Diệt tiêu cực để tạo dựng niềm tin

Google News

(Kiến Thức) - GS Bùi Văn Nhơn cho rằng, dễ có tiêu cực trong việc thi tuyển công chức ở Bộ Công thương, cần làm rõ để tạo dựng lòng tin trong người dân...".

Không công khai thi tuyển công chức, tuyển người không đúng chuyên môn vào làm... là những sai phạm ở Bộ Công thương vừa được Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra mới đây. GS Bùi Văn Nhơn cho rằng, rất dễ có tiêu cực trong thi tuyển công chức Công thương và cần phải làm rõ để tạo dựng lòng tin trong dân chúng, bởi "họ (Bộ Công thương - PV) không thiếu năng lực để làm sai nguyên tắc như thế!".
Không thiếu năng lực để làm sai
- Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có kết luận về những sai phạm trong thi tuyển công chức ở Bộ Công thương như không công khai thi tuyển, chọn người không đúng chuyên môn vào làm... Trong đó, Thanh tra cũng kiến nghị hủy kết quả thi tuyển vào Cục Quản lý thị trường năm 2013 vì có nhiều sai phạm. Ông đón nhận thông tin này thế nào?
- Theo những gì mà Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận thì rõ ràng, các kỳ thi công chức của Bộ Công thương đã không đảm bảo theo nguyên tắc, vi phạm quy định như công khai minh bạch, chọn người đúng chuyên môn... Do đó, Thanh tra kiến nghị hủy kết quả thi tuyển và xem xét trách nhiệm của người có liên quan là điều nên làm. Nó thể hiện bước tiến trong việc quản lý công chức, viên chức; đồng thời cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ đã có những tiến bộ nhất định. 
- Nghĩa là lâu nay, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ chưa được quan tâm đúng mức?
- Thực ra, về nguyên tắc, Bộ Nội vụ là cơ quan thay mặt Chính phủ trực tiếp quản lý công chức, viên chức, giúp các bộ khác phải đảm bảo đúng nguyên tắc và quy định của luật pháp nhưng dường như trong một thời gian khá dài, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự được như mong đợi nên mới có hiện tượng mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền khiến dư luận bức xúc. Bây giờ, với kết luận ở Bộ Công thương mà Thanh tra Bộ Nội vụ đưa ra thì có thể coi đó là tín hiệu tích cực.
- Vấn đề đặt ra là, phải chăng vì người ta không nắm rõ luật nên mới để xảy ra sai phạm như thế?
- Tôi không nghĩ vậy. Bởi về mặt nhân sự, những người có trách nhiệm tổ chức kỳ thi tuyển công chức đều có trình độ, họ phải tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học, nắm rất rõ Luật Cán bộ, công chức chứ không thể lơ mơ được. Họ đâu có thiếu năng lực, trình độ để mà làm sai! 
- Ý ông là người ta chủ đích làm sai nguyên tắc?
- Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa là có tiêu cực trong việc thi tuyển. Chắc chắn có. Nhưng họ có tham nhũng hay không thì cần phải điều tra rồi mới kết luận được.
Diet tieu cuc de tao dung niem tin
GS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia. 
Dại gì mà lên tiếng
- Theo ông thì những sai phạm trong thi tuyển như ở Bộ Công thương có phải là cá biệt?
- Tôi tin đó không phải là cá biệt. 
- Cơ sở nào để ông tin vào điều đó?
- Là bởi, dư luận bấy lâu nay vẫn nói đến chuyện "chạy" việc, mua quan bán chức. Ngay như ông Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có lần phát biểu rằng có dư luận "chạy" công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng. Vậy nhưng cuối cùng có phát hiện, điểm mặt chỉ tên được sai phạm đâu.
- Vì sao lại khó điểm mặt chỉ tên sai phạm trong thi tuyển cán bộ, công chức, thưa ông?
- Vì trước đây ít có sự thanh tra, kiểm tra nên không phát hiện ra. Chỉ đến gần đây Chính phủ nêu rất nhiều về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát nên mới phát hiện ra sai phạm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều người mất tiền để có việc làm trong cơ quan nhà nước thì dại gì họ nói ra, bởi lên tiếng thì mất việc ngay. Vì thế, tiêu cực cứ tiếp tục xoay vòng. 
Người ta dè chừng lâu rồi
- Lâu nay, chất lượng đội ngũ công chức của ta vẫn bị kêu ca nhiều. Theo ông, liệu có mối liên hệ nào giữa việc thi tuyển không đúng nguyên tắc với chất lượng đội ngũ công chức?
 Có đấy. Vì nếu làm đúng quy trình, đúng nguyên tắc thì chúng ta đã chọn được những người thực sự phù hợp rồi. Đằng này, cũng phải như thế nào thì họ mới chấp nhận làm sai nguyên tắc chứ.
- Việc Bộ Công thương mắc sai phạm trong thi tuyển công chức liệu có phải là tiền lệ xấu, để rồi những người có thực tài muốn thi tuyển vào cơ quan nhà nước cũng phải dè chừng, e ngại, do vậy sẽ khó tìm được người tài?
- Thực ra, không phải chờ đến bây giờ vụ việc ở Bộ Công thương bị vỡ lở mới khiến người ta dè chừng khi có ý định thi vào cơ quan nhà nước đâu, mà tâm lý này có lâu rồi vì trước đó vẫn có dư luận rằng để vào được cơ quan nọ, giữ chức vị kia thì phải mất ngần này, ngần kia tiền. Nhiều người cũng có tâm lý cho rằng ai đó thi đỗ vào cơ quan nhà nước chẳng phải vì trình độ mà vì có người thân quen, có tiền nên mới vào được. Thế nên bảo sao người dân không bức xúc.
Bộ có làm đúng chức năng đâu!
- Dư luận cứ lùm xùm về những tiêu cực trong thi tuyển công chức. Chẳng lẽ cái vòng luẩn quẩn này cứ mãi tồn tại như một khối u di căn à?
- Thì nó cũng là bệnh di căn rồi mà (cười). Sâu xa thì phải thay đổi cả một hệ thống chứ không phải chỉ ở một bộ, ngành, đơn vị nào. Cứ nhìn vào cái cách chúng ta lựa chọn cán bộ, tổ chức thi tuyển sẽ thấy còn rất nhiều vấn đề. Chừng nào việc thi tuyển cán bộ, công chức không đặt nặng vấn đề bằng cấp, chứng chỉ này nọ nữa thì chừng ấy mới hy vọng có sự thay đổi.
- Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của Bộ Nội vụ khi để những dư luận không hay về thi tuyển công chức vẫn tiếp diễn?
- Thực ra, Bộ Nội vụ cũng như các bộ khác thôi, khi mà khâu thanh tra, kiểm tra còn lỏng lẻo. Cũng không loại trừ cái khó của họ là nhiều khi vì mối quan hệ này nọ mà họ đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Thêm nữa, ngay chính bộ cũng đã làm đúng chức năng đâu, như việc thi nâng ngạch đáng ra phải do đơn vị sự nghiệp là Học viện Hành chính tổ chức, đằng này bộ cũng tự làm thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Không có nước nào làm như thế cả.
- Với việc công bố những sai phạm của Bộ Công thương trong thi tuyển công chức lần này thì liệu chúng ta có nên kỳ vọng vào một sự thay đổi trong cả nước không, thưa ông?
- Tôi nghĩ đó là tín hiệu tích cực, nhưng nó có đủ sức khiến ai đó phải rút kinh nghiệm không thì cũng chưa hẳn. Bởi thực tế, tôi mới biết có kết quả thanh tra ở Bộ Công Thương và tỉnh Thái Bình thôi mà.
- Vậy bây giờ, theo ông thì cần phải làm gì mới đủ tạo ra sự thay đổi?
Muốn vậy, Bộ Nội vụ hãy làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đi, rà soát, kiểm tra lại tất cả các bộ ngành, địa phương khác. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm người mắc sai phạm thì mới mong cải thiện được tình hình.
- Trân trọng cảm ơn ông và kính chúc ông sức khoẻ!
Theo kết luận thanh tra, từ 8/2011 - 8/2014, Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 16 kỳ thi tuyển công chức. Tuy nhiên, có 11 kỳ thiếu một số nội dung, 6 kỳ thi không được thông báo tuyển dụng công khai, 5 kỳ thi không cung cấp được một số biên bản trong quá trình chấm thi... Cá biệt, có trường hợp bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển nhưng vẫn được dự thi và trúng tuyển.
Ngoài ra, tại kỳ thi công chức năm 2013 do Cục Quản lý thị trường tổ chức, đoàn thanh tra đã phát hiện việc bảo đảm bí mật đề thi, đáp án thi không đúng quy định, khi thông báo công khai kết quả thi tuyển lại không dự kiến người trúng tuyển... Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hủy kết quả thi tuyển này. Đồng thời, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan. 
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)