
Tới đây, du khách được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm nền văn hóa dân tộc Mông độc đáo, từ trang phục truyền thống cho tới ẩm thực, tín ngưỡng...
Khach Viet buc xuc vi trang phuc Mong Co, Tay Tang tran ngap Sapa
Du khách Việt lựa chọn trang phục Tây Tạng chụp ảnh ở Sapa (Ảnh: Vũ Anh Thư). 
 
Vốn có nhiều tình cảm với mảnh đất Tây Bắc, nữ blogger du lịch người Việt Nam có tên gọi Jayni thường dành thời gian cho những chuyến đi dài ngày tại đây. Nhưng trong lần trở lại bản Cát Cát lần này, cảm giác háo hức ban đầu lại nhường chỗ cho sự băn khoăn.
"Khi tới bản Cát Cát, tôi thấy rất đẹp. Nhưng sau đó, mọi chuyện bị dập tắt bởi hình ảnh trai xinh gái đẹp xúng xính trong những bộ trang phục ngoại lai như Mông Cổ, Tây Tạng chụp hình check-in.
Đây vốn là bản làng được xem như kiểu mẫu về bảo tồn văn hóa dân tộc, nhưng khiến tôi nhầm tưởng đang ở nước ngoài chứ không còn là Việt Nam nữa. Tôi thấy đây không còn là vấn đề ở riêng Sapa nữa, ở khu vực sông Nho Quế, Hà Giang cũng xảy ra tình trạng tương tự", nữ blogger trải lòng.
Jayni cho rằng, có thể ban đầu chỉ là một vài cá nhân mặc trang phục nước ngoài để chụp ảnh vì thấy đẹp. Nhưng rồi dần dần lại trở thành trào lưu được giới trẻ đón nhận.
Khach Viet buc xuc vi trang phuc Mong Co, Tay Tang tran ngap Sapa-Hinh-2
Nữ du khách trong trang phục dân tộc địa phương (Ảnh: Nhimsoc13). 
 
"Có khi nào đến một ngày nào đó, du khách tới đây sẽ quên luôn những chiếc váy xòe sặc sỡ của các cô gái Mông, hay người Dao, người Hà Nhì hoặc người Tày, Nùng và còn nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác ở đây?", nữ blogger du lịch người Việt băn khoăn.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, khi tới bản Cát Cát, du khách có thể dễ dàng thuê trang phục ở nhiều cửa hàng ngay tại cổng vào với các mức giá khác nhau.
Với mức giá từ 1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng, du khách sẽ nhận được dịch vụ trọn gói từ trang điểm, làm tóc, thuê trang phục và thợ đi theo chụp hình.
"Khách thuê trang phục tại cửa hàng tôi đa phần là giới trẻ. Các bạn chủ yếu thích thuê trang phục Tây Tạng, Mông Cổ hoặc Miêu Cương, để chụp ảnh độc đáo, nổi bật. Ít khách chọn trang phục truyền thống dân tộc địa phương lắm.
Tôi nghĩ đây là sở thích cá nhân mỗi người, nên rất khó tư vấn. Nếu khách chỉ thuê trang phục, không cần trang điểm và thợ chụp ảnh thì giá chỉ từ 200.000 đồng", chủ một cửa tiệm khá có tiếng tại bản Cát Cát tiết lộ.
Khach Viet buc xuc vi trang phuc Mong Co, Tay Tang tran ngap Sapa-Hinh-3
Du khách chụp hình ở bản Cát Cát (Ảnh: Phạm Công Đức). 
 
Về phần mình, theo quan điểm của Jayni, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho du khách bởi nếu không có các cửa tiệm sẵn đồ cho thuê thì khách làm gì có đồ để thuê. Và cũng chẳng thể trách riêng người làm kinh doanh không chọn lọc sản phẩm, bởi chính những bộ đồ cho thuê kiểu "ngoại lai" dường như đang nhận được sự đón nhận hơn cả.
"Tôi cho rằng chính quyền địa phương nên có quy định chặt chẽ hơn tại các điểm kinh doanh du lịch vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn về lâu dài trong văn hóa. Việc du khách mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc cũng là cách tôn trọng văn hóa.
Đi sâu vào trong bản Cát Cát, tận mắt nhìn cách đồng bào địa phương làm ra các bộ trang phục cần sự tỷ mỉ và cầu kỳ thế nào, tôi nghĩ nó xứng đáng được đón nhận, tôn vinh nhiều hơn", nữ blogger thẳng thắn nhận định.
Cùng chung quan điểm, anh Phạm Công Đức, du khách đến từ Hà Nội cho rằng, "phía chính quyền nên đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và du khách".
"Hiện chưa có chế tài cụ thể"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết, chuyện du khách chọn trang phục mang yếu tố nước ngoài để chụp hình đã xuất hiện ở một số địa phương, không chỉ riêng bản Cát Cát. Sở du lịch tỉnh Lào Cai luôn khuyến khích du khách tôn vinh giá trị của trang phục địa phương.
"Chuyện du khách lựa chọn trang phục xuất phát từ nhu cầu sở thích cá nhân. Phía ban quản lý khu du lịch đã nắm được tình hình như hiện chưa có chế tài cụ thể nên chưa thể không cho phép du khách cấm mặc hoặc cấm chụp ảnh.
Trước đó, sở du lịch đã đề cập với tỉnh theo chỉ thị số 13 về những vấn đề cấp bách nhằm phát triển du lịch tỉnh nhà, qua đó tìm những giải pháp tôn vinh giá trị văn hóa, bảo tồn văn hóa", ông Thắng đề cập.
Ngoài ra, vị Giám đốc Sở du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng "cần tạo ra sức hút riêng với trang phục truyền thống để du khách tự nguyện muốn trải nghiệm".
Ngoài ra, du khách tới đây có rất nhiều cách để trải nghiệm nét đẹp văn hóa vùng Tây Bắc và cảm nhận cuộc sống của 25 nhóm ngành dân tộc qua chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên vùng cao Y Tý của huyện Bát Xát...
Theo Quốc Việt (Báo Dân Trí)

>> xem thêm

Bình luận(0)