Ở một số nước trên thế giới khi có hành vi vi phạm pháp luật lập tức những người liên quan đều bị lên án, xử lý nhanh chóng, nghiêm minh, triệt để. Đặc biệt, như Trung Quốc, cán bộ, đảng viên chỉ cần vi phạm nhỏ như giáo dục con cái không nghiêm để xảy ra vi phạm pháp luật, quan hệ bất chính, thậm chí đeo đồng hồ, đi ô tô đắt tiền bị đưa lên mạng xã hội là các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc, điều tra làm rõ.
|
Ảnh minh họa. |
Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thì chỉ cần dấu hiệu nhỏ, dư luận xì xào là người trong cuộc lập tức xin từ chức để khỏi ảnh hưởng đến tập thể, đảng phái và uy tín cá nhân của mình, thậm chí đôi khi họ không sai phạm gì.
Việc nhanh chóng vào cuộc và vào cuộc một cách quyết liệt làm cho những kẻ vi phạm biết mình khó thoát tội nên nhanh chóng từ chức, nhận tội. Đây là cách "đánh đòn phủ đầu", đòn tâm lý rất hiệu quả mà nhiều nước áp dụng. Động thái quyết liệt của các cơ quan nhà nước đã buộc hàng loạt quan tham nhũng hoặc những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật phải nhanh chóng cúi đầu, nhận tội, không kịp trở tay. Bởi vì, họ thừa hiểu rằng nếu có chạy chọt cũng vô vọng vì sự quyết liệt, đi đến cùng sự thật của cơ quan chức năng, đôi khi nhận tội sớm còn mong được xem xét giảm nhẹ.
Ở nước ta, theo tôi, việc xử lý các sai phạm còn chậm. Chính từ sự chậm trễ trong xử lý sai phạm của cán bộ, công chức mà gây nghi ngờ, bức xúc trong xã hội ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính trị một cách không cần thiết. Thực trạng hiện nay, nhiều cán bộ vi phạm pháp luật vẫn cố chạy chọt mong thoát tội, theo nghĩa, "còn nước, còn tát", cứ "chạy" được đến đâu hay đến đó.
Thực tế nhiều trường hợp đã chạy lọt, thoát tội. Ngoài việc có sự tiếp tay, giúp sức của những kẻ thoái hoá biến chất, tham nhũng, tiêu cực, có chức, có quyền thì nguyên nhân nữa là do sự thiếu quyết liệt, chậm trễ của cơ quan chức năng trong xử lý vấn đề đã tạo điều kiện, cơ hội cho những kẻ vi phạm chạy chọt và xóa dấu vết.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng cần tăng cường cải cách thủ tục trong các cơ quan của Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là việc giải quyết, xử lý các vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng nhiều vụ việc điều tra xử lý hàng tháng trời, thậm chí năm này sang năm khác vẫn chưa có kết quả cuối cùng hoặc bỏ dở khiến dư luận quần chúng nhân dân "dị ứng", bức xúc, nghi ngờ có sự bao che lẫn nhau giữa các đảng viên, cán bộ trong các cơ quan nhà nước.