Máy bay dừng một lúc thì có một cô nhân viên người Singapore đến chỗ tôi và rất nhẹ nhàng hỏi: - “Ông có phải là ông Q. và cần sự trợ giúp phải không?”.
|
Sân bay Changi lúc nào cũng đông khách. |
Kỳ 1: Ăn uống, hưởng thụ ở Changi
Đó chỉ là một trong nhiều dịch vụ mà tôi có thể cần và được trợ giúp khi ở Changi. Dù sao tôi cũng cảm ơn cô nhân viên rất xinh xắn và lịch thiệp của sân bay Sing. Chuyến bay từ Nội Bài của tôi sang Changi hạ cánh ở nhà ga T1. Mặc dù nhiều lần đi về sân bay này, nhưng lần nào tôi cũng vẫn thấy hồi hộp bởi sự rộng lớn, choáng ngợp của một trong những sân bay đứng số 1 trên thế giới cả về quy mô lẫn dịch vụ phục vụ. Nếu biết tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bạn có thể hỏi ở các quầy dịch vụ giải đáp, nếu không biết tiếng, bạn cũng có thể được phục vụ tận tình bằng cách ra dấu hiệu. Tôi đã thử bằng cách hỏi một cô hướng dẫn viên ở quầy dịch vụ là tìm quán ăn ở đâu bằng ngôn ngữ tay và cô ấy hiểu ngay, đưa cho tôi một tờ hướng dẫn chi tiết, khoanh tròn bằng bút các khu vực ăn uống và chỉ cho tôi rất tận tình.
Ăn uống từ Âu đến Á, bình dân đến cao cấp
Tôi lên khu ăn uống (thường nằm trên tầng 2). Trên đó có đủ các nhà hàng ăn uống từ Âu đến Á, từ nhà hàng ăn của Trung quốc, Ấn Độ đến Nhật, Pháp…. Ăn gọi món tại bàn cũng có, mà ăn buffer cũng có. Tôi quyết định chọn một nhà hàng thuần châu Á và gọi một đĩa cơm thịt gà quay giá 8 đô Sing (khoảng 140 ngàn đồng Việt Nam). Giá ăn uống ở sân bay Sing khá đắt đỏ nhưng được đổi lại là đồ ăn ngon, phục vụ rất tận tình. Tôi gọi một nhân viên của nhà hàng và chê mấy miếng thịt gà chưa chín hẳn. Ít phút sau, tôi được đổi một đĩa thịt gà mới mà không bị tính thêm tiền. Cách mua đồ ăn ở Sing cũng rất tiện lợi. Do khách thường phải xếp hàng nên khách cứ việc tìm các thực đơn in trên một cái bảng to ngay trên quầy kèm giá tiền và đánh số ghi trên từng món ăn. Bạn trả tiền cho món, cần mua theo số, lấy một cái chuông và ra bàn ngồi chờ. Khi đồ ăn xong thì sẽ nghe tiếng chuông và bạn ra quầy lấy đồ ăn. Có hẳn một khu nhà hàng với khoảng hơn một chục quầy nằm san sát nhau để bạn lựa chọn đồ ăn. Tôi thấy hầu hết đều có các món ăn nổi tiếng trên thế giới nhưng thật là tiếc không hề có bất cứ một món ăn Việt Nam nào (như phở, nem…). Nếu có một quầy đồ ăn Việt Nam ở đây, tôi tin là cũng sẽ rất đông khách. Tôi liếc qua cái nhà hàng Ấn Độ bên cạnh chỗ tôi ngồi và thấy rất đông khách Ấn ngồi ăn. Vài thực khách ăn theo kiểu truyền thống Ấn là dùng tay để bốc thức ăn.
|
Cà phê Strarbuck trong sân bay. |
Nếu bạn không thích ăn có vẻ bình dân như mấy nhà hàng mà tôi vừa vào, bạn có thể chọn cách mua đồ ăn và mang đi theo ăn hoặc vào nhà hàng cao cấp hơn. Những quầy mang đồ ăn đi cũng rất sẵn, có bánh mì, bánh bao, các loại bánh ngọt, cà phê, nước hoa quả… Đồ ăn cũng khá rẻ, chỉ khoảng 2 đô Sing cho một cái bánh bao hoặc 3 đô Sing một cốc cà phê (đấy là so với ở Sing là một trong những nước được coi là đắt đỏ trên thế giới). Tôi ghé vào một quán cà phê Strarbuck nằm ở tầng 1 và thấy lúc nào cũng đông khách. Một ly cà phê giá 6 đô Sing nhưng quả thực, tôi thấy không ngon bằng cà phê Việt Nam mà giá chỉ khoảng 30 ngàn đồng. Một số khách thích ăn cao cấp thì có những nhà hàng cao cấp. Có cá hồi, tôm hùm, bò Úc, Mỹ và rượu thượng hạng. Thực đơn thường được đặt ngay lối vào nhà hàng để khách dễ lựa chọn, tôi cũng thấy hơi choáng tí: Khoảng 45 đô Sing cho một đĩa cá hồi tươi (gần một triệu đồng Việt Nam).
Mỗi một nhà ga ở Changi cả tầng một, tầng hai có khoảng 20-30 nhà hàng ăn uống để khách lựa chọn thoải mái… Nếu so với sân bay Nội Bài của ta với chưa đến chục cái
nhà hàng ăn uống thì thấy thật là lèo tèo và nghèo nàn.
|
Một quầy mua sắm trong sân bay Sing. |
Sân bay Changi có 3 nhà ga gọi là T1, T2, T3 (Teminal- Nhà ga). Để đi từ nhà ga này đến nhà ga kia bạn có thể có các lựa chọn: Đi bộ, thường mất từ 15 đến 20 phút. Đi bằng thang máy băng chuyền mất khoảng 5-7 phút và đi bằng xe điện thì mất khoảng 3 phút. Nếu mệt mỏi bạn có thể gọi hẳn 1 cái xe giống như xe Tuk Tuk và có lái xe đưa bạn đến nơi cần đến. Cứ chờ sau 3 phút lại có một chuyến xe điện và sau 3 phút thì bạn đi từ nhà ga này đến nhà ga kia. Tôi quyết định chọn cách đi bộ để cảm nhận sự rộng rãi, mênh mông trong hệ thống sân bay này. Dọc đường đi là cơ man các shop bán đủ các loại hàng hóa. Từ các loại hàng hiệu cao cấp đến cả các loai hàng bình dân. Nếu mua hàng trong sân bay, bạn sẽ được hưởng chính sách miễn thuế hoặc nhiều cửa hàng sẽ ghi rõ luôn là miễn thuế để bạn không phải mất công hoàn thuế. Nhà ga nào cũng có trung tâm miễn thuế cho khách hoàn thuế.
Nhà vệ sinh: Nội Bài “khóc thét”
Ở Nội Bài, một trong những nỗi hãi sợ của tôi cũng như của rất nhiều hành khách là khi có nhu cầu đi vệ sinh. Kể cả ở khu sảnh đi quốc tế thì nhà vệ sinh ở Nội Bài cũng rất tệ, vừa chật hẹp vừa có mùi khó chịu lại không có giấy vệ sinh lau tay sau rửa tay. Ở Changi thì khác hoàn toàn. Cứ đi một đoạn bạn lại thấy nhà vệ sinh với biển chỉ dẫn rất dễ nhận thấy. Phía bên ngoài thường có một bác lao công mặc đồng phục cầm sẵn cái giẻ sạch như khăn mặt đứng đâu đó. Bạn đi vệ sinh xong, nếu để nước rớt ra sàn họ sẽ nhanh chóng lau ngay lập tức. Tôi tin là nếu có khách nào muốn vừa đi “nặng” vừa ngồi đọc sách cả tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh ở Changi cũng thấy vẫn rất ổn. Trong một buồng vệ sinh có đủ cả kệ để để đồ, nước rửa để bạn lau bồn cầu cho sạch và tất nhiên là bạn không cần ấn nút xả sau khi sử dụng xong vì đã có nút tự động. Rửa tay xong ở bồn rửa, bạn có thể sấy khô tay bằng máy sấy hoặc dùng giấy lau và lúc nào cũng tìm thấy ở ngay trước mặt. Đặc biệt là gọi là nhà vệ sinh nhưng không hề thấy mùi hôi bốc lên mà thay vào đó là một mùi thơm dễ chịu.
Phía ngoài nhà vệ sinh bạn cũng dễ tìm thấy các bồn nước uống ngay tại chỗ mà không phải đun nấu gì. Bạn chỉ cần ấn cái nút, ghé môi vào thế là uống.
Đôi khi mỏi chân bạn cũng có thể tìm thấy các máy matxa chân miễn phí. Bạn đút chân vào 2 cái ống, bật công tắc lên thế là chân bạn được cái máy đấm bóp, rung, xoa cho đến khi hết mỏi thì thôi. Hầu như lần nào ở sân bay này, tôi cũng tìm cái máy này và ước giá như mua được một cái mang về Việt Nam dùng thì tốt quá.
Và thưởng lãm…
Thường người ta vẫn hay nghĩ, khi phải chờ ở các sân bay là một sự tra tấn mệt mỏi, nhưng ở Changi thì chắc không phải như thế. Chỉ riêng la cà vào các shop để chọn mua hàng bạn đã phải để ra thời gian cả buổi. Mỗi một nhà ga thì số lượng shop có thể lên đến cả trăm cái bán đủ các loại hàng hóa. Hầu hết các nhãn hàng hiệu cũng đều xuất hiện ở đây. Giá cả thì từ hàng hiệu cao cấp đến bình dân đều có đủ.
|
Một góc vườn hoa ngay trong sân bay (bạn có thể thấy đằng sau là cái xe đẩy đặc trưng trong sân bay). |
Nếu không thích mua hàng, bạn có thể tìm đến các vườn hoa ngay trong sân bay và ngồi làm một tách cà phê nóng hổi, ngắm nhìn hoa lá cỏ cây, chim, cá. Nhà ga nào cũng có ít nhất một vườn hoa to với khá nhiều hoa thật tươi nguyên được trồng. Tôi ngồi nhìn mấy chú cá vàng to như cá chép ở ta mà thấy ngưỡng mộ. Giá như ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài cũng có vài vườn hoa với chim cá như thế thì cũng thấy có cái để đọ với sân bay của bạn.
Đang đi tôi chợt thấy một khu vui chơi của trẻ con. Khoảng hai chục đứa trẻ đang chơi trò chui ống và leo đu dây. Không thể ngờ trong sân bay mà diện tích quý từng mét một mà người ta lại có thể làm cả cái khu cho trẻ con vui chơi miễn phí rộng đến thế. Cạnh khu vui chơi của trẻ con thì bố mẹ có thể sử dụng internet miễn phí hoặc nằm dài trên các cái ghế dài đánh một giấc, hoặc xem bóng đá trên một cái màn hình to vật vã. Có một thằng cu khoảng 10 tuổi đu dây bị ngã xuống chỉ hơi đau tí nhưng nó đã khóc thét lên thế là đã có 2 nhân viên y tế từ đâu lao ra, đưa nó vào Phòng y tế chăm sóc sức khỏe. Vì lý do nào đó bạn mệt hoặc sốt, bạn có thể sử dụng dịch vụ y tế miễn phí trong sân bay như đo huyết áp, uống thuốc…
Nếu muốn chơi sang hơn tí bạn có thể mua 1 vé vào bể bơi ngoài trời ngay trên sân thượng với giá khoảng 13 đô Sing. Tôi lên tầng 2 ở khu gần ngay khách sạn Ambasador để mua 1 vé bơi và tập GYM. Lưu ý là trong sân bay có khách sạn khá sang trọng và các lounge (phòng nghỉ) loại rẻ tiền hơn mà tôi sẽ có dịp kể cho các bạn vào kỳ sau. Đã có khoảng hơn hai chục khách đang bơi. Đúng là làm một cú nhảy ào xuống nước, rồi thả mình trong làn nước xanh trong ngắm nhìn trời đất, rồi nhấp một ly rượu vang thấy cũng lên mây ra phết…
Kỳ sau: Ngủ ở sân bay số 1 thế giới Singapore
Thỉnh thoảng khi bay qua Sing, tôi buộc phải transit (nghỉ giữa chặng bay) ở Changi lúc tối cho đến tận sáng hôm sau. Tôi có mấy lựa chọn: Cứ đi lang thang rồi cà phê, hoặc ngả lưng trên rất nhiều loại ghế dành cho người ngủ đêm và cuối cùng thì thuê phòng ở khách sạn hoặc phòng nghỉ (lounge). Tôi quyết định thử cả 3 cách...