Định cư ở Mỹ đã lâu nhưng bà Đặng Thị Thanh Hằng vẫn luôn dõi theo tin tức quê nhà. Đọc báo Điện tử Kiến Thức và biết đến
hoàn cảnh ông Đoàn Nở (thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), bà cảm thương sâu sắc với người du kích địa phương bị tra tấn đến mù mắt, dẫu đã già vẫn nuôi vợ con đang đau ốm.
|
Bà Đặng Thị Thanh Hằng trở về Việt Nam hỗ trợ cho gia đình ông Đoàn Nở. |
Từ Mỹ, bà Hằng gửi thư và quà về tặng. Bà cẩn thận gói vài thang thuốc bổ, hi vọng ông Nở giữ sức già để làm trụ cột cho gia đình. Ngày 30/4, từ bang Cali (Mỹ) bà Hằng đáp máy bay xuống thành phố Hồ Chí Minh rồi đón xe ra Quảng Nam lần tìm địa chỉ nhà ông Nở. Nhà ông ở tận đồi cát của xã biển Tam Hòa, bà đón xe ôm cố tìm tới tận nơi. Bà Hằng chia sẻ “Tôi đi xe ôm thôi, đi taxi đắt lắm để tiền đó hỗ trợ người nghèo”.
Bà về thăm ông 3 ngày và xin ở lại cùng ăn cùng ngủ trong ngôi nhà tranh của gia đình ông Nở để cảm nhận nhiều hơn về cái khổ của ông.
Bà Hằng rớt nước mắt: “Từ nhỏ tới lớn, tôi sống trong gia đình giàu có chưa phải lo gì. Cha và chồng tôi di cư qua Mỹ lâu rồi nhưng khi đọc hoàn cảnh khó khăn của một du kích như vậy tôi thương và khóc nhiều lắm. Tôi quyết định phải về làm gì đó để giúp gia đình này”.
|
Bà Thanh Hằng ngoài mua vật dụng mới cho gia đình ông Nở còn hỗ trợ mỗi tháng 100 USD |
Nhìn ngôi nhà tranh tre tềnh toàng, đến chiếc giường ngủ cũng mục nát, quần áo vá chùm vá đụp, bà Hằng liền mua ngay vài bộ áo mới cho cả ba người trong nhà, rồi tự tay mua chiếc giường nệm, chăn mền mới để ông nằm được thẳng lưng. Ngoài ra, mỗi tháng bà sẽ hỗ trợ gia đình 100 USD để vợ con ông Nở có thể điều trị bệnh và duy trì cuộc sống.
Cầm trên tay bịch sữa do bà Hằng mua tặng, ông Nở xúc động: “Từ hồi nào tới giờ lo cái ăn chưa đủ nên nay mới biết sữa là gì, tôi thật cảm ơn bà Hằng lắm, nhờ lòng hảo tâm của bà mà nay nhà tôi có chỗ ngủ đàng hoàng hơn, quần áo tươm tất hơn”.
Cũng qua đây, ông Nỡ gửi lời cảm ơn báo Điện tử Kiến Thức đã đưa tin để bạn đọc kịp thời chia sẻ cảnh khốn khó của gia đình mình. Mong sao những chia sẻ “một miếng khi đói” ngày càng được nhân rộng hơn.