Những thân già bám phố mưu sinh

Google News

Hà Nội tráng lệ, hiện đại và sầm uất. Nhưng ẩn sâu trong nó là nhiều những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn phải bám phố mưu sinh.

- Hà Nội tráng lệ, hiện đại và sầm uất. Nhưng ẩn sâu trong nó là không ít những mảnh đời bất hạnh. Rất nhiều những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời, đã có cháu, chắt nhưng vẫn phải bám phố mưu sinh.

"Tôi là người quản lý các cụ"

Tôi rong ruổi khắp các khu phố ở Hà Nội trong nhiều ngày để tìm gặp những cụ già đi bán hàng rong. Tìm họ không khó nhưng thời gian các cụ dành cho tôi thì rất ít. Bởi lẽ hằng ngày các cụ đi làm từ rất sớm, tối mịt mới về khu trọ. Phố Nguyễn Phúc Lai, khu Hoàng Cầu, Hà Nội là nơi có nhiều cụ già ở trọ ban đêm và đi bán hàng rong ban ngày nhất.

Chúng tôi đến một dãy nhà trọ trong con ngõ nhỏ phố Nguyễn Phúc Lai. Thấy tôi hỏi chuyện, cụ Trần Thị Biên ngồi dậy bảo: "Hôm nay tôi mới ở Thanh Hóa ra mệt không đi bán hàng được. Tôi đã ra đây bám phố mưu sinh, bán hàng rong được 7 năm. Theo tôi biết thì khu vực nội thành Hà Nội người đi bán hàng rong hầu hết là người ở Quảng Xương, Thanh Hóa".

Thấy chúng tôi hỏi chuyện cụ Biên, một cô gái trẻ tự xưng là chủ phòng, xua tay không cho cụ Biên nói. Trên tay cô cầm một xấp tiền. Cụ Biên rỉ tai tôi bảo chỗ tiền đó được nộp từ những người bán hàng rong. Thấy chúng tôi to nhỏ, cô gái bảo: "Đây là phòng của tôi, tôi không muốn cho người lạ vào".

Tôi đưa thẻ phóng viên ra nói muốn tìm hiểu về cuộc sống của các cụ già đi bán hàng rong, thì cô gái đó lên giọng: "Các anh viết bài thì cũng không thay đổi được gì đâu. Tôi là người quản lý các cụ nơi đây, tôi không muốn cho các anh hỏi chuyện". Nói rồi cô gái đóng sầm cửa lại.

Nhiều cụ già bán hàng rong có số phận hẩm hiu.
Nhiều cụ già bán hàng rong có số phận hẩm hiu.

Đói thì đầu gối phải bò!

Cụ Lê Thị Phiên 70 tuổi, xã Quảng Lưu, Quảng Xương Thanh Hóa có thâm niên đi bán hàng rong 12 năm ở Hà Nội. Cụ Phiên bảo: "12 năm qua dầm mưa, dãi nắng để kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người. Khổ nhục, vất vả lắm. Nhưng cũng vì cuộc sống nghèo khó, phải  phơi mặt mưa nắng kiếm đồng tiền. Tôi sinh được 4 người con (hai trai, hai gái) cuộc sống dựa vào mấy sào ruộng không đủ ăn. Dù già rồi nhưng đói thì đầu gối phải bò thôi!".

Còn cụ Đới Thị Đồng 72 cũng quê Thanh Hóa bùi ngùi: "Cuộc đời tôi là những tháng ngày bất hạnh. Năm tôi 25 tuổi, chồng bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền đưa đi bệnh viện chữa trị. Đành nằm ở nhà chịu chết. Ông ấy mất đi để mình tôi với hai đứa con. Nhà tôi được vài thước ruộng nhưng khốn khổ vì gần biển nên bị ngập mặn, lúa không sống được. Đành bỏ ruộng hoang đi làm thuê. Hai đứa con ở nhà đào khoai, mót sắn ăn qua ngày, tôi thì đi cày thuê cuốc mướn. Người ta thuê gì làm nấy. Tôi nhớ có lần ra Thái Bình, gánh phân thuê, ngày họ trả công cho 8 nghìn đồng. Nghĩ lại nhục nhã lắm".

Bà Trần Thị Thư: “Tôi đi bán hàng cả ngày chỉ được vài chục nghìn đồng”.
Bà Trần Thị Thư: “Tôi đi bán hàng cả ngày chỉ được vài chục nghìn đồng”.

Bị "thôi miên" lấy hết tiền

Cụ Phiên cho hay, những ngày mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội đi bán hàng, không dám đi, vì sợ bị lạc. Nhưng đã ra ngoài này, không làm thì chết đói. Thấy mọi người đi bán hàng cụ cũng đánh liều đi theo. Có hôm cụ đi bán đến tối mịt không biết lối quay về nhà trọ. Cụ đứng khóc tu tu bên đường như đứa trẻ lạc mẹ.

Cụ Đồng kể: "Có lần tôi đi bán hàng, gặp một nhóm thanh niên cả nam và nữ, bọn chúng bảo: Đồ vật gì đắt tiền nhất bà lấy ra bọn cháu mua. Nghe lời nói nhẹ nhàng, họ cũng đáng tuổi cháu mình, tưởng thấy tôi già cả, thương tình mua đỡ hàng. Nhưng không ngờ bọn chúng lừa đảo. Tôi như người bị thôi miên. Bọn chúng yêu cầu gì thì cứ đưa hết, tiền bán hàng cả ngày trong ví tôi cũng đưa tất cho bọn chúng. Tỉnh cơn mê thì cả gánh hàng chỉ còn lèo tèo vài thứ. Hôm đó tôi về phải khất tiền nhà trọ, nhịn đói vì hết tiền".

Cụ Phiên có 12 năm bán hàng rong.
Cụ Phiên có 12 năm bán hàng rong.

Hai thứ tóc vẫn phải lang thang kiếm ăn

Trong căn phòng rộng hơn 10m2 có tới 8 cụ già ở. "Chúng tôi cả ngày đi làm tối về chỉ cần chỗ ngả lưng. Giá tiền phòng 15.000đ/người. Dù một người hay mười người, chủ nhà vẫn thu như vậy. Cứ sáng ra là phải nộp tiền cho chủ", cụ Nguyễn Thị Năm, 75 tuổi cho biết.

Khoác trên vai gánh hàng tạp hóa nặng chừng hơn 10kg, hằng ngày họ đi khắp các phố phường để bán. Cụ Phiên cho hay: "Hằng ngày chúng tôi dậy từ 5h sáng, từ khu phố Nguyễn Phúc Lai, tỏa đi khắp các hướng của Hà Nội để bán hàng. Tính ra mỗi ngày chúng tôi cũng đi vài chục cây số".

"Mỗi ngày trừ tiền ăn uống, ngủ nghỉ, mỗi người chỉ được khoảng 40.000đ. Đó là ăn uống chi ly, tiết kiệm. Có hôm không dám ăn sáng, cơm hai bữa chính chỉ dám ăn 13.000đ/suất. Lèo bèo vài cái rau, miếng thịt cho qua bữa. Đi bán hàng rong vất vả không kém đi cày, được cái quần áo sạch sẽ tươm tất hơn. Mỗi ngày được mấy chục nghìn đồng. Ở quê, việc nặng nhọc người ta thuê không làm được ra ngoài này làm kiếm đồng ra đồng vào", cụ Đồng thở dài.

Những ngày nắng ráo còn bán được hàng, gặp những ngày mưa gió đi cả ngày bán không đủ tiền ăn. Thế nhưng những cụ già bán hàng rong vẫn phải bám lấy phố để sống. Cụ Năm tâm sự: "Sức khoẻ tôi gần đây yếu nhiều, một tháng tôi đi bán được hơn chục ngày thôi. Các con tôi cũng khuyên bảo không cho tôi đi bán hàng nữa. Nhưng nghĩ mình vẫn còn sức khoẻ, vẫn đi làm được. Tôi cố làm thêm thời gian nữa trả cho hết nợ rồi mới nghỉ".

"Có hôm đi nhiều mỏi chân, tôi vào công viên ngồi nghỉ mát, thấy nhiều người tầm tuổi mình tập thể dục, khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Cũng kiếp người, nhưng than ôi sao mình phải sống khổ sở. Người ta có cuộc sống an nhàn, còn mình thì cả cuộc đời phải bươn chải kiếm sống. Đầu hai thứ tóc, có cháu chắt rồi mà tối ngày vẫn lang thang trên đường kiếm miếng ăn. Nghĩ đến đó tôi chỉ biết khóc cho vơi đi nỗi buồn", cụ Phiên nghẹn ngào. Tôi nhìn hút theo bóng những cụ già lầm lụi. Trời mùa đông lạnh dần trong những tiếng rao buồn.

Bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhà trọ phố Trần Như Lai, Hà Nội cho biết: "Những người đàn bà đi bán hàng rong trọ nhà tôi lâu rồi. Họ đi bán hàng từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về.  Họ ăn uống qua quýt, đạm bạc lắm. Đa số họ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo khó. Nhưng họ chăm chỉ, chịu khó làm lụng".

Cụ Trần Thị Biên, Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết: "Ở khu vực nội thành những người đi bán hàng rong, từ già đến trẻ chủ yếu là dân Quảng Xương chúng tôi. Người này làm được, truyền tai người kia. Làm lụng nơi đất khách quê người, tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào. Vì thế mọi người đua nhau ra Hà Nội bán hàng rong".
Đức Lợi
 
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)