Hãy vì người khác

Google News

Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng thành công đầu tiên của các cháu con anh bạn tôi khi các cháu đậu đại học (một cháu nay đã là bác sĩ) là khuyên được bố mình bỏ hút thuốc.

Tác hại của việc hút thuốc lá thì có lẽ ai cũng biết. Ấy là thuốc lá bao gồm khoảng 4.000 chất độc hại và hàng chục chất gây ung thư. Hút thuốc không những hại cho sức khỏe chính mình mà còn gây hại cho những người thân (đặc biệt là trẻ em), những người xung quanh, do họ cũng hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động).
Cách đây khoảng hơn chục năm, hàng xóm của tôi sinh được một bé trai rất kháu khỉnh, dễ thương. Có một bà già người Huế cưng cháu lắm, ngày nào cũng sang thăm, ngó cháu đôi ba lần. Song, có một điều tôi rất ái ngại là bà nghiện thuốc nặng nên đôi khi hút thuốc ngay bên cạnh cháu bé. Tôi là hàng xóm nên nói với bà chắc rằng dễ hơn bố mẹ cháu bé. Nhân một lần bà đang rất vui vẻ, bồng cháu, nựng cháu, tôi bèn chớp lấy thời cơ nói rằng: Bác ơi, mấy bữa nay cháu bé húng hắng ho, chắc là nó cũng hút thuốc lá với bác đấy. Tôi hơi hoảng vì thấy bà im lặng, không nói năng gì. Đến mấy hôm không thấy bà sang chơi thăm cháu, bố mẹ bé rất ái ngại. Nhưng những gì cần nói ra thì tôi đã nói rồi, không rút lại được nữa. Cũng phải đến vài tuần sau mới thấy bà lại sang chơi thăm cháu và nựng cháu bé rằng: “Chó con” của bà ơi, bà không hút thuốc nữa vì rằng bà rất cưng “chó con” của bà đấy, biết không?
Tôi và bố mẹ của cháu thở phào nhẹ nhõm và thầm cảm phục bà già. Tôi bèn bấm nhẹ bố bé ra và thách thức: “Tôi với ông sẽ cùng bỏ thuốc lá, ông có dám không?” - “Ok, xong, nếu ai không bỏ được sẽ bị phạt nặng” (dù rằng chưa biết phạt thế nào). Tuy nhiên, rất đáng mừng là chúng tôi không ai bị phạt cả.
Còn nữa, tôi có một người bạn chơi với nhau từ thuở bé, lớn lên cùng đi học, cùng đi bộ đội, hiện nay, tuy mỗi người một việc nhưng vẫn cùng ở Lâm Đồng. Anh ta hút thuốc lá từ thời còn học phổ thông. Đến khi lập gia đình, sinh con, con cái lớn lên, vẫn hút. Có nghĩa rằng anh ta đã hút thuốc ròng rã ít nhất 30 năm trời, mà mỗi ngày hút nhiều chứ không phải ít. Tôi cậy mình là bác sĩ, đã nhiều lần khuyên anh ta bỏ thuốc nhưng không được.
 Hút thuốc lá thụ động gây nhiều tác hại đến sức khỏe. 
Bỗng một ngày đẹp trời gần đây, tôi thấy anh ta không hút thuốc nữa. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi có đúng là anh ta bỏ thuốc không và bỏ được bao lâu rồi? Anh ta trả lời rất nghiêm túc, tôi bỏ thuốc hẳn rồi, không hề hút một điếu nào, đã được 12 tháng, hai mươi chín ngày (coi như tròn 1 năm). Ái chà, chuyện lạ có thật đây. Số là anh có cậu con trai đầu lòng học rất giỏi, đã thi đậu vào Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh năm 2004. Sau đó 4 năm, cô con gái lại thi đậu vào Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Một dịp, hai anh em cùng nghỉ hè ở nhà, bèn thưa với bố rằng: “Bố ơi, bố muốn hai anh em con học giỏi, chúng con đã cố gắng đạt được. Vậy mà hai anh em con (và cả mẹ nữa) muốn bố bỏ thuốc lá mà sao bố không bỏ được?”. Coi như xong, anh ta không nói gì, nhưng đã bỏ hút thuốc.
Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng thành công đầu tiên của các cháu con anh bạn tôi khi các cháu đậu đại học (một cháu nay đã là bác sĩ) là khuyên được bố mình bỏ hút thuốc.
Tôi làm một cuộc phỏng vấn nhỏ với ba người đã bỏ hút thuốc kể trên:
Lý do (động lực) bỏ hút thuốc? Cả ba người đều có câu trả lời giống nhau: vì con cháu.
Cách thức bỏ hút thuốc? Cả ba người cũng có câu trả lời giống nhau: bỏ ngay, cắt ngang, không hề tơ tưởng đến thuốc lá nữa.
Vậy là tôi đã rút ra được một bài học nhỏ về việc hút thuốc lá rằng, nếu như chưa bỏ thuốc được vì mình thì hãy bỏ thuốc vì người khác. Và cách bỏ là cắt ngang lập tức, dứt khoát.
Hỡi các bạn có người thân đang hút thuốc lá, các bạn (đặc biệt là trẻ em) hãy giúp họ bỏ hút thuốc bằng tất cả tình thương của mình nhé!   
BS. Nguyễn Tất Ứng
   (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Lâm Ðồng)    

 
Theo SKDS

Bình luận(0)