Việc CLB Hà Nội từ chối đưa Đỗ Hùng Dũng trở lại đội tuyển giống như một dòng chảy ngược với tư duy của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, và chính ông thầy người Hàn Quốc cũng cần thêm những phản biện để trở nên cấp tiến hơn.
Lời hứa từ Hùng Dũng
Trước hết, chúng ta cần hiểu vấn đề một cách nhẹ nhàng. Thầy Park gọi Hùng Dũng lên tuyển là quyết định xuất phát từ 2 phía. Ngay trên bàn mổ, cầu thủ Hà Nội đã hứa với thầy: Nếu tuyển Việt Nam vào vòng loại cuối cùng World Cup, em sẽ góp sức. Ông Park luôn nhớ câu nói đó và thực hiện mong ước của học trò ngay khi chấn thương của Hùng Dũng có dấu hiệu tiến triển.
|
Lời nói của chiến lược gia người Hàn Quốc không còn là thứ có giá trị tuyệt đối. Ảnh: VFF.
|
Có thể coi đó là quyết định mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn chuyên môn. Chắc chắn Hùng Dũng không thể phục vụ được gì cho đội tuyển lúc này, nhưng ông Park muốn anh có mặt như lời động viên cho cả quá trình hồi phục, dự kiến còn rất dài và cũng lắm gian nan. Tấm lòng của ông Park là ở đó.
Ở góc độ huấn luyện viên, ông Park cũng muốn tận mắt chứng kiến và theo dõi tình trạng của tiền vệ quan trọng hàng đầu trong mọi sơ đồ chiến thuật. Hơn ai hết, ông cần có Hùng Dũng trong mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup sắp tới, chứ không phải chiến dịch giành vé đến Qatar gần như đã an bài.
Với đội ngũ cộng sự của mình trên tuyển, HLV Park Hang-seo tự tin có thể mang đến những gì tốt nhất cho tương lai của Hùng Dũng, thông qua việc từng bước điều chỉnh khối lượng tập và cách thức sử dụng cầu thủ này. Nhưng có vẻ như CLB Hà Nội không nghĩ thế.
Bài học từ Đình Trọng và Văn Hậu
CLB Hà Nội chính là đội bóng phải chịu hậu quả nặng nề nhất của “virus tuyển”. Họ mất chức vô địch V.League 2020 và lao đao ở V.League 2021 trước khi giải đấu gián đoạn vì dịch bệnh. Họ phải chia tay HLV Chu Đình Nghiêm sau thời kỳ trăng mật kéo dài đến 5 năm (2016-2021). Có nhiều nguyên nhân, nhưng thứ hay bị nhắc tới nhất là sự mệt mỏi và vắng mặt của các trụ cột, sau khi làm nghĩa vụ ở mọi cấp độ đội tuyển.
Cầu thủ Hà Nội chơi ổn định, sung sức và giành Quả bóng Vàng 2020 - Nguyễn Văn Quyết - thật trớ trêu, lại là người bị HLV Park Hang-seo bỏ rơi trong mọi kế hoạch của ông. Cùng lúc đó, Nguyễn Quang Hải nhiều phần sa sút, Trần Đình Trọng và Đoàn Văn Hậu dành phần lớn thời gian để dưỡng thương. Điểm chung của họ là quá bận rộn với các đợt tập trung và luôn được thầy Park dành cho niềm tin tuyệt đối.
Niềm tin của thầy Park đôi khi được “ngoa dụ” lên rằng chỉ cần Trọng và Hậu có thể đi lại được, thì nhất định họ có tên trên đội tuyển. Nhưng điều đó chẳng hề sai. Ông Park luôn dành những suất giờ chót để chờ 2 cái tên này, bất luận họ có đạt phong độ hay không.
Và điều đáng ngại là trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng, nhà cầm quân xứ Hàn luôn đưa ra những nước cờ đánh cược với thể trạng của Văn Hậu và Đình Trọng.
Đầu tháng 5/2021, Văn Hậu hoàn thành chu kỳ chữa trị chấn thương tại trung tâm PVF, kèm theo lời cảnh báo cần có thời gian dài để thích nghi. Rốt cuộc, sang tháng 6, Văn Hậu vẫn đá cả 3 trận then chốt ở UAE, mang về tấm vé dự vòng loại thứ 3 World Cup. Nhưng sau đó, dù thầy Park cố gắng níu kéo, Hậu buộc phải rời đội tuyển để sang Hàn Quốc phẫu thuật, khi tình hình đã nghiêm trọng hơn với cả sụn chêm, dây chằng và hệ cơ khớp đã có dấu hiệu xơ vữa.
Đình Trọng cũng vậy. Anh bất đắc dĩ vào sân ở trận đấu chia tay vòng bảng của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á năm 2020, sự trở lại đầy gượng ép sau hàng loạt chấn thương mẻ xương bàn chân, đứt bán phần dây chằng chéo trước và giập dây chằng đầu gối trái. Tái xuất quá vội vàng, Trọng phải trả giá bằng cả năm 2020 xa sân cỏ để lên bàn mổ, và cho đến lúc này, thật khó nói ai sẽ trả lại phong độ và tương lai cho trung vệ đẳng cấp như anh.
Khi còn đương nhiệm, HLV Chu Đình Nghiêm đã hơn một lần bày tỏ sự bất bình vì Đình Trọng, Văn Hậu bị vắt sức đến khô cạn. Gần đây nhất, một trung vệ khác là Nguyễn Thành Chung cũng phải nén đau đá với Australia để rồi vết rách bắp đùi tăng từ 4 cm lên 12 cm. CLB Hà Nội đã im lặng trong thời gian rất dài, nhưng với trường hợp của Hùng Dũng, họ đã buộc phải thốt ra lời cự
Điều mà CLB Hà Nội lo lắng không chỉ là cách dùng người mạo hiểm của HLV Park Hang-seo, mà còn ở chính tinh thần của các cầu thủ. Tất cả đều kính trọng thầy Park, nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung, nhưng họ vô tình thúc ép cơ thể mình vượt quá ngưỡng chịu đựng thông thường.
Bởi thế, khi CLB Hà Nội không đồng ý cho Hùng Dũng lên tuyển, không phải họ quay lưng với thầy Park, mà họ chỉ muốn bảo vệ quân nhà tránh khỏi những rủi ro có thể đến từ những nỗ lực chính đáng nhưng vội vã.
Giá trị của luồng phản biện
HLV Park Hang-seo có những lập luận của riêng mình, nhưng chắc chắn ông không phải người thủ cựu, bỏ ngoài tai tất cả lời góp ý. Ông rõ ràng là không hài lòng với những chỉ trích từ bầu Hiển, nhưng ông vẫn lắng nghe và có những đổi mới trong cách dụng binh.
Tuyển Việt Nam vẫn thất bại ở vòng loại cuối cùng World Cup, nhưng đội hình, chiến thuật đã biến hóa hơn, cơ hội cũng được trao nhiều hơn cho một số gương mặt mới. Tư duy ấy cũng lan tỏa sang U23, để lứa trẻ này của Việt Nam dù không được đánh giá quá cao, vẫn giành vé đến vòng chung kết U23 châu Á.
Sự cởi mở là thay đổi rõ nhất của ông Park, sau những luồng phản biện. Nhờ thế, ông nhận diện rõ hơn năng lực của Hồ Tấn Tài, hay mới nhất, bất ngờ đôn Hồ Thanh Minh từ U23 lên đội tuyển quốc gia. Cũng nhờ thế, ông sẵn lòng thỏa hiệp với CLB Hà Nội về trường hợp của Hùng Dũng, để chờ dịp khác hợp lý hơn.
Thành công và vị thế của HLV Park Hang-seo là không cần bàn cãi, thậm chí nó đã trở thành biểu tượng cho giai đoạn vàng son chưa từng có của bóng đá Việt Nam. Nhưng ông Park cũng chỉ là một con người, với những sai lầm, cảm tính. Mà những sai lầm, cảm tính ấy chỉ hiện ra khi chúng ta gặp những đối thủ khổng lồ ở sân chơi tầm cỡ.
Điều quan trọng là ông nhìn thấy hạn chế của mình, dũng cảm thừa nhận nó, hoặc đón nhận những luồng phản biện để lựa chọn quyết sách tốt hơn cho toàn cục. Đấy mới là những phẩm chất cần thiết giúp ông nâng tầm năng lực cầm quân của mình, cũng như nâng tầm đẳng cấp cho tuyển Việt Nam.
Lứa cầu thủ hiện nay của chúng ta có thể đã đạt đến giới hạn về trình độ. Thay đổi họ về chất là điều thật khó. Nhưng thay đổi ông thầy của họ thì lại khả thi.
Với Park Hang-seo đang tỏ ra cầu thị và cách mạng, chúng ta hy vọng có thuyền trưởng giỏi hơn để đi được xa hơn ngoài biển lớn. Đấy cũng là con đường để nghĩ về World Cup 2026 hay một thời điểm cận kề.