32 năm bao cấp ở khu tập thể

Google News

Từ năm 1954 đến 1986, gia đình chúng tôi đã trải qua 32 năm cùng sống vui buồn có nhau trong khu tập thể vài trăm người rồi sau đó lên đến hàng nghìn người.

Căn phòng của chúng tôi rộng khoảng 14 mét vuông, tối tăm, không có cửa sổ, ban ngày bước vào luôn luôn phải cầm một cái đèn dầu. Vào tháng 6, tháng 7, nóng hầm hập chĩa vào. Gặp khi trời nồm, cả nền nhà và chăn màn, giường chiếu đều ẩm ướt, bốc mùi mốc. Điện chập chờn, khi có khi không.

Tôi nhớ lại cái mùi hăng nồng, khó thở của khói bếp mùn cưa, ngày ngày thốc vào gian phòng tối tăm. Tôi nhớ lại cảnh buổi sáng, hàng mấy chục người xếp hàng, mặt mày nhăn nhó, vặn vẹo, tay cầm một mảnh báo cũ đùn nhau xếp hàng chờ vào nhà vệ sinh. Tôi nhớ lại những lúc cái máy nước duy nhất chỉ chảy nhỏ giọt và những dãy thau, xô, chậu, cục gạch… xếp thành hàng dài quanh sân.

Anh Hoàng thỉnh thoảng về thăm nhưng không bao giờ ở lâu. Nhà chật, tã lót phải treo trong nhà, bếp lò mùn cưa khói tỏa mù mịt. Bàn ghế không có gì, anh không làm được việc.

[…]

Ngoài công việc ở phòng Tổ chức Cán bộ, tôi còn lo thêm việc săn sóc sức khỏe cho cả khu tập thể hàng mấy trăm người. Vì vậy, tôi túi bụi ngày đêm cho công việc. Các cháu lớn dần lên, vườn trẻ Bộ Tài chính toàn những chị em hết lòng yêu thương các cháu nên tôi rất yên tâm làm việc.

Nhờ có vốn tiếng Pháp, tôi bắt đầu lao vào dịch sách, dịch tài liệu, dịch kịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bạn tôi , anh Th.V., đã tìm được cho tôi một việc: Dịch quyển Bách khoa Toàn thư về kịch trên thế giới. Anh phân công tôi dịch tác phẩm của Shakespeare, của Henrik Ibsen, của Molière, La Fontaine, Corneille, Racine…

Bản dịch gồm có tóm tắt câu chuyện, tóm tắt đời tác giả… Tiền công dịch người giới thiệu được hưởng 65%, tôi được 35%. Vậy là đã hạnh phúc thần tiên rồi! Khi nhận được một ít tiền dịch, tôi dắt các con ra ăn kem Tràng Tiền, nhiều tiền hơn một tí thì ra tận Bờ Hồ hưởng làn gió mát và ăn một loại kem thơm ngon hơn, mềm mại hơn!

Để hiểu cách sinh sống của cán bộ thời bao cấp, các bạn hãy tưởng tượng một bức tranh như thế này nhé: Một ngọn đèn điện lập lòe, một cháu bé nằm trên một chiếc giường nhỏ, cạnh đó là người đàn bà đang chăm chú ngồi dịch.

Ngồi xệp dưới đất là cháu trai khoảng sáu tuổi. Trước mặt xếp một hàng dài những phong bì đã được mở cả bốn góc. Cháu cúi xuống lấy một đoạn nhỏ của thân cây chuối đã đập dập, nhúng vào một xoong bột nhão và cứ thế phết vào các cạnh của phong bì. Xong một dãy dài, cháu bê đặt trên giường và tiếp tục những xếp phong bì khác.

Người đàn bà quay lại, vội vã dán các cạnh phong bì lại với nhau. Đó là công việc của mấy mẹ con tôi từ ngày này sang ngày nọ, từ tuần này sang tuần khác mỗi khi may mắn nhận được một hợp đồng của nhà bưu điện. Cứ một nghìn phong bì thư thì được 1 đồng. Nhiều đêm mệt quá, tôi ngủ thiếp, đầu dựa bàn, Phước con tôi ngủ còng queo dưới đất.

32 nam bao cap o khu tap the

Một trang trong sách Thương nhớ thời bao cấp. Ảnh: Nhã Nam.

[…]

Hà Nội bắt đầu chế độ tem phiếu. Nhà tôi được phát năm thước vải một năm và ưu tiên cho cán bộ kháng chiến được thêm hai thước lụa ta tăng đen. Lương ít ỏi để nuôi ba miệng ăn nên tôi cũng không đủ tiền để mua hết vải phiếu và thường phải bán phiếu vải để lấy thêm tiền mua gạo, mua rau.

Chỉ nhận được 12 kg gạo, 3 lạng thịt, nửa cân đường một tháng, hai con tôi lúc nào cũng đói. Mua hàng theo phân phối cũng không phải dễ dàng. Nửa lít gọi là nước mắm, là một thứ nước màu nâu, mặn chát và lúc nào cũng có mùi thum thủm.

Tôi nhớ đến anh Đ.V.V. Có một hôm, anh V. xếp hàng cùng tôi để mua cá. Cô mậu dịch cầm xẻng xúc một đống lổn nhổn đầu cá, thân cá và một tảng băng đá ướp cá lên bàn cân.

Anh V. kêu lên: “Nhiều đầu cá quá”. Phải có tài nịnh nọt mãi may ra cô bán thịt mậu dịch mới bán cho mỗi tháng 200 gram thịt ba chỉ có tí mỡ và một rẻo sườn heo hay vài cái móng chân giò.

Da heo được lạng ra riêng, luộc kỹ, cắt từng ô vuông một, trộn muối vào để thỉnh thoảng cho vào xào với rau. Thịt mỡ cũng để riêng, rán lên và là món quý nhất. Đến nỗi, không dám lấy thìa đụng vào mà mỗi lần xào nấu là dùng một thân bẹ chuối đập dập, nhúng qua lọ mỡ rồi xoa khắp mặt chảo.

Vài cái tóp mỡ là những món ngon tuyệt vời cho các con. Những mẩu thịt còn lại thì băm kỹ, cho muối vào để dành nấu cháo, nấu bột cho các con.

Vậy mà cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ ra đủ cách: Ngâm đậu xanh thành giá, ngâm bột mì làm giò chay, làm bánh xèo không thịt để mời nhau ăn, tấm tắc khen ngon.

Mỗi tháng, mậu dịch đem gạo, mì vào khu tập thể. Bất kỳ công việc gì, đang họp hành, quan trọng đến đâu mà nghe hô “Mì về!” lập tức mọi người ù té xuống bao vây quầy gạo. Nhanh tay thì được cọng mì nguyên vẹn, chậm chễ chút thì chịu cảnh vét mì vụn lẫn sạn.

Chồng tôi thường vắng nhà mà lương anh cũng không dư dả gì. Mỗi lần về thăm, nếu ăn cơm, anh đưa cho tôi hai phiếu gạo và vài đồng tiền lẻ để trả tiền cơm cho anh và người cần vụ đi theo.

Cứ như thế, niềm vui và nỗi khổ xen nhau.

Theo Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)