Thời điểm này, dư luận xã hội đã được tiếp nhận nhiều thông tin chính thống từ Bộ Công an về vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”.
Trong đó, hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club lên đến hơn chục nghìn tỷ do do Phan Sào Nam (SN 1979, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC online), Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) đã được làm rõ.
Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thể giải thích vì sao ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) từ một con người được giao trọng trách phá những vụ án sử dụng công nghệ cao, khắc tinh của các loại tội phạm đánh bạc lại có thể bị bắt vì tội “tổ chức đánh bạc” liên quan đến đường dây này. Vì đâu một tướng công an từng lập nhiều chiến công lại có thể tha hóa để rồi xộ khám như ngày hôm nay?
|
Ông Nguyễn Thanh Hóa. |
Như lời chính ông Nguyễn Thanh Hóa đã từng nói, thời điểm Cục C50 mới thành lập (năm 2010), khi đó tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lại mỏng, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị, phương tiện đánh án hạn chế; ngay cả các quy định của pháp luật để xử lý vi phạm này cũng mỏng - Bộ luật Hình sự chỉ có 5 điều - chưa có hướng dẫn và gần như không thể xử lý nổi...
Khi đó với vai trò Cục trưởng, ông Nguyễn Thanh Hóa đã đưa ra phương châm, kỷ luật người lính vừa chạy vừa xếp hàng. Vừa đào tạo, vừa chiến đấu, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã trưởng thành nhanh chóng qua thời gian.
Nắm giữ vị trí Cục trưởng, ông Nguyễn Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ, trinh sát, hàng nghìn đầu mối sự việc liên quan đến tội phạm công nghệ đã được điều tra xác minh, hàng trăm chuyên án lớn đã được bóc gỡ như chuyên án đấu tranh với mạng lưới sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty MB24, chuyên án đấu tranh triệt phá ổ nhóm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Cộng Đồng Việt... khám phá vụ hacker VN đột nhập lấy cắp thông tin của khoảng 100.000 thẻ tín dụng ở Anh, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng; nhiều đường dây đánh bạc xuyên quốc gia cũng bị triệt phá dưới nhiều hình thức như đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng, ngăn chặn hàng trăm web đánh bạc tại Việt Nam, tiền ảo…
Cũng chính ông Nguyễn Thanh Hóa đã từng thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn lớn nhất đối với C50 đó chính là hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn còn thiếu những điều khoản, điều luật cụ thể để xử lý tội phạm công nghệ cao. Do đó C50 đã tham mưu, đề xuất cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật để đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thế nhưng chính con người đã từng lập nhiều chiến công trong cuộc chiến với tội phạm sử dụng công nghệ cao này lại bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 09, Lệnh bắt bị can để tạm giam 04 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc” khiến dư luận bất ngờ và không thể không hoang mang.
Hoang mang là bởi sự tha hóa nhanh chóng của ông Hóa , - Người được giao nhiệm vụ chống tội phạm lại trở thành tội phạm, người đứng đầu tố chức phá án đánh bạc công nghệ cao lại “bảo kê” cho đường dây đánh bạc. Người từng tham mưu, đề xuất cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật để đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả đối với tội phạm lại lợi dụng chính kẽ hở của những tham mưu đề xuất ấy để phạm tội.
Trong đường dây đánh bạc có quy mô lên đến hàng chục tỷ mà cụ thể cơ quan điều tra đã xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng). Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng); nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng.
Theo Tuổi Trẻ, trong hợp đồng ăn chia lợi nhuận thu về từ đường dây đánh bạc, ông Nguyễn Thanh Hóa sẽ nhận khoảng 20% từ phần tiền Dương được hưởng. Tuy nhiên, ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã được hưởng lợi khoảng 800 tỷ đồng, nhưng chưa chia lợi cho ông Hóa.
Một con người từng đứng đầu tổ chức chống tội phạm tha hóa thành tội phạm rõ ràng xuất phát từ lòng tham. Nhưng chính từ sự tham lam ấy, ông Nguyễn Thanh Hóa đang phải trả một cái giá rất đắt khi phải xộ khám và đang đối mặt với án tù giam. Cái giá đắt hơn nữa là cả một đời “hét ra lửa” khiến tội phạm sợ hãi thành người phạm tội bị dư luận lên án. Một lần nữa, qua vụ việc này lại nóng lên tình trạng cán bộ có chức, có quyền bao che, tiếp tay cho tội phạm, làm giảm niềm tin trong nhân dân nhưng đó sẽ làm bài học quý báu cho nhiều lãnh đạo có chức, có quyền khác.
Ngày 11/3/2018, Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo Ban Bí thư về vụ án và xin ý kiến về việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong quá trình điều tra đủ căn cứ xác định liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”. Được sự đồng ý của Ban Bí thư, cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hóa về hành vi tổ chức đánh bạc.