Những tiếc nuối trong kỳ SEA Games cuối...
Ở kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp thi đấu, tay đập Phạm Kim Huệ cùng các đồng đội đã không thể giành thành tích như mong muốn. Tấm HCB lần đầu tiên rơi vào tay Indonesia sau 16 năm là một nỗi đau lớn. Bóng chuyền nữ Việt Nam chưa bao giờ để thua Indonesia ở sân chơi khu vực, nhưng trong lần tham dự có thầy ngoại dẫn dắt, lại bại trận.
|
Kim Huệ có kỳ SEA Games cuối đáng quên. Ảnh S.N |
Với riêng Kim Huệ, việc chỉ giành tấm HCĐ SEA Games trong lần cuối chiến đấu trên ĐTQG là một thành tích đáng quên. Cùng với Ngọc Hoa, Kim Huệ đã có gần 20 năm cống hiến cho đội tuyển bóng chuyền nữ, và cô vẫn chưa thể thực hiện được giấc mơ vượt qua người Thái, giờ lại bị Indonesia qua mặt.
Một kỳ SEA Games không thành công khép lại, nhưng lại mở ra con đường khác với phụ công ngân hàng Công thương. Cựu hoa khôi bóng chuyền sẽ tậptrung thi đấu cho CLB, trước khi chuyển sang làm công tác huấn luyện. Huệ cho biết, cô cũng đang lên kế hoạch sinh thêm em bé, khi tuổi đã lớn nhất đội tuyển.
Kim Huệ chia tay ĐTQG sau SEA Games 29 là điều được dự báo từ sớm, nhưng nếu như tay đập người Hà Nội bảo vệ được tấm HCB, thì đó sẽ là một lần cuối nhiều ý nghĩa và có hậu.
|
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh giành HCĐ trong lần cuối tham dự SEA Games. |
Trong khi đó, với Tiến Minh, sự tiếc nuối là điều mà anh thể hiện rõ nhất sau SEA Games 29. Dù đã từng lọt vào tốp 5 thế giới, nhưng Tiến Minh chưa từng một lần có tấm HCV SEA Games. Ở lần cuối cùng tham dự sân chơi khu vực này, tay vợt người TP.HCM có tấm HCĐ an ủi. Tất nhiên, ở tuổi 34 thì thành tích đó cũng là rất đáng ghi nhận với Tiến Minh.
Cái kết có hậu
Trên sân UITM Malaysia, thủ môn Kiều Trinh khóc như một đứa trẻ sau khi tuyển nữ Việt Nam giành tấm HCV SEA Games. Người chị cả của đội tuyển nữ không giấu được những cảm xúc: “Với tôi, đây là tấm HCV ý nghĩa nhất, bởi sau SEA Games này sẽ chia tay ĐTQG. Tôi muốn dành thời gian cho gia đình và bản thân mình, đồng thời nhường đất diễn cho lớp trẻ”.
Kiều Trinh là một trong những gương mặt kỳ cựu còn sót lại từ thế hệ vàng bóng đá nữ Việt Nam. Dù nhiều tuổi nhất đội, nhưng thủ môn CLB nữ TP.HCM thể hiện phong độ ổn định, bền bỉ đến kinh ngạc. Nếu Kiều Trinh không giải nghệ, cô chắc chắn vẫn đủ sức tham dự ít nhất 1 kỳ SEA Games nữa.
Nhưng với Kiều Trinh như vậy là đủ. Thành công, thất bại, vinh quang và cay đắng, cô gái quê Đồng Tháp đều đã trải qua. Kiều Trinh chia sẻ trong sự tiếc nuối khi tuyên bố giải nghệ: “Em đi tập đá bóng từ năm 13 tuổi và lên đội tuyển từ năm 2004 đến nay. Như vậy là đã có gần 20 năm vui buồn cùng trái bóng. Phải chia tay ĐTQG em buồn lắm, nhưng đã tới lúc phải nghỉ để dành đất cho lớp trẻ”.
Ở tuổi băm, nhưng đến giờ Kiều Trinh vẫn chưa có người yêu. Sau chức vô địch SEA Games 29, nhiều người chúc cho thủ thành số 1 tuyển nữ Việt Nam có một cái kết viên mãn, khi sớm lập gia đình và thành công với nghiệp HLV.