Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc đội chuyên trách bắt chó thả rông ở Hà Nội thực hiện tuần tra. Các thành viên đội chuyên trách sẽ bắt những con chó được chủ thả ra đường mà không dắt xích, rọ mõm tại các đường phố Hà Nội.
Sau khi bắt những con chó thả rông, thông tin về địa điểm bắt chó, đặc điểm nhận dạng của từng con sẽ được giới chức trách thông báo trên loa phường để chủ nhân của con vật được biết. Theo quy định, chủ chó có vật nuôi thả rông sẽ bị phạt hành chính từ 600.000 - 800.000 đồng. Nếu chó thả rông bị bắt sau 72 giờ mà không có người tới nhận thì sẽ được đem đi tiêu huỷ.
|
Ảnh minh họa. |
Không riêng Việt Nam, một số nước trên thế giới có những quy định nghiêm ngặt trong xử lý chó thả rông. Ví dụ như tại Anh, chủ nhân có chó thả rông ra ngoài đường mà không đeo thẻ tên gồm thông tin của chủ nhân như tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc thì sẽ bị phạt 5.000 bảng Anh (hơn 150 triệu đồng).
Để quản lý vật nuôi hiệu quả, kể từ tháng 4/2016, chính phủ Anh quy định mọi vật nuôi đều phải được gắn microchip - phương pháp lưu giữ thông tin và theo dõi chó hiện đại nhất. Nhờ vậy, giới chức trách sẽ quản lý chó hiệu quả hơn khi có thể dễ dàng tìm được chủ nhân của những con vật đi lạc. Thêm nữa, mọi thông tin về mỗi con chó như những lần tiêm phòng bệnh dại cũng có trong hệ thống dữ liệu của chính phủ.
Mời độc giả xem video: Chó thả rông bị bắt "trong 3 phút" ở Hà Nội (nguồn: VTC Now)
Một số quốc gia như Mỹ, Đan Mạch, Canada quản lý chó bằng cách cung cấp thẻ căn cước cho vật nuôi. Thẻ căn cước dành cho chó có thời hạn không vượt quá thời gian hiệu lực của các vacxin phòng dại cũng như phòng các bệnh gây nguy hiểm ở loài vật này.
Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có những con chó khỏe mạnh, không mắc bệnh tật mới được phép chạy tự do trên đường phố.
Chính quyền Philippines cũng quy định những người chủ nuôi phải tiêm chủng vaccine chống bệnh dại chó và đăng ký số quản lý với cơ quan chức năng. Đặc biệt, người chủ không được phép cho chó đi lang thang ở các địa điểm công cộng.