Tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2020: “Giáo dục bền vững trong Kỷ nguyên số” (Vietnam Educamp 2020) do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Lê Thống Nhất cho rằng, xã hội hóa làm sách giáo khoa có quá nhiều rủi ro.
“Sau khi thẩm định 2 vòng của đợt 1 thì cả 3 quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 không quyển nào Đạt. Ngày 15/11 bắt đầu nộp đợt 2, nhưng nếu trường hợp tiếp tục vẫn không có quyển sách nào “Đạt” thì sao? Nếu vậy, sang năm học sinh của chúng ta học sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 nào?”.
Chưa nói đến thẩm định, thì thực tế với riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm trước có 4 quyển sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Nhưng lần này họ chỉ làm 2 cuốn, như vậy sẽ có những quyển mà lớp 1 được chọn dùng nhưng không có ở lớp 2.
|
PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
|
“Rồi mai kia, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc nhà xuất bản còn lại quyết định không làm một số môn vì không ăn thua thì những môn đó chúng ta lấy đâu ra sách giáo khoa để dạy học”, ông Nhất nói và cho rằng phải xem chừng khi để cho khối tư nhân đảm nhận việc này.
Về vấn đề này, PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng Bộ luôn quan tâm đến.
"Ngay từ năm 2018, khi chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đến Việt Nam làm việc. Trong 2 tuần, họ đi thăm tất cả các nhà xuất bản và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra 4 kịch bản. Và tất cả những chuyện đang diễn ra này đều đã được tính trước và họ đã phân tích cho chúng tôi, kể cả những phương án tối ưu nhất.
Họ tư vấn giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện làm một bộ sách giáo khoa. Nhưng đó có thể không hẳn là phương án tối ưu. Chúng ta nhìn thấy hiện nay, chương trình lớp 1 có 5 bộ sách đảm bảo đáp ứng được cho tất cả các nhà trường - điều có thể nói là kỳ tích của Việt Nam khiến tất cả các nước đều ngạc nhiên. Họ nói đây là một nỗ lực phi thường", ông Vinh nói.
Hội đồng thẩm định làm việc nghiêm túc, khắt khe hơn
Trước lo ngại của dư luận, chia sẻ với VietNamNet, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, ở đợt thẩm định lần 1, có 5 môn có bản thảo sách giáo khoa chưa Đạt. Song, môn Tiếng Việt đặc biệt hơn cả khi cả 3 bản mẫu sách được đề nghị thẩm định thì đều chưa Đạt.
Lý giải về điều này, vị này cho rằng đến từ nhiều nguyên nhân. “Nguyên nhân thứ nhất là bởi Tiếng Việt là môn được thiết kế có số tiết nhiều nhất. Ví dụ các môn khác khoảng 35 tiết thì trong cùng khoảng thời gian chuẩn bị, sẽ được là chỉn chu hơn; trong khi sách Tiếng Việt đến 350 tiết, gấp đến 10 lần sách của một số môn khác.
Rút kinh nghiệm của sách giáo khoa lớp 1, chúng ta phải làm tỉ mỉ hơn. Cho dù những chi tiết hơi “gợn”, hội đồng thẩm định vẫn yêu cầu tác giả điều chỉnh. Đó là lý do chính.
Nếu như năm vừa rồi, có thể có những sách có “gợn” nhỏ đó nhưng vẫn qua được. Còn lần này hội đồng thẩm định xác định thà vất vả thêm nhưng đảm bảo chất lượng hơn. Còn nếu nói chất lượng bản thảo sách giáo khoa lớp 2 thấp là không phải”.
Vị này cho rằng, điều đó là dấu hiệu cho thấy hội đồng thẩm định đã làm việc nghiêm túc, thậm chí khắt khe hơn. Song cũng vì vậy mà khoảng thời gian 1 tháng để sửa các sách này ở đợt là gấp gáp.
Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, về mặt lý thuyết vẫn có thể xảy ra chuyện không có sách nào vượt qua thẩm định sau cả 2 đợt. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm hoàn thiện của các tác giả, khả năng có sách là hoàn toàn khả thi.
Chưa kể, theo vị này, có rất nhiều cuốn sách chưa kịp nộp để thẩm định vào đợt 1 và bắt đầu tham gia ở đợt 2.
“Như vậy, ở đợt thẩm định lần 2 có 2 đối tượng: thứ nhất là số sách chưa kịp tham dự đợt 1; thứ hai là những cuốn sách tham dự đợt 1 vừa qua nhưng chưa Đạt. Đương nhiên những cuốn sách tham gia thẩm định lần đầu từ đợt 2 thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn về thời gian bởi để kịp năm học”.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận hồ sơ bản thảo sách giáo khoa đề nghị thẩm định vào đợt 2 đến hết ngày 30/11. Sau đó sẽ tiến hành vòng 1 của đợt thẩm định thứ 2 trong 15 ngày, vòng 2 diễn ra trong 15 ngày cuối của tháng 12.