Ánh sáng kỳ diệu trên dòng Linh Giang

Google News

Tôi muốn thử gọi tên, một cái tên khác của sông Hương thơ mộng nhất xứ Huế: Linh Giang, để hình dung thêm cảm giác miên man kỳ diệu của nó gắn bó với chiếc cầu quen thuộc.

Sau nhiều biến thiên của lịch sử, chiếc cầu bắc ngang con sông đã thay tên đổi họ biết bao lần.
Thành Thái từng là một trong số các tên gọi của cây cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương. Nó là chứng nhân của tình yêu, của tâm thức con người ở nơi này. Tôi muốn mường tượng một không gian bao bọc quanh chiếc cầu đã giữ gìn ký ức của biết bao thế hệ. Ánh sáng mỗi ngày dường như luôn rải đều sóng sánh trên mặt nước với dáng hình của cây phượng già lâu năm như một biểu tượng, như một mô típ dư ba không thể thiếu được, càng không thể chia tách trong những kết nối hình ảnh về Huế: sông Hương với cầu Trường Tiền, sông Hương với cây phượng già ngả bóng hoa đỏ, và sông Hương với người đàn bà đội nón lá cùng con đò trôi dọc vững mái chèo khua trên mặt nước sóng sánh.
Anh sang ky dieu tren dong Linh Giang
Góc Trường Tiền sương giăng - Ảnh Xuân Lê. 
Một buổi hoàng hôn mùa hè, tôi thẽ thọt với người bạn ngày xưa chung giảng đường nằm đối diện con sông mơ mộng rằng, “hay chiều nay mình sang bờ Bắc, vào thành nội ngắm mặt trời lên từ cầu Trường Tiền anh nhỉ?”. Những ngày này, tôi chợt thấy xứ Huế bỗng dưng lạ lẫm khác biệt khi quan sát từng lớp nắng vàng lấp lánh dao động trên mặt nước, xanh ngắt màu mây. Tôi nhớ, đã khá lâu, tôi ngại rẽ hướng về phía cầu Trường Tiền, qua đập đá, chỉ bởi vì không thuận đường, chỉ bởi vì tưởng mọi thứ ở phố ấy cũng đã xưa và cũ trong nhịp độ phát triển rộn rã, nhanh chóng của đô thị, của những tòa nhà mới, cao ngất bừng lên sức sống ở hướng khác.
Vậy mà, khi Huế vào hè, nắng gió reo vui hớn hở như xứ núi rừng mê mải nào đó thì tôi lại háo hức với ý nghĩ muốn đi về phía đã cũ ấy, để ngó nghiêng tìm kiếm những cảm giác khác hòng khám phá thêm sự tồn tại không có tuổi của dòng Linh Giang. Dù chỉ một cái ngoái lại đằng sau, dù chỉ nhìn từng nhịp cầu trôi qua mắt mình lặp đi lặp lại hệt như những thước phim quay chậm cũng khá đủ để tôi lưu dấu từng góc nhỏ trong chiều tâm thức giao hòa giữa đất trời - sông nước và vũ trụ.
Anh sang ky dieu tren dong Linh Giang-Hinh-2
Hoàng hôn trên sông Hương - Ảnh Phan Thành. 
Tôi cứ ngỡ, mọi hoạt cảnh ấy đã quá quen thuộc với mình, nhưng dòng người, dòng xe hôm nay lạ quá. Dù thật tình chúng đang diễn ra đều đặn từng nhịp theo những âm thanh của phố phường, tiếng còi xe giờ tan tầm công sở. Phố gần cầu Trường Tiền. Phố nối với những cung đường đi bộ thong thả, những bờ cỏ xanh mượt. Phố nối với những nhịp cầu bắc ngang sông như Dã Viên, Phú Xuân. Hay kể cả chiếc cầu Nguyễn Hoàng ở Kim Long đang dần dần hoàn thiện. Và, lẽ dĩ nhiên phố nối với phố lúc nào cũng sôi động náo nhiệt của tất bật áo cơm, của những phút giây chầm chậm bình yên trên khuôn mặt, nụ cười thênh thang của khách du lịch, của người viễn xứ.
Tôi bất giác ngoái lại nhìn những gánh hàng rong đầy sương gió ngày qua ngày ở góc bên kia cầu. Nhiều khi thương mà nhớ. Nhiều khi đượm buồn mà thân thiết gũi gần như ảo ảnh vời vợi về những người đàn bà áo nâu sồng của xứ Huế đã từng trẻ đang già đi dưới vành nón lá kia. Có khi đó cũng là một nét đẹp đậm đà thân thuộc lưu dấu khách đường xa dừng chân ghé lại với Huế.
Anh sang ky dieu tren dong Linh Giang-Hinh-3
 Không gian sông nước giữa lòng thành phố Huế. Ảnh Phan Thành.
Tôi biện giải rằng, những hoang vu giữa chiều hoàng hôn của Huế sẽ khiến tôi biết cách bước chậm lại khi đi qua những nhịp cầu xưa cũ và mới, khi đứng yên lặng ngắm mặt nước sông chảy vào lòng phố Huế. Tôi vừa chạy vụt ngang qua cầu Trường Tiền một lần khác, chỉ để chiều chuộng chút ham muốn được hòa mình vào dấu vết của sự lưu cữu, trầm mặc ở đây. Dù sao đi nữa, nét hoài cổ của Cố đô mới là thứ tâm thức sâu lắng nhất lan tỏa khắp mọi không gian, từ Đại nội kinh thành xưa cho đến dòng Linh Giang, hay sông Thiêng, sông Thơm như một huyết mạch sống còn trong lòng thành phố.
Đôi lần, tôi thèm muốn thứ cảm giác lặng yên chầm chậm bước trong một không gian nhỏ, trên chiếc cầu như nhịp phách tiền trong những cung bậc gõ nhịp lời ca ngâm của Huế, tím biếc lòng yêu của lứa đôi như một thứ dư âm dư ảnh vang vọng mãi mà sang bờ bên kia. Tôi tưởng nhớ, tôi hình dung những ngày mưa sương mờ xám giăng. Một vẻ đẹp mà chỉ những kẻ phiêu diêu trong lòng xứ sở quê hương như tôi mới ham hố muốn ôm trọn, rồi tự mình hưởng thụ hoài niệm, với cái khoái cảm khi lắc lư trên chiếc xích lô lần đầu tiên thuở bé thơ tôi đi qua cầu Trường Tiền và sau đó là bắt đầu quãng đời sinh viên ở giảng đường nằm đối diện công viên 3/2 ở bờ Nam này.
Bây giờ, tôi đang ngắm nghía những phong lưu mơ mộng tuổi trẻ một thời mờ tỏ dưới mặt trời buổi hoàng hôn, qua những nụ cười của từng lượt khách phương xa dừng chân ghé lại, thi thoảng bắt gặp vài ánh mắt đăm chiêu trên chiếc cầu chứa đầy những dấu ấn lịch sử, như một trường ánh sáng có thể sờ chạm đến được. Tôi biết, thi thoảng tôi có những cơn thèm quái đản khác biệt. Dù chỉ là thèm rảo bộ một ngày mưa, một ngày bừng nắng, một buổi bình minh lên hay là khi hoàng hôn rải ánh sáng xuống tòa thành cổ kính.
Tôi phải đi và đếm cho đủ từng nhịp từng vài từ trên cầu, qua bờ Bắc, rồi lại trở về bờ Nam, và sau đó ngồi thở dưới bóng cây của dòng sông thiêng. Hoặc có khi chỉ để thấy cái bóng mờ ảo ảnh của mình tồn tại trong dòng chảy của thời gian, in đậm xuống mặt nước con sông thơm mùi cỏ thạch xương bồ như câu chuyện huyền sử cổ tích xa xưa mà gọi tên thành Linh Giang vậy.
Có khi ngay lúc này, ngày nắng gió xao động không hề có một cơn mưa dù nhỏ, dù bóng mây như những ngày cuối xuân đã qua. Nhưng, tôi lại hình dung thấy dáng dấp của một nữ thi sĩ không phải gốc Huế mà yêu Huế đến nỗi hình bóng chị dịu dàng hòa lẫn trong lòng xứ Huế, với con sông nặng trĩu gánh tình. Bóng chị đôi lần như một giấc mơ đẹp, vừa thực vừa mộng trong cả mắt tôi. Có lần tôi nhìn thấy hình ảnh của chị với chiếc áo dài trắng lướt qua sáu vài mười hai nhịp, tôi muốn chạm tay tới những mộng ảnh ấy, lại ngập ngừng dừng lại, tôi muốn vẻ đẹp kia đừng vội tan biến, như sương mờ của Huế, khi ngày nắng lên.
Lại một ngày khác, tôi tiếp tục chạy ngang mặt sông trên chiếc cầu Trường Tiền xưa cũ trong những thước ảnh đen trắng một thời. Nhưng, thế hệ tôi chỉ có những thước phim màu của chính mình, cũng đã dăm ba lần say men tình như kẻ mộng du trong một vài ký ức nào đó với chiếc cầu sáu vài mười nhịp này thì phải? Đôi khi tôi hoài niệm ký ức, trí tò mò của một đứa bé lần đầu tiên được lang thang cùng cha trên chiếc xe máy ngược đường hơn sáu trăm dặm xa xôi về với quê nội.
Chiếc cầu đã lặng lẽ chơi vơi tạo nên hình dáng những giấc mơ, những đắm mê tuổi trẻ, những yêu thương của tôi một thời và gắn kết đến tận bây giờ, như một chữ duyên, như cái tên cha tôi gửi gắm vào đứa con gái đầu lòng của người đàn ông xứ Huế xa quê vậy. Sự hiện diện của nó không chỉ là dấu ấn của lịch sử, là biểu tượng của thành phố, mà hẳn còn như một câu chuyện tình được kể mãi qua thời gian, qua từng thế hệ.
Mùa hè, những mùa hè xinh đẹp được nhuộm nắng vàng như sắc hoa điệp rơi đầy thành vạt ánh sáng rực rỡ khắp các cung đường trong thành phố, hay ở chính ngôi trường lâu năm, quen thuộc nằm bên bờ sông ấy. Nơi, mà Dòng sông Hương, còn có nhiều tên gọi khác ít người biết đến, như Kim Trà đại giang, hay chỉ đơn giản là Linh Giang, hệt một huyền sử cổ tích nào đó ở xứ Cố đô đang từng ngày đổi thay đầy khởi sắc với việc phát triển, đầu tư cho môi trường, hướng tới một thành phố xanh – sạch – đẹp bình yên.
Tôi quen bước mỗi chiều sau giờ tan tầm, thong thả ghé chân dừng lại bên bờ sông, chỉ để được chiêm ngắm ánh sáng bắc qua những chiếc cầu, rũ xuống đỏ quạch của mặt trời trên dòng Linh Giang. Thứ áng sáng bừng lên giữa hoàng hôn, bất giác khiến tôi hình dung về những hoàng hôn mà dòng Linh Giang dường như gom đủ gam màu ngũ sắc rất riêng hiển thị rõ rệt trong sáng tác, trong nghệ thuật hội họa, trên các công trình kiến trúc cổ xưa và cả trên các sản phẩm thủ công của Huế còn lưu giữ qua sự hiện diện của những làng nghề truyền thống đến tận bây giờ.
Nhưng, có lần tôi muốn chiêm ngắm ánh sáng bình minh, để thưởng thức miền sông thơm bờ cỏ, để mơ một giấc mơ về dòng chảy thiêng liêng giữa lòng thành phố Huế, như một món quà đất trời thiên nhiên ưu đãi ban tặng. Giữa những bất tận miên viễn của tâm tư mình, tôi bỗng dưng nghe tiếng ai đó trong hư ảo ngâm ngợi câu thơ xưa của Cao Bá Quát, “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/Trường giang như kiếm lập thanh thiên”.
Theo Trần Băng Khuê/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)